'6 hơn' trong thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: Bài 3: Hợp tác thực chất sâu sắc hơn

Hợp tác thực chất sâu sắc hơn sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam và Trung Quốc trong nỗ lực hợp tác cùng có lợi, phục vụ sự phát triển của hai nước, thúc đẩy kinh tế khu vực và thế giới. TS Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân để làm rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, Tuyên bố chung nhấn mạnh hai bên nhất trí sẽ tăng cường hợp tác thực chất sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực. Điều này mang lại cơ hội như thế nào cho hợp tác giữa hai nước thời gian tới?

TS Lê Xuân Sang: Cơ hội có rất nhiều từ những tác động mang tính cụ thể hơn, nỗ lực để hai bên cùng có lợi, nhất là cho Việt Nam. Về lĩnh vực đầu tư, Tuyên bố chung nhấn mạnh “khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực, uy tín, công nghệ tiên tiến sang đầu tư tại nước kia”. Đây là điều mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Trung Quốc trước thực tế việc thâm nhập sâu vào thị trường Trung Quốc của chúng ta đến nay vẫn còn ít.

Ở chiều ngược lại, việc khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp Trung Quốc có thực lực, có uy tín, có công nghệ tiên tiến đầu tư vào Việt Nam, nhất là đầu tư công vào các công trình hạ tầng quan trọng của quốc gia, qua đó giảm tác động tiêu cực lên kinh tế Việt Nam, tạo dựng hình ảnh tốt hơn đối với doanh nghiệp Trung Quốc.

Hay như việc “đẩy nhanh triển khai các dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc cho Việt Nam, trong đó có Dự án Xây dựng mới cơ sở 2 bệnh viện y dược cổ truyền” là một hướng tích cực. Qua đó vừa giúp chữa bệnh và nâng cao năng lực chữa bệnh bằng y học cổ truyền, vừa tránh gia tăng quá mức nợ công. Dẫu vậy, các yêu cầu, điều kiện kèm theo, nếu có, cũng cần quan tâm.

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X được tổ chức tại Hà Nội ngày 13-11-2023. Ảnh do Ban tổ chức cung cấp

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X được tổ chức tại Hà Nội ngày 13-11-2023. Ảnh do Ban tổ chức cung cấp

Một nội dung quan trọng khác là tìm kiếm hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản then chốt. Trung Quốc có vị thế là nước nắm giữ tư liệu đầu vào sản xuất chiến lược lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là Việt Nam tham gia vào lĩnh vực khoáng sản nào và mức độ tham gia, lợi ích, cam kết giữa các bên đến mức nào để vừa bảo đảm tính hiệu quả và an ninh năng lượng, vị thế đất nước.

Trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, việc hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan quản lý liên quan cũng là một nỗ lực rất lớn giúp nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ, hiệu quả trong lĩnh vực vay nợ và ngoại thương, bảo đảm an ninh tài chính. Tuy nhiên, cần bàn thảo kỹ hơn về mức độ, lĩnh vực hợp tác với nước bạn, nhất là khi tốc độ quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ngày càng lớn, trong khi Việt Nam chưa có hiệp định hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế tương đối về lương thực trong khi Trung Quốc có thế mạnh và hiện đi đầu trong phát triển công nghệ xanh. Những lợi thế này giúp cho hai nước tăng cường khả năng hỗ trợ nhau cùng có lợi và phù hợp với lợi ích chung.

Có nhiều cơ hội hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhờ Trung Quốc chủ trương tăng trưởng dựa trên nội nhu, người dân hai nước có gu ẩm thực khá tương đồng và về cơ bản Trung Quốc vẫn là thị trường dễ tính hơn so với nhiều nước khác. Việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), số hóa hải quan cũng giúp chính sách thương mại của hai nước minh bạch và có tính tiện lợi hơn.

Cơ hội thu hút đầu tư Trung Quốc đến từ yếu tố địa kinh tế khu vực và yếu tố trong nước. Việt Nam hấp dẫn hơn bởi nhờ các hiệp định thương mại tự do mà ta đã ký kết, doanh nghiệp Trung Quốc có thể thuận lợi hơn trong đầu tư, thương mại ra toàn cầu. Thị trường nước ta đủ lớn, ổn định để Trung Quốc đầu tư có hiệu quả và giảm rủi ro đầu tư, kinh doanh. Tất nhiên, để thu hút được đầu tư từ Trung Quốc, cần kiểm soát tốt các tiêu chuẩn về môi trường, điều kiện giao dịch trong các dự án sáp nhập, hợp nhất và mua lại, nhất là các dự án mang tính chiến lược, mang tầm quan trọng quốc gia.

PV: Một nội dung mới trong Tuyên bố chung lần này là hai bên nhất trí cùng xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” và “Vành đai và Con đường”. Ông đánh giá thế nào về triển vọng và lợi ích của phương hướng hợp tác này?

TS Lê Xuân Sang: Nhìn chung đây là hướng đi tích cực, tạo lợi thế thương mại và thúc đẩy giao thương, đầu tư, du lịch giữa hai nước, nhất là hiệu quả trong nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, logistics. Việc thúc đẩy kết nối sẽ giúp Việt Nam có được những tuyến đường sắt theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao hiệu suất, hiệu quả vận chuyển. Tuy vậy, cần có những đánh giá, tính toán, nhất là xây dựng chính sách mang tính chiến lược và nâng cao nhiều hơn lợi ích kinh tế của Việt Nam trên phương diện nào; Việt Nam tham gia như thế nào, nguồn nhân lực, vật lực, nguồn vốn, điều kiện sử dụng nguồn vốn ra sao trên cơ sở tính toán đầy đủ lợi ích, chi phí khi tham gia trong trung hạn và dài hạn. Cũng cần có các chế tài hữu hiệu trong xử lý vi phạm đối với hai bên.

PV: Việc mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững cũng là nội dung được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung. Theo ông, để thực hiện được điều này, hai bên cần áp dụng các biện pháp gì?

TS Lê Xuân Sang: Tuyên bố chung nêu ra giải pháp khá cụ thể, có thể thúc đẩy giao thương, hợp tác, hàng hóa của hai nước được thâm nhập sâu hơn vào thị trường của nhau. Gần đây, Trung Quốc tuyên bố sẽ tích cực tiếp tục thúc đẩy quá trình mở cửa đối với hàng hóa xuất khẩu chính ngạch, góp phần tăng giá trị, tính ổn định kim ngạch và giảm được thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với bạn.

Bên cạnh đó, “các biện pháp hiệu quả bảo đảm thông suốt chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng giữa hai nước và trong khu vực”, như nêu trong Tuyên bố chung, nếu được thực hiện hiệu quả sẽ có lợi cho cả hai bên. Thời gian qua, hiện tượng tắc nghẽn hàng hóa trên biên giới phần nào xuất phát từ sự phối hợp chính sách giữa hai bên chưa đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và chưa đủ minh bạch. Vì thế, nâng cao hiệu suất thông quan, thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh cũng là một hướng đi quan trọng, thiết thực. Cam kết này giúp hai bên có thể sơ kiểm hay thông báo trước về những loại hàng hóa giúp những doanh nghiệp ở xa biên giới có được thông tin đầy đủ, kịp thời, qua đó giảm rủi ro liên quan đến xuất khẩu hàng hóa, nhất là nông sản.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(còn nữa)

NGỌC HƯNG - VĂN DUYÊN - VŨ HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/6-hon-trong-thuc-day-quan-he-viet-nam-trung-quoc-bai-3-hop-tac-thuc-chat-sau-sac-hon-755897