2 khuyến nghị của Bình Thuận để phát triển cụm công nghiệp

Bình Thuận đã đưa ra một số khó khăn và khuyến nghị để phát triển cụm công nghiệp tại địa phương.

Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) của Bình Thuận đã được tích hợp và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, Bình Thuận sẽ có 38 CCN, tổng diện tích đất được phân bổ 1.278,4 ha. “Chính phủ cũng cho Bình Thuận dự phòng diện tích 713 ha để phát triển CCN”, ông Võ Văn Hòa nói.

Hiện tỉnh có 27 CCN đang hoạt động thu hút 175 dự án vào đầu tư, diện tích trên 270 ha, tỷ lệ lấp đầy CCN đạt tương đối thấp, khoảng 36%. Các CCN cũng đang giải quyết một lượng lớn việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng sản xuất công nghiệp.

Ông Hòa cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh có một số CCN thu hút được đầu tư thứ cấp lớn như CCN Nam Hà. Công ty TNHH Giày Nam Hà chuyên sản xuất giày xuất khẩu sang EU, Trung Đông, hiện đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1, công suất khoảng 6,8 ngàn đôi/năm, dự kiến thu hút 9.000 lao động; giai đoạn 2 dự kiến đầu tư trong năm 2024 - 2025, khi hoàn thành sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động.

Công ty TNHH Giày Hà Nam, Cụm công nghiệp Hà Nam, tỉnh Bình Thuận

Để thu hút đầu tư hạ tầng CCN cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, những năm qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển CCN. Trong đó, từ ngân sách địa phương, tỉnh đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào CCN như hạ tầng điện, cấp thoát nước, đường giao thông … Đồng thời, bám sát tiến độ triển khai thủ tục, thi công để hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc phát sinh cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý phát triển CCN, địa phương tiếp tục hoàn chỉnh bổ sung các quy định, chính sách theo Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về Quản lý phát triển CCN (NGhị định số 23) cho đồng bộ, thông suốt.

Ông Hòa cũng cho hay, để phát huy những đóng góp tích cực của khu vực CCN đối với phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định mỗi địa phương đến năm 2025 có từ 1-2 CCN hoàn thiện hạ tầng. “Hạ tầng trong hàng rào do nhà đầu tư là chính, ngoài hàng rào chúng tôi đang tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ bằng những chính sách hữu hiệu”, ông Hòa một lần nữa nhấn mạnh.

Sở Công Thương Bình Thuận đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế hỗ trợ đầu tư kinh doanh hạ tầng môi trường CCN nhưng đang vướng một số quy định liên quan đến pháp luật môi trường, hiện đang chờ hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Riêng với Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định số 32) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2024, theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận đã tích hợp khá đầy đủ với các quy định liên quan hiện hành. Tuy nhiên, căn cứ thực tế địa phương, ông Hòa vẫn băn khoăn một số vấn đề cần được Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể trong quá trình triển khai Nghị định số 32.

Thứ nhất, việc đầu tư hạ tầng CCN còn nhiều vướng mắc, trong đó để xác định chủ đầu tư thì nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng làm hai thủ tục, trong đó có một thủ tục do Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, một thủ tục Sở Công Thương tham mưu. Hiện hai thủ tục này chưa tích hợp được và đang gây mất nhiều thời gian thực hiện cho doanh nghiệp.

"Cần làm rõ thủ tục nào trước, thủ tục nào sau bởi thực hiện đồng thời rất khó với địa phương và doanh nghiệp khi triển khai. Thành phần hồ sơ của hai thủ tục này đề nghị nên hợp nhất thành một bộ và gửi cả hai Sở, để khi làm thủ tục thành lập cụm và thủ tục chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong CCN thống nhất”, ông Hòa đề xuất. Đồng thời nhấn mạnh, quy định về thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện thủ tục hành chính để thành lập CCN, Bộ Công Thương đã ban hành quy định, địa phương sẽ cố gắng rút ngắn nhằm thuận lợi cho nhà đầu tư với điều kiện thành phần 2 hồ sơ thông nhau.

Thứ hai, trước đây, Nhà nước có đầu tư vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông, cấp thoát nước trong một số CCN nhưng trong Nghị định số 32 chưa xác định cụ thể việc bàn giao ra sao. Với nội dung này, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận đề xuất, có thể giao cho chủ đầu tư hạ tầng CCN tiếp tục quản lý và xem đây là nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ nhưng thủ tục thực hiện phải thuận lợi cho nhà đầu tư.

Trên thực tế, vướng mắc của Bình Thuận soi chiếu vào Nghị định số 32 có thể thấy phần lớn thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh. Nghị định số 32 đã phân cấp mạnh mẽ về cho địa phương. Hiện Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32 đang được Bộ Công Thương rốt ráo hoàn thành, khi được ban hành hướng dẫn địa phương sẽ có căn cứ để triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/2-khuyen-nghi-cua-binh-thuan-de-phat-trien-cum-cong-nghiep-317377.html