23 Grand Slam của Djokovic và kỳ tích của tay vợt luôn tin mình giỏi nhất
Tối 11/6 tại Paris, Novak Djokovic giành chức vô địch Roland Garros lần thứ 3 và trở thành tay vợt nam đầu tiên trong lịch sử sở hữu 23 danh hiệu Grand Slam. Tay vợt người Serbia vượt qua kỷ lục trước đó của Rafael Nadal và chỉ kém con số 24 chức vô địch của huyền thoại quần vợt nữ Margaret Court.
Novak Djokovic là tay vợt lớn tuổi nhất vô địch Pháp mở rộng và cũng là người đầu tiên vô địch ít nhất 3 lần mỗi giải đấu trong "bộ tứ Grand Slam". Phát biểu sau khi làm nên lịch sử, Djokovic xúc động nói: "Không phải ngẫu nhiên mà tôi lại giành được danh hiệu Grand Slam thứ 23. Đây là danh hiệu mà tôi khó đạt được nhất trong sự nghiệp. Tôi vô cùng may mắn khi trong cuộc đời này có thể giành được 23 Grand Slam. Đó là một cảm giác khó tin".
Djokovic nói về "may mắn" và sự "khó tin" nhưng với những người hâm mộ đã theo dõi và trót yêu Nole, thành quả ấy là điều phải đến sau những nỗ lực tột cùng và sự tự tin của kẻ chinh phục. Anh bắt đầu chơi quần vợt từ năm 4 tuổi và ngay lập tức cho thấy tiềm năng. Djokovic thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2003, đúng vào thời điểm hai ngôi sao Federer và Nadal đang bắt đầu thống trị nội dung đơn nam.
Đến năm 2005, anh có trận Grand Slam đầu tiên ở Melbourne gặp Marat Safin, để thua cả ba set và chỉ thắng 3 game. Một năm sau đó, Djokovic giành danh hiệu ATP đầu tiên tại giải Hà Lan mở rộng ở Amersfoort sau khi đánh bại nhà cựu vô địch Olympic Nicolas Massu trong trận chung kết, leo lên vị trí 36 thế giới.
Năm 2007, Djokovic gây chú ý khi lần lượt đánh bại 3 tay vợt hàng đầu thế giới lúc đó là Andy Roddick, Rafael Nadal và Federer tại giải Canada mở rộng. Cùng năm đó, anh đã giành đến 5 danh hiệu khác nhau và được kỳ vọng sẽ là thế lực cạnh tranh mới với bộ đôi Nadal - Federer.
"Tôi coi mình là người giỏi nhất và tôi tin rằng mình là người giỏi nhất, nếu không tôi sẽ không tự tin nói về việc giành Grand Slam và làm nên lịch sử" - Djokovic.
Chặng đường chinh phục Grand Slam
Djokovic lọt vào trận chung kết US Open năm 2007, thua Federer. Nhưng chỉ một năm sau đó, tay vợt người Serbia giành danh hiệu Grand Slam đầu tiên tại Úc mở rộng 2008. Chiến tích này chấm dứt luôn chuỗi 11 lần liên tiếp Nadal và Federer chia nhau thống trị các danh hiệu lớn.
Anh đã phải chờ thêm 3 năm trước khi giành được Grand Slam thứ hai trong sự nghiệp, và đó lại là Úc mở rộng. Mùa hè năm đó, anh giành chức vô địch Wimbledon đầu tiên sau khi đánh bại đương kim vô địch Nadal. Đó là trận thắng thứ 50 trong 51 trận đấu của anh ấy và là trận thắng thứ 5 trước tay vợt người Tây Ban Nha.
"Wimbledon là giải đấu yêu thích của tôi, giải đấu mà tôi luôn mơ ước vô địch, giải đấu đầu tiên tôi xem trong đời. Tôi nghĩ mình vẫn đang ngủ và đang trong giấc mơ", anh nói sau chức vô địch. Djokovic tiếp tục nâng cao danh hiệu Mỹ mở rộng đầu tiên để đoạt 3/4 Grand Slam trong năm. Đáng nể hơn, anh chỉ để thua 2 trong số 66 trận đấu năm 2011.
Djokovic tiếp tục vô địch Úc mở rộng năm 2012 khi đánh bại Nadal trong trận đấu kinh hoàng kéo dài 5 giờ 53 phút. Đây là trận chung kết dài nhất trong lịch sử Grand Slam, kết thúc lúc 01 giờ 37 phút theo giờ địa phương.
Liệu đây có phải là chiến thắng khó nhọc nhất trong sự nghiệp Djokovic? "Tôi nghĩ trận này đứng đầu. Chúng tôi đã thi đấu gần 6 giờ đồng hồ, thật không thể tin được. Tôi tự hào khi được trở thành một phần của lịch sử".
Một năm sau, anh trở thành tay vợt đầu tiên sau 46 năm giành được danh hiệu Úc mở rộng trong ba năm liên tiếp, sánh ngang với những huyền thoại như Boris Becker, Stefan Edberg, Don Budge và Jack Crawford.
Không chỉ có vinh quang, sự nghiệp của Djokovic cũng có những nỗi buồn. Anh để thua Nadal trong trận chung kết Pháp mở rộng 2012 và Mỹ mở rộng 2013. Anh một lần nữa chịu thua tay vợt người Tây Ban Nha trong trận chung kết giải Pháp mở rộng năm 2014.
Thua 3 trận chung kết lớn trước cùng một đối thủ như một vết dao "đâm" vào niềm kiêu hãnh của Djokovic và anh cần phải thay đổi.
Djokovic đã thuê Becker - nhà vô địch Grand Slam 6 lần, trong đó có ba lần tại Wimbledon - tham gia đội ngũ huấn luyện. Cơ hội làm việc với Becker đã truyền cảm hứng cho anh chấm dứt cơn hạn hán Grand Slam và giành danh hiệu Wimbledon thứ hai với trận đấu ly kỳ kéo dài 5 set trước Federer vào năm 2014.
Đầu năm 2015, Djokovic giành danh hiệu Úc mở rộng thứ 5 tại Melbourne và cũng là danh hiệu Grand Slam thứ 8 khi anh thắng 12/13 games trong hai set cuối trước Andy Murray trong trận chung kết.
Anh thất bại trong trận chung kết Pháp mở rộng vài tháng sau đó nhưng đã kịp trở lại với chức vô địch Wimbledon thứ 3 sau khi đánh bại Federer trong 4 set. Anh cũng chỉ cần 4 set để vượt qua chính Federer tại Mỹ mở rộng và chạm đến mốc 10 danh hiệu Grand Slam cuối năm 2015.
Năm 2016, Djokovic liên tiếp vô địch Úc mở rộng và Pháp mở rộng (đánh bại Murray trong trận chung kết) để lần đầu tiên trong sự nghiệp là đương kim vô địch cả 4 danh hiệu Grand Slam.
Sự nghiệp đang thăng hoa của Djokovic phải tạm dừng vì chấn thương khuỷu tay trong trận tứ kết Wimbledon 2017 với Tomas Berdych. Nhưng chỉ 12 tháng sau đó, Nole trở lại đường đua với danh hiệu Wimbledon thứ 4 sau khi vượt qua Kevin Anderson. Vài tháng sau, anh tiếp tục đánh bại nhà vô địch năm 2009 Juan Martin del Potro trong trận chung kết giải Mỹ mở rộng, đánh dấu danh hiệu Grand Slam thứ 14.
"Novak quá nhanh. Khả năng phòng thủ của anh ấy tốt. Thật sự rất khó để đánh bại một tay vợt như Novak", Del Potro nói.
Djokovic chỉ cần 2 giờ 4 phút để giành chiến thắng 6-3 6-2 6-3 trước Nadal trong trận chung kết Úc mở rộng 2019 để mang về Grand Slam thứ 15. Đây là danh hiệu Úc mở rộng thứ 7 của anh, vượt qua thành tích với Roy Emerson và Federer.
Cuối mùa hè năm đó, Djokovic thuê cựu vô địch Wimbledon Goran Ivanisevic về đội ngũ huấn luyện để hướng đến những kỳ tích mới. 6 tháng sau, Goran cùng Djokovic khẳng định vị thế "Vua của Melbourne Park" khi vượt qua tài năng trẻ Dominic Thiem để có lần thứ 8 lên ngôi Úc mở rộng và giành lại vị trí số 1 thế giới. Anh đã có một bài phát biểu chiến thắng đầy cảm xúc khi nói về vụ cháy rừng ở Úc, các cuộc xung đột trên thế giới và cái chết của huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 ập đến khiến nhiều giải đấu bị hủy bỏ. Anh cũng vướng phải một số điều tiếng về việc không tuân thủ quy định giãn cách. Giải Mỹ mở rộng vẫn được tổ chức nhưng Djokovic đã bị truất quyền thi đấu sau khi vô tình đánh bóng vào trọng tài biên. Anh không tham gia cuộc họp báo sau sự cố này và sau đó đã đăng lời xin lỗi trên trang Instagram cá nhân.
Djokovic bước vào năm 2021 với nhiều cặp mắt "săm soi" sau những tai tiếng trước đó. Tay vợt người Serbia đáp trả bằng chiến thắng trước Daniil Medvedev để lần thứ 9 vô địch giải Úc mở rộng, đồng thời chính là Grand Slam thứ 18.
"Mọi người đều nói về thế hệ tay vợt trẻ sẽ đến và thay thế chúng tôi, nhưng thực tế điều đó vẫn chưa xảy ra", Djokovic nói.
Tại Roland Garros năm đó, Djokovic lội ngược dòng đánh bại ngôi sao người Hy Lạp Stefanos Tsitsipas để trở thành tay vợt đầu tiên hai lần vô địch cả 4 Grand Slam kể từ khi kỷ nguyên Open bắt đầu vào năm 1968.
Tại Wimbledon, anh cân bằng kỷ lục 20 lần vô địch Grand Slam nam của Federer và Nadal nhờ chiến thắng 4 set trước Matteo Berrettini của Italia. Tiếc cho Djokovic khi anh không thể vô địch 4 Grand Slam trong một năm sau thất bại trước Medvedev trong trận chung kết Mỹ mở rộng.
Năm 2022, Djokovic bỏ lỡ giải Úc mở rộng sau những tranh cãi không hồi kết về tình trạng tiêm chủng khi tham dự giải đấu. Mọi thứ như chống lại Nole với thất bại trước Nadal trong trận tứ kết Pháp mở rộng. Nhưng anh đã kịp trở lại với chức vô địch Wimbledon lần thứ 7 sau trận chung kết với Nick Kyrgios. Với chiến thắng này, Djokovic đã có 21 Grand Slam - vượt qua con số 20 của người đàn anh Roger Federer.
Djokovic bước vào năm 2023 với mục tiêu vượt qua thành tích 22 Grand Slam của Rafael Nadal. Trở lại Úc mở rộng sau một mùa giải vắng mặt, Djokovic chỉ để thua 1 set duy nhất trên đường đến trận chung kết, trước khi đánh bại Tsitsipas để giành danh hiệu thứ 10 tại Melbourne.
Đến Paris, Djokovic hoàn tất chiến tích 23 danh hiệu Grand Slam, vượt qua Nadal để trở thành tay vợt nam thành công nhất lịch sử. Chỉ cần thêm một danh hiệu nữa, anh sẽ cân bằng thành tích mọi thời đại của huyền thoại quần vợt nữ Margaret Court. Với việc Federer hiện đã giải nghệ và Nadal 37 tuổi, tay vợt 36 tuổi người Serbia có đủ thời gian để trở thành tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại. Quan trọng hơn, Djokovic tin vào điều đó.
"Tôi là một đứa trẻ bảy tuổi mơ ước một ngày nào đó vô địch Wimbledon. Tôi vô cùng biết ơn và may mắn khi được đứng ở đây với rất nhiều danh hiệu. Tôi cảm thấy mình có sức mạnh để tạo ra số phận của chính mình.
Tôi muốn gửi một thông điệp đến mọi người trẻ tuổi. Nếu bạn muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, bạn hãy tạo ra nó", Djokovic nói.