An toàn đê điều tại Hà Nội: còn nhiều nỗi lo

Trong những năm gần đây, trên hệ thống đê điều dọc các tuyến sông chảy qua địa bàn TP Hà Nội thường xuyên gặp sự cố do thiên tai. Dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng điều này cho thấy nguy cơ lũ lụt là không thể chủ quan.

Hiện trường sự cố sạt lở khu vực ven sông Hồng tại huyện Thường Tín (TP Hà Nội).

Hiện trường sự cố sạt lở khu vực ven sông Hồng tại huyện Thường Tín (TP Hà Nội).

Khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ

Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội, trong năm 2023, trên địa bàn TP đã phát sinh 20 sự cố về đê điều. Trong đó, có 3 sự cố về kè, 1 sự cố sạt lở bờ sông, 14 sự cố về đê và 2 sự cố công trình đê điều khác.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội tiếp tục ghi nhận 2 sự cố đê điều. Cụ thể, 2 vị trí sạt lở bờ sông Cà Lồ tại huyện Đông Anh, và vụ sạt lở bờ bãi giữa sông Hồng thuộc địa bàn xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín). Các sự cố được phát hiện, báo cáo, đề xuất xử lý kịp thời.

Diễn biến sạt lở bờ bãi sông trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 cho thấy nỗi lo sự cố thiên tai luôn thường trực, đặc biệt là trên các tuyến sông. Điều này càng trở lên đáng lo ngại khi nguy cơ lũ lên trên các sông thuộc Hà Nội được nhận định sẽ còn phức tạp trong những tháng tới.

Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ Võ Văn Hòa cho biết, sẽ có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ trong năm nay trên hệ thống sông của Hà Nội. Đỉnh lũ năm các sông phổ biến thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm và cao hơn đỉnh lũ năm 2023.

Cụ thể, mực nước đỉnh lũ năm trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống dưới mức báo động (BĐ) 1; sông Đáy từ BĐ1 - BĐ2; các sông nội tỉnh (sông Tích, sông Bùi, sông Nhuệ, sông Cà Lồ…) từ BĐ2 - BĐ3.

Lực lượng xung kích xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai.

Lực lượng xung kích xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai.

Sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và Hà Nội, hệ thống đê điều trên địa bàn TP đã và đang từng bước được đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện.

Tính riêng trong năm 2023, bằng các nguồn vốn khác nhau, kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, nâng cấp công trình đê điều trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 1.048 tỷ đồng.

Nguồn lực này chủ yếu phục vụ cho công tác xử lý cấp bách các sự cố đê điều (579 tỷ đồng). Còn lại là kinh phí phục vụ duy tu, cải tạo, sửa chữa đê điều; xây dựng, cải tạo kho dự trữ vật tư phòng chống lụt; gia cố mặt đê bằng asphalt; phát hiện, xử lý mối và ẩn họa trong thân đê; khoan phụt vữa gia cố thân đê; mua vật tư dự trữ phòng chống lụt bão (bao tải)…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội Nguyễn Duy Du cho biết, trước mùa mưa, lũ hàng năm, đơn vị tổ chức rà soát, kiểm kê vật tư dự trữ tại các điểm, kho bãi vật tư trên các tuyến đê thuộc TP quản lý. Từ đó, xác định số lượng, chất lượng vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, đề xuất mua bổ sung vật tư dự trữ theo quy định.

Bên cạnh chủ động phương án ứng phó sự cố thiên tai, trong đó có sạt lở bờ bãi sông, hàng năm, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức các buổi diễn tập, huấn luyện lực lượng xung kích làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

“Cũng nhờ công tác này mà chính quyền các địa phương đã cơ bản ứng phó kịp thời ngay từ giờ đầu khi có sự cố phát sinh trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024…” - ông Nguyễn Duy Du đánh giá.

Để kịp thời ứng phó với mọi tình huống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức xây dựng và duy trì hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại các xã, phường, thị trấn. Thường xuyên kiểm tra, xác định những khu vực nguy hiểm trên địa bàn và xây dựng phương án bảo vệ tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của nhân dân trước thiên tai có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc phương án cứu trợ đã được UBND TP phê duyệt. Đặc biệt là dự trữ lương thực, thuốc men, cây, con giống, hàng hóa, vật tư thiết yếu để sẵn sàng hỗ trợ đảm bảo đời sống nhân dân, phục hồi sản xuất, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả khi thiên tai, sự cố xảy ra.

“Cấp ủy, chính quyền cơ sở phải xác định nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, sự cố là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, nhất là trong mùa mưa bão. Kết hợp tuyên truyền, vận động với phát hiện kịp thời, ngăn chặn và kiên quyết xử lý có hiệu quả ngay tại cơ sở những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi… từ khi mới phát sinh; đặc biệt là những địa phương ở ven đê…” - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/an-toan-de-dieu-tai-ha-noi-con-nhieu-noi-lo.html