An Giang: Khởi sắc kinh tế - xã hội

Quý I/2024, kinh tế của tỉnh An Giang có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng ở mức cao so cùng kỳ năm 2023. Các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện tốt. Trật tự an toàn xã hội, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội được tổ chức, phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp. GRDP chưa đạt kịch bản đề ra (5,39%), song tốc độ tăng trưởng chung và tốc độ tăng của khu vực công nghiệp - xây dựng (10,79%), dịch vụ (7,8%) đều cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng ổn định (2,11%), cơ bản đạt kịch bản đề ra. Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 43,3%; công nghiệp, xây dựng chiếm 12,3%; dịch vụ chiếm 40,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,49%.

Điểm sáng trong sản xuất nông, lâm, thủy sản là tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Hoạt động nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, có nhiều bước tiến mới trong xuất khẩu nông sản, gia tăng sản lượng nông sản chất lượng cao. Sản lượng lúa đạt 1,7 triệu tấn (tăng 2.000 tấn so cùng kỳ).

Tỉnh xuất khẩu 13 tấn xoài hạt lép sang thị trường Hàn Quốc, đánh dấu bước chuyển mình của nông sản tỉnh nhà trong nỗ lực chinh phục thị trường khó tính trên thế giới. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Diện tích thủy sản thu hoạch tăng, nhờ thị trường xuất khẩu Trung Quốc, Hoa Kỳ có tín hiệu phục hồi trở lại.

Xuất khẩu gạo

Theo Sở Công Thương An Giang, sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm phục hồi và phát triển mạnh. Doanh nghiệp (DN), cơ sở đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực xuất khẩu của tỉnh ổn định, tăng trưởng so cùng kỳ. Đặc biệt, ngành sản xuất da giầy, sau nhiều tháng liên tục tiêu thụ gặp khó khăn, hiện nhiều DN có đơn hàng mới, tuyển dụng thêm lao động, gia tăng nhịp độ sản xuất. Ước chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9% so cùng kỳ.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu năm, tỉnh phân bổ 100% kế hoạch vốn được Trung ương giao, tổ chức kiểm tra công trình trọng điểm, thúc đẩy tiến độ công trình. Ước đến hết quý I, giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024) đạt 1.458 tỷ đồng (18% kế hoạch).

Thị trường hàng hóa những tháng đầu năm ổn định. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 28.037 tỷ đồng, tăng gần 15% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải kho bãi, vui chơi giải trí, bất động sản tiếp tục tăng trưởng, đóng góp phần lớn vào tăng trưởng của ngành dịch vụ. Đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh đón hơn 4,1 triệu lượt khách, tăng 2,5% so cùng kỳ, đạt 46% kế hoạch năm 2024. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.500 tỷ đồng, tăng 80% so cùng kỳ, đạt 73% so kế hoạch cả năm.

Thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân

Xuất khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực đều tăng khá về sản lượng lẫn kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I ước đạt 300 triệu USD (tăng 5,3% so cùng kỳ). Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh, như: Gạo đạt 113.000 tấn, tương đương 68,2 triệu USD, tăng 2,8% về lượng và tăng 12,4% về kim ngạch; thủy sản đông lạnh ước đạt 39.000 tấn, tương đương 77,3 triệu USD, bằng về sản lượng và tăng 1,7% về kim ngạch.

Quý I/2024, tỉnh có 245 DN đăng ký mới, tổng số vốn đăng ký 425 tỷ đồng; 162 DN hoạt động trở lại; 63 DN giải thể; 326 DN ngừng hoạt động. Đầu năm, tỉnh tổ chức lễ công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua đó, tạo động lực mới, khí thế mới thúc đẩy xúc tiến đầu tư, mở ra cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Tỉnh tập trung tìm giải pháp, tháo gỡ khó khăn nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh trao biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với 9 DN, nhà đầu tư lớn, tiềm năng, như: Becamex IDC, Tập đoàn BIM, Công ty Cổ phần FPT, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Cổ phần Kosy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Thuận, Công ty Cổ phần Bất động sản tập đoàn Tân Á Đại Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến nay, toàn tỉnh có 39 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 306 triệu USD, tổng vốn thực hiện 176 triệu USD.

Bên cạnh đó, tỉnh thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế đang vướng phải. Đó là tính năng động, sáng tạo của một số sở, ngành, địa phương chưa được phát huy, chưa mang lại hiệu quả cao. Nguồn cung vật liệu xây dựng cho các công trình trọng điểm thiếu hụt, làm chậm tiến độ thực hiện. An ninh trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông diễn biến phức tạp. Một số công trình, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và nhà ở thương mại gặp vướng mắc về trình tự, thủ tục, dẫn đến tiến độ triển khai chậm.

Quý II/2024, KTXH dự báo có nhiều cơ hội mới: Cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, quy hoạch tỉnh được triển khai. Tin rằng, với sự quyết tâm của các cấp chính quyền trong quản lý, điều hành; sự đồng thuận của cộng đồng DN và người dân, KTXH tỉnh nhà tiếp tục khởi sắc, thêm nhiều điểm sáng.

HẠNH CHÂU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-khoi-sac-kinh-te-xa-hoi-a394483.html