72 giờ quay cuồng trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ

Trong 72 giờ, các cơ quan quản lý của Mỹ đã gấp rút triển khai kế hoạch cứu trợ với mục tiêu bảo vệ niềm tin của công chúng trước 'cơn địa chấn tài chính mạnh 7,9 độ'.

Chỉ vài giờ sau khi Phố Wall mở cửa giao dịch vào sáng 10/3 (giờ địa phương), giới chức Mỹ đã nắm quyền kiểm soát Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB). Trước đó, ngân hàng này đã sụp đổ do áp lực đến từ lượng người rút tiền ồ ạt.

Tình hình nhanh chóng trở nên căng thẳng khi hệ quả đến từ sự sụp đổ của SVB ngày càng trở nên mất kiểm soát, tờ Financial Times nhận định.

Trong vòng 48 giờ, các cơ quan quản lý của Mỹ đã lên kế hoạch khẩn cấp để trấn an những khách hàng đang gửi tiền tại SVB, đồng thời ngăn chặn sự hoảng loạn lan rộng trong phần còn lại của hệ thống ngân hàng.

 Văn phòng của SVB ở Menlo Park, California, hôm 10/3. Sự sụp đổ của SVB báo hiệu nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Ảnh: Washington Post.

Văn phòng của SVB ở Menlo Park, California, hôm 10/3. Sự sụp đổ của SVB báo hiệu nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tiềm tàng. Ảnh: Washington Post.

Cơn địa chấn tài chính

Đến tối 12/3 (giờ địa phương), chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ đảm bảo toàn bộ tiền gửi của khách hàng tại SVB và Signature Bank (SB) đều được giữ lại. Trước đó, SB cũng nối gót SVB và buộc phải đóng cửa.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cung cấp nguồn tiền vay cho nhiều ngân hàng khác để đảm bảo họ có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

“Trong số những lựa chọn khả dĩ, chính quyền đã triển khai các chính sách hợp lý nhất có thể vào ngày 12/3”, Krishna Guha, cựu nhân viên FED, hiện là phó chủ tịch Evercore ISI, nói với Financial Times.

 Biểu đồ thể hiện những thời điểm dẫn đến sự sụp đổ của SVB. Đồ họa: CNN. Việt hóa: Trần Hoàng.

Biểu đồ thể hiện những thời điểm dẫn đến sự sụp đổ của SVB. Đồ họa: CNN. Việt hóa: Trần Hoàng.

Đi kèm với nỗ lực cứu trợ ban đầu là nỗi lo sợ rằng chính phủ sẽ không thể vãn hồi hệ quả đến từ sụp đổ của các ngân hàng lớn. Vào ngày 13/3, cổ phiếu của First Republic và một số ngân hàng khác vẫn đang trên đà lao dốc.

Trên thực tế, các biện pháp cứu trợ được công bố hôm 12/3 là hồi chuông cảnh báo về sự mong manh của hệ thống tài chính Mỹ, bất chấp những cải tổ mà các cơ quan quản lý đã áp dụng trong suốt 15 năm sau cuộc đại khủng hoảng năm 2008.

Sự sụp đổ của SVB đặt giới chức Mỹ vào tình trạng báo động và buộc phải nắm quyền kiểm soát ngân hàng này.

“Tôi hiểu rằng chúng tôi có 72 giờ để đưa ra kế hoạch giải quyết thảm họa này”, nữ nghị sĩ đảng Dân chủ Anna Eshoo nói. Bà thậm chí ví sự sụp đổ của SVB với một “cơn địa chấn” tài chính mạnh 7,9 độ.

Quyết định của ông Biden

Vào 13h ngày 10/3 (giờ địa phương), sau phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã tổ chức một cuộc họp với các quan chức để đối phó với sự sụp đổ tiềm tàng của hệ thống tài chính Mỹ.

 Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen xuất hiện trước Ủy ban các vấn đề về ngân hàng, nhà ở và đô thị của Thượng viện cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H. Powell hôm 28/9/2021. Ảnh: Washington Post.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen xuất hiện trước Ủy ban các vấn đề về ngân hàng, nhà ở và đô thị của Thượng viện cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome H. Powell hôm 28/9/2021. Ảnh: Washington Post.

Cuộc họp có sự góp mặt của Martin Gruenberg, người đứng đầu FDIC, quyền giám sát viên kiểm soát tiền tệ Michael Hsu và Chủ tịch FED San Francisco Mary Daly. Chủ tịch FED Jay Powell cũng tham gia buổi họp qua Internet.

Cuộc thảo luận trở nên căng thẳng hơn vào ngày 11/3 và Michael Barr, phó chủ tịch phụ trách giám sát FED, cũng được mời tham dự cuộc họp. Các quan chức thảo luận chủ yếu về ba lựa chọn khả dĩ: Tìm người mua lại SVB; FED triển khai hệ thống hỗ trợ mới cho toàn bộ ngân hàng; hoặc tạo một ngoại lệ mới về “rủi ro hệ thống” đối với trường hợp của SVB và SB.

Ban đầu, các nhà lập pháp không tập trung vào việc triển khai những giải pháp cứu trợ mà cố gắng bán SVB. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tìm người mua, nhưng khả năng hiện thực hóa việc này tương đối thấp”, bà Eshoo nói.

Nỗ lực bán đấu giá SVB trở nên vô vọng khi những người mua tiềm năng nhanh chóng nhận ro rủi ro từ thương vụ này. Họ kỳ vọng chính phủ cung cấp bảo lãnh cho việc mua lại SVB. Tuy nhiên, trong một lần xuất hiện trên truyền hình hôm 12/3, bà Yellen ngụ ý không muốn viện trợ trực tiếp cho các ngân hàng mà chỉ tập trung giải cứu những khách hàng gửi tiền.

FDIC đã mời Dịch vụ Tài chính PNC và Ngân hàng Hoàng gia Canada tham gia đấu thầu mua lại SVB. Tuy nhiên, cả hai ngân hàng đều rút khỏi thương vụ này.

Nỗi lo rằng chính phủ sẽ không thể vãn hồi tình hình đã khiến các nhà đầu tư mạo hiểm bắt tay vận động hành lang với mục tiêu ngăn chặn hiệu ứng dây chuyền xảy ra.

Brad Sherman, nghị sĩ đảng Dân chủ, cho biết chính phủ tin rằng các nhà quản lý cần hành động quyết liệt để khôi phục lòng tin từ phía công chúng sau sự sụp đổ của SB.

“Một con thiên nga đen thì chỉ là một con thiên nga đen, nhưng hai con thiên nga đen thì là một đàn rồi”, ông Sherman nói. “Khi ngân hàng thứ hai phải đóng cửa, điều này thực sự mang tính hệ thống”.

Theo nguồn tin từ một quan chức Nhà Trắng, mặc dù dành kỳ nghỉ cuối tuần tại nhà riêng ở Delaware, Tổng thống Joe Biden vẫn thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình hiện tại từ Lael Brainard, cựu phó chủ tịch FED, và Jeff Zients, Chánh văn phòng tổng thống.

Ông Biden cũng nói chuyện với Thống đốc California Gavin Newsom “về những nỗ lực cải thiện tình hình”, nguồn tin trên cho biết.

 Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse ở phía sau Tổng thống Biden trong bài phát biểu hôm 10/3 về báo cáo việc làm trong tháng 2. Ảnh: Washington Post.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse ở phía sau Tổng thống Biden trong bài phát biểu hôm 10/3 về báo cáo việc làm trong tháng 2. Ảnh: Washington Post.

Trong một cuộc họp, Chánh văn phòng tổng thống Jeff Zients, Giám đốc kinh tế quốc gia Lael Brainard và bà Cecilia Rouse - một trong những cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Biden - đã cảnh báo tổng thống về một nguy cơ chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính gần 15 năm trước: Sự thất bại của SVB - một tổ chức ít được biết đến với hầu hết người Mỹ - có thể gây ra một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn trong hệ thống ngân hàng của quốc gia.

“Chúng tôi đã rất tập trung vào điều đó khi nói chuyện với tổng thống vào sáng 10/3”, theo một quan chức Nhà Trắng. “Chúng tôi đã cảnh báo về khả năng điều này có thể dẫn đến sự lây lan và có thể liên quan đến một loạt ngân hàng khá lớn”.

Cuộc họp mang tính quyết định diễn ra vào chiều 12/3 (giờ địa phương), khi Tổng thống Biden phê duyệt kế hoạch viện dẫn quyền hạn khẩn cấp và thực hiện cứu trợ. 18h cùng ngày, các cơ quan quản lý công bố triển khai những biện pháp hướng đến việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng diễn ra.

“Hôm nay chúng tôi sẽ đưa ra các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”, giới chức Mỹ nói trong một công bố.

Tối 12/3 (giờ địa phương), một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ khẳng định những giải pháp được đưa ra lần này khác với gói cứu trợ năm 2008. Cụ thể, các cổ đông và những người nắm giữ trái phiếu sẽ không được giúp đỡ.

 Bên ngoài văn phòng của SVB ở Palo Alto, California, hôm 10/3. Ảnh: Washington Post.

Bên ngoài văn phòng của SVB ở Palo Alto, California, hôm 10/3. Ảnh: Washington Post.

Hôm 13/2, Tổng thống Biden khẳng định sẽ không dùng tiền thuế của người dân để chi trả cho các thiệt hại xuất phát từ SVB và Signature. Số tiền này sẽ được trả bằng khoản phí bảo hiểm tiền gửi mà các nhà băng đóng vào Quỹ bảo hiểm tiền gửi của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), ông Biden nói.

Andrew Ross Sorkin, chuyên gia kinh tế của New York Times, tác giả cuốn sách "Too Big To Fail" nói về khủng hoảng tài chính 2008, cho rằng những gì nhà chức trách đã và đang làm trong vụ sụp đổ SVB thực chất là biện pháp giải cứu, nhưng đối tượng giải cứu không phải là 2 ngân hàng.

"Không giống 2008, chính phủ hiện nay giải cứu các nhà đầu tư mạo hiểm và các công ty nằm trong danh mục đầu tư của họ, chính là những khách hàng gửi tiền chủ yếu tại SVB. Đây là điều đúng đắn vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, vụ việc này vẫn sẽ để lại hậu quả và sẽ dẫn tới các quy định giám sát mới", ông Sorkin nói.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/72-gio-quay-cuong-trong-vu-sup-do-ngan-hang-lon-thu-hai-cua-lich-su-my-post1411941.html