78 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 ở Kiên Giang

Chỉ 15 năm sau ngày thành lập, Đảng ta đã xây dựng được một lực lượng đảng viên và quần chúng cách mạng đông đảo, làm chỗ dựa, sức mạnh chính trị của Đảng, trong cuộc đấu tranh với kẻ thù ngoại xâm để giành độc lập.

Năm 1945, tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng. Ngày 9-5-1945, quân Đức đầu hàng Liên Xô vô điểu kiện. Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Sự sụp đổ của phát xít Nhật là điều kiện khách quan thuận lợi mới cho cách mạng Việt Nam. Khí thế cách mạng của quần chúng lên rất cao. Tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện ở Việt Nam.

Giữa tháng 8, nhận được lệnh tổng khởi nghĩa của Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Từ giữa tháng 7, để tập hợp lực lượng các tầng lớp quần chúng trong tỉnh thành một lực lượng thống nhất, đủ sức tiến hành tổng khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh được thành lập ở Rạch Giá và Hà Tiên, có đủ các thành phần quần chúng, nòng cốt là các đoàn thể cứu quốc và thanh niên tiền phong.

Thanh niên tiền phong ở Rạch Giá và Hà Tiên khẩn trương tập hợp thanh niên vào các đội nhóm tự vệ, học tập các tài liệu của Mặt trận Việt Minh, luyện tập quân sự, sản xuất vũ khí thô sơ. Không khí khởi nghĩa diễn ra sôi nổi, khẩn trương.

Ngày 19-8-1945, tin về khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở Hà Nội đã làm nhân dân các nơi phấn chấn cao độ. Các công việc chuẩn bị ở Rạch Giá và các quận đã sẵn sàng. Đêm 25-8-1945, Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá họp mở rộng do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiễn chủ trì. Hội nghị quyết định phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền toàn tỉnh vào ngày 27-8-1945.

Cách mạng Tháng Tám với không khí sục sôi tại Hà Nội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước tham gia nổi dậy.

Cách mạng Tháng Tám với không khí sục sôi tại Hà Nội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước tham gia nổi dậy.

Sáng ngày 27-8-1945, được sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, lực lượng các đoàn thể quần chúng cứu quốc, với vũ khí thô sơ như giáo mác, tầm vông vạt nhọn, gậy gộc cùng băng cờ, khẩu hiệu từ các địa bàn Châu Thành, An Biên, Gò Quao, Giồng Riềng... rầm rập kéo về Rạch Giá, hợp cùng lực lượng tại chỗ tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Lực lượng khởi nghĩa kéo đến bao vây dinh tỉnh trưởng, buộc tên tỉnh trưởng Trịnh Tấn Truyện ra đầu hàng. Trước sức ép của lực lượng khởi nghĩa, Trịnh Tấn Truyện phải ra trước nhân dân và tuyên bố đầu hàng.

Cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thành công tại sân vận động có đến gần 60.000 người tham dự, tạo nên một sự kiện lịch sử to lớn của tỉnh nhà sau gần một thế kỷ bị thực dân đô hộ cai trị. Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố chính quyền phát xít Nhật và tay sai đã bị lật đổ. UBND cách mạng tỉnh Rạch Giá do dược sĩ Trần Văn Luân làm Chủ tịch ra mắt trước nhân dân.

Ở tỉnh Hà Tiên, sáng ngày 28-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Quận ủy Châu Thành, nhân dân Hà Tiên nhất tề đứng dậy, với vũ khí tự chế, từ các vùng phụ cận kéo về thị xã phối hợp với lực lượng tại chỗ khởi nghĩa giành chính quyền. Tỉnh trưởng Tạ Trung Cang đã nhanh chóng bàn giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa. UBND cách mạng tỉnh Hà Tiên do nhà giáo Nguyễn Ngọc Lầu làm Chủ tịch ra mắt nhân dân tại lễ mít tinh có hàng ngàn người tham dự.

Khởi nghĩa tháng 8 ở Rạch Giá và Hà Tiên thành công, góp phần cùng cả nước đập tan ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, đưa nước ta sang kỷ nguyên độc lập, tự do, sánh vai với các nước, các dân tộc trên thế giới. Thành công đó là bài học về vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng, biết nắm lấy thời cơ lịch sử và sử dụng bạo lực cách mạng của hàng triệu quần chúng yêu nước, quyết đứng lên giành chính quyền, luôn có giá trị to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam ta.

Sau ngày khởi nghĩa thành công, Đảng bộ và chính quyền tập trung cao độ vào việc củng cố và phát triển các lực lượng, nhằm bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Nhiệm vụ cấp bách là thống nhất các tổ chức Đảng và Mặt trận, nhanh chóng xây dựng các lực lượng vũ trang.

Mặt khác, phải luôn nêu cao cảnh giác và chuẩn bị chống địch tái chiếm. Khẩn trương tổ chức cứu đói cho dân, đẩy mạnh công tác xóa mù chữ, song song đó tiến hành cuộc vận động quỹ “Độc lập”, trong đó đầu tiên là “Tuần lễ vàng”, tiếp đó là “Tuần lễ đồng”, nhằm khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, đóng góp vào việc xây dựng ngân quỹ quốc gia đang cạn kiệt khi ta tiếp quản công khố từ tay địch. Đội ngũ cán bộ Việt Minh vẫn hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân không kể ngày đêm.

Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, những khó khăn lớn tưởng chừng không thể vượt qua cũng lui dần, cho đến ngày nhân dân cả nước tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu năm 1946, trước khi cả nước lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái chiếm lần nữa, đến ngày Pháp buộc phải đặt bút ký Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh và công nhận nền độc lập của Việt Nam.

Vinh quang thay những con người đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9 hào hùng. Lịch sử đất nước ta, dân tộc ta luôn ghi nhớ. Tinh thần ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 sống mãi.

VIỆT THANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/78-nam-ngay-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-2-9-o-kien-giang-16451.html