'90 giây an toàn' đẩy lùi tai nạn đuối nước ở trẻ em

Chưa đến hè nhưng ở Hà Tĩnh đã xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước tử vong thương tâm. Trước thực trạng trên, những ngày vừa qua các trường học trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, trang bị thêm nhiều kiến thức về phòng chống đuối nước cho các em học sinh.

Chớm hè tình trạng đuối nước đã 'nóng'

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, các ban ngành cùng chính quyền địa phương đã phối hợp tăng cường tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho các em học sinh, nhưng trên địa bàn vẫn xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Trước đó, vào khoảng 13h ngày 29/3, một số người dân khi đi qua khu vực đập Khe Xai (xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) phát hiện 1 chiếc xe đạp, 2 đôi dép và áo quần học sinh để trên thân đập nhưng không thấy người. Nghi có chuyện chẳng lành, người dân báo cho chính quyền đến hiện trường để xác minh.

Khu vực nơi 2 em học sinh gặp nạn.

Theo chính quyền xã Thạch Xuân, trưa 29/3, 2 em học sinh Đ.V.L. và L.M.A. (học sinh lớp 6, cùng trú thôn Đông Sơn, xã Thạch Xuân) rủ nhau đến khu vực đập Khe Xai trên địa bàn để tắm mát, sau đó cả hai không may đuối nước, mất tích.

Đến 14h cùng ngày, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể em Đ.V.L. Sáng ngày 30/3, thi thể nam sinh thứ 2 trong vụ đuối nước được tìm thấy.

Mới đây, chiều ngày 6/4, em N.X.V. (SN 2009, trú thôn Phú Lập, xã Hương Trạch), học sinh lớp 9A, Trường THCS Hương Trạch cùng nhóm bạn đi ra khu vực Rào Rồng, thuộc địa phận thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch để tắm.

Trong lúc tắm, em V. không may bị đuối nước. Mặc dù bạn bè và người dân nhanh chóng ứng cứu nhưng em V. đã không qua khỏi.

Khu vực đập Khe Xai có biển cảnh báo nguy hiểm nhưng các học sinh vẫn tắm dẫn tới tử vong. Ảnh:TL

Nhận tin báo, chính quyền địa phương đến phối hợp với gia đình, người dân đưa thi thể em V. về lo mai táng, đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân.

Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày trước mùa nắng nóng tại tỉnh Hà Tĩnh đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm, khiến 3 nam sinh tử vong.

Những tai nạn thương tâm liên tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước. Trẻ em bị đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa hè.

Cần chung tay vào cuộc của cả cộng đồng

Trước thực trạng trên, nhằm hạn chế tối đa những hậu quả đáng tiếc do đuối nước và các tai nạn thương tích khác gây ra cho trẻ em, học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu tăng cường công tác phòng chống đuối nước cho học sinh khi mùa nắng nóng đã đến.

Tuyên truyền phòng chống đuối nước, cách sơ cứu nạn nhân đuối nước cho các em học sinh.

Cùng với ngành GD-ĐT, lực lượng Công an các huyện, thành, thị phối hợp với Đoàn Thanh niên và nhà trường tăng cường công tác giáo dục về kỹ năng phòng chống đuối nước, an toàn giao thông cho học sinh các trường học trên địa bàn. Việc tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống đuối nước đã trở thành nhiệm vụ cấp bách được các cơ sở giáo dục ở Hà Tĩnh triển khai đồng loạt, tổ chức với nhiều hình thức đa dạng trong những ngày qua.

Các em được tuyên truyền về các tình huống đuối nước, kỹ năng, cách phòng tránh đuối nước, các loại thương tích của học sinh trong nhà trường, cách phòng tránh tai nạn thương tích, hướng dẫn kỹ năng sơ cứu ban đầu khi trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước.

Với sự đa dạng trong công tác tuyên truyền, học sinh Hà Tĩnh đang được các nhà trường trang bị thêm nhiều kiến thức về phòng, chống đuối nước.

Thông qua các buổi tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước sẽ giúp cho học sinh hình thành thói quen, kỹ năng, tính chủ động trong phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước và phong trào tập luyện môn bơi, nhằm nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân trước tai nạn đuối nước.

Thầy Nguyễn Huy Đạt - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Linh (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, trên địa bàn có khá nhiều sông, hồ nên nguy cơ mất an toàn cho học sinh khá cao. Chính vì thế, những ngày qua, nhà trường đã tổ chức tuyên truyền kiến thức phòng, chống đuối nước cho học sinh bằng hình thức sân khấu hóa, đưa ra các tình huống thường xảy ra ở thực tế.

"Ngoài lồng ghép tuyên truyền vào giờ chào cờ, sinh hoạt 15 phút đầu giờ, trường còn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, hoạt động ngoại khóa theo từng khối, lớp. Việc này sẽ tăng cường nhận thức và kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cũng như đuối nước cho học sinh, giúp bảo vệ tính mạng và sức khỏe của các em", Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hà Linh cho hay.

Poster phòng chống đuối nước của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh.

Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng đã triển khai sớm kế hoạch phòng chống đuối nước năm 2024. Bên cạnh công tác tuyên truyền, Tỉnh đoàn đang tích cực xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội triển khai các mô hình như “90 giây an toàn”, “Loa phát thanh tự động cảnh báo đuối nước”, “Điểm phao cứu sinh”, “Thang cứu đuối”, dán cảnh báo “3K - 3T”...

Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát, gắn biển cảnh báo nguy hiểm, hỗ trợ làm rào chắn tại các khu vực có nguy cơ dẫn đến đuối nước; đến từng hộ gia đình tuyên truyền, nhắc nhở quản lý chặt chẽ con em và làm hàng rào chắn tại ao, hồ, giếng nước...

Hằng năm, lực lượng công an, đoàn... triển khai nhiều biện pháp phòng chống đuối nước trẻ em.

Ông Trần Văn Sang - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo các cơ sở đoàn, đội toàn tỉnh tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Theo Trưởng ban Thanh thiếu nhi Trường học Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, ngoài việc tuyên truyền, cảnh báo tai nạn đuối nước cho từng hộ gia đình còn triển khai các lớp dạy bơi, học bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em; đồng thời lắp đặt thêm, tăng dày hệ thống pano cảnh báo “Khu vực từng xảy ra đuối nước gây chết người”, “Khu vực từng có người chết do tai nạn đuối nước”...

Sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, trường học trong việc tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước đã góp phần giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm. Song vẫn rất cần sự vào cuộc chung của toàn xã hội trong việc tuyên truyền, giáo dục, trang bị kỹ năng cho các em.

Các bậc phụ huynh cần tăng cường quản lý con em mình, không để các em tự do tắm sông, suối, ao khi không có người lớn đi kèm, để mùa hè thực sự trở thành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi bổ ích và an toàn đối với các em nhỏ.

Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/90-giay-an-toan-day-lui-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-169240412065552406.htm