Ấm áp nghĩa đồng bào

Câu chuyện hàng trăm phụ nữ ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thức trắng đêm xét nghiệm tìm nhóm máu phù hợp để cứu một sản phụ bị băng huyết đêm 23-3 đã làm không ít người xúc động

Đây là một trong những câu chuyện ấm áp được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ nhanh chóng và nhiều người đã thầm cầu nguyện cho một kết quả tốt đẹp. Dù kết cuộc đau buồn - sản phụ đã không qua khỏi - nhưng tình nghĩa sâu đậm, giúp người trong cơn hoạn nạn như trên đã lưu lại dấu ấn đẹp đẽ trong lòng nhiều người.

Tinh thần tương thân tương ái từ ngàn xưa đã gắn với cộng đồng người Việt. Không ở nơi đâu trên thế giới này gọi người cùng dân tộc với mình là đồng bào như người Việt. Có thể xuất phát từ truyền thuyết ngàn xưa "Trăm trứng nở trăm con" nhưng qua chiều dài lịch sử, tinh thần đồng lòng, đồng chí được duy trì để vượt qua nghịch cảnh đã gắn bó người Việt với nhau theo đúng nghĩa ruột thịt.

Cách đây chưa lâu - cuối năm 2023, một phụ nữ mang thai bị chấn thương nặng vào cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Các bác sĩ phát hiện sản phụ này mất đến hơn 2.200 ml máu và rất nguy kịch. Lượng máu tại bệnh viện không đủ cung cấp nên các y, bác sĩ đã tình nguyện cấp tốc thử nhóm máu và hiến kịp thời. Ca phẫu thuật thành công, sản phụ đã được cứu.

Hiến máu cứu người đã trở thành phong trào sâu rộng trong nhân dân Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chuyện hiến máu cấp tốc cứu người đã trở nên phổ biến và có thể diễn ra ở bất cứ nơi đâu cần. Trong nhiều nhóm thiện nguyện xã hội, thậm chí chúng ta thường xuyên gặp những lời kêu gọi hiến các nhóm máu hiếm để giúp người khác chẳng may bị thương bất ngờ. Những người có nhóm máu hiếm thường xuyên giữ liên lạc với nhau để bất cứ lúc nào cũng có thể có mặt khi cần thiết.

Nghĩa cử tốt đẹp này của người Việt đã trở thành nét văn hóa trong ứng xử. Giúp người khác trong lúc khó khăn đã dần thành chuyện bình thường trong cuộc sống.

Vào ngày 24-3 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đã khởi động quy trình khẩn cấp tìm người có nhóm máu hiếm cứu một bệnh nhân nước ngoài. Bệnh nhân là ông A.P. (người Anh, 64 tuổi) chảy máu răng, máu mũi, bầm da dạng chấm, xuất huyết hai chân. Ê-kíp điều trị nhận định đây là trường hợp giảm tiểu cầu miễn dịch trên nền bệnh tăng huyết áp, nguy cơ xuất huyết não.

Thế nhưng, ông P. có nhóm máu O RH- (chỉ chiếm khoảng 0,1% dân số Việt Nam). Kho dự trữ của Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy khi đó cũng vừa hết chế phẩm tiểu cầu nhóm O RH-. Sau lời kêu gọi, 6 người từ Câu lạc bộ Máu hiếm TP HCM và Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm miền Nam đã cấp tốc đến bệnh viện. Rất may, trong số này, 3 người có nhóm máu phù hợp đã hiến và cứu sống được bệnh nhân P.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu trung ương (Bộ Y tế), từ khi phát động phong trào hiến máu tình nguyện vào năm 1994 đến nay, tổng cộng lượng máu được hiến tặng lên đến 21 triệu đơn vị. Riêng năm 2023, số máu được hiến là khoảng 1,5 triệu đơn vị. Lượng máu quý giá này đã giúp hàng triệu người qua cơn nguy kịch. Hiến máu đã trở thành phong trào sâu rộng, tốt đẹp được mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

2 người đã mất cứu mạng 8 người khác

Đầu năm 2024, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thông tin với báo chí về việc liên tục trong không đầy 24 giờ, tại bệnh viện này đã diễn ra 2 ca lấy mô, tạng từ người cho chết não mang lại sự sống cho 8 người khác.

Tại Bệnh viện Việt Đức lúc ấy có 2 người sắp chết não. Ban giám đốc bệnh viện đã vận động người nhà cho bệnh nhân hiến tạng để cứu những người khác. Ca ghép tạng với ê-kíp 6 bàn mỗ cùng gần 100 y, bác sĩ làm việc liên tục nhiều giờ và đã có 8 người được hồi sinh, gồm: 2 người ghép tim (1 cháu bé 8 tuổi), 2 người ghép gan, 4 người được ghép thận.

Hồ Phi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/am-ap-nghia-dong-bao-196240330223725594.htm