1,2 tỷ video TikTok đang 'giấu nhẹm' điều này với bạn

Ám ảnh với những thực phẩm được dán nhãn 'lành mạnh' hay đong đếm từng calo nạp vào cơ thể có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống.

Vài tháng trước, Ali Pantony lên Google tra cứu lượng calo có trong một quả táo. Ngày hôm sau, khi làm món salad cho bữa trưa, cô tra hàm lượng calo của rau bina so với diếp cá.

Cô thậm chí có thể tính chính xác mình cần dành bao nhiêu phút trên máy tập để đốt cháy lượng calo đã nạp vào sau khi ăn món cháo Pret với một quả chuối. Pantony quyết tâm phải đốt cháy đủ lượng calo mỗi ngày và không thứ gì quan trọng hơn.

"Đó chỉ là một trong những biểu hiện của chứng rối loạn ăn uống mà tôi đã phải vật lộn suốt thời niên thiếu", cô giải thích về hành vi ám ảnh với ăn uống healthy thông qua đong đếm lượng calo của mình.

Ali Pantony là cây viết của tạp chí Glamour, từng có rất nhiều bài viết về hành trình chấp nhận cơ thể và vượt qua chứng rối loạn ăn uống của mình nhưng vẫn còn nhiều điều muốn nói. Dù chủ đề liên quan đến "cơ thể tích cực" đã phổ biến, cô thấy áp lực của phụ nữ vẫn chưa biến mất, trong đó có việc ám ảnh với ăn uống lành mạnh quá mức.

Ám ảnh với sự "lành mạnh"

Pantony từng bị rối loạn ăn uống, nhưng may mắn khoảng thời gian cô bị ám ảnh với việc ăn uống lành mạnh bằng cách đong đếm lượng calo chỉ diễn ra ngắn hạn. "Chúng xuất hiện vài tháng một lần, như Sao Thủy nghịch hành, thường là lúc tôi thiếu tự tin".

Nữ biên tập viên đã làm việc cho các tạp chí vào thời kỳ bùng nổ của chế độ ăn eat clean vào năm 2010. Chuyển nhanh đến năm 2024, có 1,2 tỷ video trên TikTok liên quan đến cổ vũ văn hóa ăn kiêng. Rất nhiều phụ nữ, dù ở thời kỳ nào, cũng dễ bị ám ảnh bởi các loại thực phẩm.

"Tôi biết ăn uống lành mạnh là quan trọng. Chúng ta được dạy như thế từ khi còn nhỏ. Khi tôi còn đi học, trong lớp treo tấm áp phích về 'tháp dinh dưỡng': phía dưới là tầng rau củ, trái cây - nên ăn nhiều, và trên cùng là sô cô la và khoai tây chiên - thứ bạn được khuyên ăn càng ít càng tốt. Tôi biết, chúng ta đều biết điều đó", Pantony nói.

 Nhiều người không biết rằng ăn uống "quá lành mạnh" cũng có thể gây hại. Ảnh: Freepik.

Nhiều người không biết rằng ăn uống "quá lành mạnh" cũng có thể gây hại. Ảnh: Freepik.

Nhưng có một điều mà các chuyên gia ăn uống (không rõ được cấp phép hay không) hay những người chia sẻ nội dung về thể hình trên TikTok không nói cho bạn biết, đó là ăn uống "quá lành mạnh" cũng có thể gây hại. Trên thực tế, ám ảnh với việc ăn uống healthy có thể biến thành lối sống độc hại.

"Thành thật mà nói, ám ảnh với việc giảm cân đã khiến não tôi hoàn toàn bị điều chỉnh. Nó dành thời gian để phân loại mọi thứ tôi ăn theo hệ thống như một dạng đèn báo giao thông. Thức ăn ít calo có màu xanh lá cây, lượng calo trung bình có màu vàng, lượng calo cao là màu đỏ", Pantony giải thích.

Cô thường đi dạo trong siêu thị và vô thức đếm lượng calo trên bao bì các loại thực phẩm. Điều đó đã hình thành mối quan hệ tiêu cực giữa cô với đồ ăn, biến việc ăn uống đáng ra phải là hành động nuôi dưỡng cơ thể thành trải nghiệm tội lỗi, đầy căng thẳng.

"Tôi không có ý nói bất kỳ ai đếm lượng calo của đồ ăn đều sẽ hình thành thói quen ăn uống thiếu lành mạnh hay bị rối loạn ăn uống. Nhưng với cá nhân tôi, nó khá tệ".

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồ ăn

Theo một nghiên cứu của Aviva, 65% người trẻ lo lắng rằng họ có mối quan hệ không lành mạnh với thực phẩm, trong đó 51% ở độ tuổi 25-34 thường xuyên bỏ bữa để "giảm cân".

Đó là chưa kể đến chứng loạn thần kinh chỉnh hình (Orthorexia nervosa), được định nghĩa là "nỗi ám ảnh về việc ăn uống lành mạnh kèm theo các hành vi hạn chế".

Con người không được lập trình để tính lượng calo. Giống như đứa trẻ sinh ra không biết sợ sô cô la hay bơ sữa. Chúng ta thường ăn khi lắng nghe tín hiệu đói của cơ thể.

 Thay vì ăn kiêng quá mức, bạn nên hình thành mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn. Ảnh: Pexels.

Thay vì ăn kiêng quá mức, bạn nên hình thành mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn. Ảnh: Pexels.

"Đây là cách ăn uống trực quan, lắng nghe cơ thể chúng ta và những gì nó cần để thoát khỏi xiềng xích của văn hóa ăn kiêng. Tôi không cần bằng cấp về dinh dưỡng cũng biết rằng khi tính lượng calo, chúng ta thường tránh nhiều loại thực phẩm lành mạnh - khoai lang và bí (vì carbs), táo và xoài (vì đường), các loại hạt và cá nhiều dầu (vì béo). Nhưng cơ thể chúng ta không quan tâm đến những con số ghi trên nhãn. Nó chỉ muốn được nuôi dưỡng", Pantony phân tích.

Cô cho rằng đã đến lúc chúng ta nên đổi từ "ăn kiêng" sang "ăn uống lành mạnh". Điều đó không chỉ có nghĩa là ăn một chế độ ăn uống cân bằng mà còn là tạo ra mối quan hệ lành mạnh với đồ ăn.

Đinh Phạm

Theo Glamour

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-nguoi-dan-new-zealand-phat-cuong-voi-oi-dua-post1470275.html