Ấn tượng đêm diễn múa cổ điển Ấn Độ tại Tây Ninh

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972-2022), nhằm thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai nước, tối 9.12, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh phối hợp Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Giao lưu văn hóa nghệ thuật Múa cổ điển Ấn Độ và Nghệ thuật quần chúng, dân gian Tây Ninh.

Tiến sĩ Sonal Mansigh (đứng giữa) thể hiện hình tượng Vande Mataram- Mẹ và đất của mẹ.

Tiến sĩ Sonal Mansigh (đứng giữa) thể hiện hình tượng Vande Mataram- Mẹ và đất của mẹ.

Buổi diễn của đoàn nghệ thuật cổ điển Ấn Độ được biên đạo bởi Tiến sĩ Sonal Mansingh, người từng được trao giải Padma Vibhushan – một trong những giải thưởng cao quý nhất của Ấn Độ, vào năm 2004. Bà cũng là một nghị sĩ của Thượng viện Ấn Độ và là một trong những vũ công độc đáo nhất, thông thạo nhiều hình thức múa cổ điển của các vùng khác nhau ở Ấn Độ như Bharatanatyam, Odissi và Chhau. Bà cũng là một học giả uyên thâm và là nhà quản lý hoạt động nghệ thuật dày dạn kinh nghiệm đã biểu diễn, thuyết trình và tổ chức hội thảo ở 90 quốc gia trên thế giới.

Múa cổ điển Ấn Độ xưa kia chỉ được biểu diễn trong những buổi tế lễ ở các đền đài và do một đội vũ nữ chuyên nghiệp là những “nô lệ của thần linh” đảm nhiệm. Sau đó, những điệu múa là “sản phẩm” độc quyền của Hoàng gia, cung đình và hàng ngũ quý tộc với những vũ nữ được tuyển chọn một cách kỹ càng. Từ khoảng thập niên 1930 trở lại đây, múa cổ điển mới được trình diễn rộng rãi trên các sân khấu và được dạy trong các trường nghệ thuật.

Để có thể múa được các điệu vũ cổ điển, người nghệ sĩ múa phải có một trình độ kỹ thuật rất cao bởi loại múa này yêu cầu người múa phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy tắc đã được điển chế hóa về các tư thế và động tác. Vì vậy, họ phải có thời gian khổ luyện lâu dài, thường là từ khi còn rất nhỏ cho đến lúc trưởng thành.

Được biết, trước khi đến Tây Ninh, Đoàn nghệ thuật Ấn Độ đã lưu diễn tại Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận. Tại chương trình, tiến sĩ Sonal Mansigh giới thiệu đến khán giả Tây Ninh 10 hình đại diện chính của Thần Vishnu của Ấn Độ giáo. Đây là các vũ điệu mô tả chu kỳ tiến hóa từ truyền thuyết Ấn Độ, mười hóa thân của thần Vishnu nói về thời kỳ nguyên thủy đến hiện đại và các chu kỳ sẽ kết thúc bao gồm các hình: cá, rùa, lợn rừng, sư tử, người lùn, chiến binh, vua cao quý, nhà nông học, lòng trắc ẩn, sự cuối cùng.

Đoàn nghệ thuật Ấn Độ gửi đến chương trình 2 tiết mục múa, mỗi tiết mục là một câu chuyện xuyên suốt về thảm họa môi trường và lòng yêu nước. Từng cử chỉ, điệu bộ, động tác tay, chân đến nét mặt đều thể hiện thần thái riêng, cách trang điểm cho mỗi nhân vật cũng cho thấy sự khác nhau giữa thiện và ác.

Tiết mục múa thể hiện vấn nạn ô nhiễm nguồn nước ở các dòng sông, cụ thể là dòng sông Yamuna ở phía Bắc, Ấn Độ.

Tiết mục múa thể hiện vấn nạn ô nhiễm nguồn nước ở các dòng sông, cụ thể là dòng sông Yamuna ở phía Bắc, Ấn Độ.

Gây ấn tượng tại chương trình, phải kể đến hình tượng Vande Mataram – Mẹ và đất của mẹ. Đây là điệu múa về bài hát của Quốc gia Ấn Độ, là lời chào Tổ quốc, Bharatmata (Ấn Độ) qua một bài thơ đầy sức truyền cảm được viết bởi nhà thơ yêu nước Bankim Chandra Chattopadhyay vào đầu thế kỷ 20.

Đây là thời điểm mà Ấn Độ đang phải vật lộn để phá bỏ gông cùm và loại bỏ chế độ thực dân của Anh. Bài múa thể hiện sự vươn lên giành độc lập, cuối bài múa là sự xuất hiện của Tiến sĩ Sonal Mansigh trong hình tượng nữ thần Bharatmata, tượng trưng cho quyền lực, sự giàu có và tri thức.

Song song đó, Đoàn nghệ thuật quần chúng, dân gian Tây Ninh giới thiệu đến các diễn viên Ấn Độ và khán giả những nét đẹp truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc của vùng đất, con người Tây Ninh tươi đẹp, hiền hòa và mến khách qua các tiết mục như Múa trống Chhay-dăm, múa hát Hoa trăng đất Trảng...

Anh Lê Thanh Tâm, diễn viên múa Trung tâm VHNT tỉnh chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui và vinh hạnh khi đại diện cho tỉnh Tây Ninh tham gia chương trình múa cổ điển Ấn Độ và nghệ thuật quần chúng, dân gian Tây Ninh. Là người con Tây Ninh tôi cảm thấy tự hào khi quảng bá văn hóa vùng đất Tây Ninh đến bạn bè quốc tế thông qua những bài múa, hát như nghệ thuật đờn ca tài tử, nghề làm bánh tráng phơi sương và đặc biệt là nghệ thuật múa trống Chhday- dăm.

Sau khi xem 2 bài múa của Ấn Độ tôi cảm thấy các bạn rất chuyên nghiệp, mặc dù diễn viên ít nhưng các bạn vẫn làm chủ được sân khấu, thông qua mỗi động tác múa, họ đều truyền tải câu chuyện của đất nước họ đến với người xem”.

Từng cử chỉ, động tác tay, chân đến nét biểu cảm của các diễn viên múa Ấn Độ đều thể hiện sự gắn kết giữa nghệ thuật – trí tuệ - tâm hồn.

Từng cử chỉ, động tác tay, chân đến nét biểu cảm của các diễn viên múa Ấn Độ đều thể hiện sự gắn kết giữa nghệ thuật – trí tuệ - tâm hồn.

“Em cảm thấy rất vui và phấn khởi sau khi xem chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa giữa tỉnh Tây Ninh và Ấn Độ, những điệu múa của Ấn Độ cũng như của Tây Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung đều có những nét nghệ thuật độc đáo riêng, khiến người xem được mở mang tầm mắt và học hỏi nhiều điều bổ ích từ những câu chuyện mà mỗi tiết mục lồng ghép vào đó”- bạn Lê Nguyễn Đoan Trang, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh bộc bạch.

Trong màu áo xanh thanh niên, bạn Nguyễn Trí Tín, ngụ xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu phấn khởi nói: “Đêm diễn hôm nay rất tuyệt vời đã truyền cảm hứng cho người xem lòng đam mê nghệ thuật, đặc biệt là trong giới trẻ”.

Chương trình là dịp để người dân Tây Ninh được tiếp cận, trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa Ấn Độ. Đồng thời là dịp để các bạn Ấn Độ hiểu thêm văn hóa vùng đất Tây Ninh nói riêng, con người Việt Nam nói chung, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/an-tuong-dem-dien-mua-co-dien-an-do-tai-tay-ninh-a152511.html