Anh hùng Trương Chí Cương: 'Yết Kiêu' giữa đôi bờ giới tuyến

Đứng bên con sông Bến Hải, tôi thầm nhớ đến Đại tá Trương Chí Cương (hay còn có biệt danh là Trương Xà), nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị - một trong 5 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1967.

Đồng chí Trương Chí Cương thời trẻ. Ảnh: Tư liệu

Đồng chí Trương Chí Cương thời trẻ. Ảnh: Tư liệu

Thời gian dần qua đi, màu xanh của cây cỏ đã phủ dần lên vết thương quá khứ, bên dòng Bến Hải đã được dựng lên một khu di tích để tưởng nhớ về một thời oanh liệt và hào hùng của những con người từng sống chết trên tuyến lửa, là minh chứng cho một thời chiến đấu và chiến thắng của những người lính CANDVT nơi đầu cầu bờ Bắc. Và dòng sông ấy cũng là chứng nhân cho bao lần vượt sông để chiến đấu trong lòng địch của người anh hùng Trương Chí Cương cùng đồng đội.

Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở vùng đất Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí Trương Chí Cương nhập ngũ vào năm 1953. Sau khi hòa bình lập lại, đất nước chia hai miền Nam - Bắc, đồng chí được điều động cùng đơn vị chuyển quân ra bờ Bắc để thành lập “Đại đội công an giới tuyến” trực thuộc phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trong tiểu ban liên hợp chiến trường Bình Trị Thiên. Trong điều kiện hoạt động thường xuyên giáp mặt với kẻ thù, chúng thường tung gián điệp, tình báo qua sông Bến Hải, phá hoại miền Bắc, người chiến sĩ ấy đã luôn luôn mài sắc ý chí cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác, dũng cảm, mưu trí bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền khu vực công tác.

Khi đơn vị chuyển giao cho lực lượng CANDVT, đồng chí Trương Chí Cương được phân công làm Đội trưởng Đội trinh sát ngoại tuyến thuộc Ban trinh sát, CANDVT khu Vĩnh Linh, có nhiệm vụ lập hồ sơ chính trị, hồ sơ đối tượng tập trung cải tạo, góp phần tích cực giữ vững trật tự an ninh khu giới tuyến quân sự tạm thời. Tiếp đó, từ năm 1963, khi Bộ Tư lệnh CANDVT tăng cường hoạt động chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng chí Trương Chí Cương được giao bí mật xây dựng cơ sở cách mạng ở phía bờ Nam giới tuyến, làm Tổ trưởng giao thông liên lạc giữa đặc tình và trinh sát, giữa trinh sát với cấp trên; bảo vệ cán bộ cấp trên qua lại công tác với các cơ sở bí mật địa phương; diệt trừ ác ôn, gián điệp, biệt kích, phá ấp chiến lược, nhằm phá thế kìm kẹp, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng bờ Nam sông Bến Hải.

Xin được nói thêm về tình hình bờ Nam sông Bến Hải thời kỳ đó để bạn đọc hiểu và cảm nhận rõ được những cống hiến và sự gan dạ, mưu trí của đồng chí Trương Chí Cương. Sau năm 1954, chính quyền miền Nam Việt Nam đã xua đuổi dân vào các ấp chiến lược để biến khu vực bờ Nam thành khu phi quân sự, xây dựng hàng loạt đồn bốt, tuần tra, kiểm soát gắt gao và tiến hành lập nhiều tổ chức chống phá cách mạng, lôi kéo nhiều tên chỉ điểm, phản cách mạng. Do địch kiểm soát và o ép nghiêm ngặt nên các cơ sở cách mạng của ta hầu hết bị phá vỡ, vì thế, công tác giao thông liên lạc qua lại sông Bến Hải gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm.

Lúc sinh thời, Đại tá Pham Trọng Bằng, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP cho biết: “Khi đó, tôi còn là một cán bộ của Đoàn Điện ảnh CANDVT, có nhiệm vụ vào quay phim ở giới tuyến, tôi đã gặp anh Trương Chí Cương. Ngày đó, khu Nam giới tuyến là một vùng địch xây dựng đồn bốt dày đặc và có lực lượng canh phòng cẩn mật... Các cơ sở cách mạng bị chúng phá vỡ hầu hết, phong trào đấu tranh của quần chúng tạm thời lắng xuống. Trước những khó khăn đó, đồng chí Trương Chí Cương nghiên cứu tỉ mỉ tình hình địch, địa hình, địa vật trong vùng để vượt sông Bến Hải đưa đón cán bộ và chuyển công văn, tài liệu an toàn. Sau mỗi lần công tác, đồng chí đều cho chiến sĩ trong tổ rút kinh nghiệm, nên đợt nào anh em cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt hiệu suất cao. Anh liên tục được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được anh em đặt cho biệt hiệu là “Yết Kiêu quân hàm xanh”.

Được nghe kể và đọc những tài liệu về chiến công của người trinh sát ngoại tuyến anh hùng ấy, thật xác đáng khi ông được đặt biệt hiệu theo tên của vị danh tướng thủy quân nhà Trần. Dòng Bến Hải sóng cuồng nước xoáy, đồn bốt của địch ken dày giăng dọc bờ sông, ca nô đi tuần liên tục, vậy mà trong một năm, tổ công tác của đồng chí Trương Chí Cương vượt sông Bến Hải đến 200 lần. Có những đợt liên tiếp vượt sông 5, 6 đêm liền để đưa đón cán bộ và chuyển các tài liệu, mệnh lệnh của cấp trên. Và mỗi chuyến vượt sông vô cùng nguy hiểm ấy, “Yết Kiêu quân hàm xanh” thường đi đầu, đưa đón cán bộ đảm bảo an toàn nên được anh em rất tin tưởng. Để có được bản lĩnh ấy, đồng chí Trương Chí Cương đã dày công nghiên cứu địa hình, địa vật, thời gian hoạt động cho thích hợp và vượt sông Bến Hải bảo đảm an toàn. Ông thường cùng anh em trong Tổ trinh sát huấn luyện nghiêm ngặt để có đủ sức khỏe, bản lĩnh và kỹ thuật để tác chiến trên sông.

Mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, mọi người tập bơi có phao và không có phao, tập bơi thuyền trên sông theo nhiều cách. Họ cùng bàn nhau làm thế nào để đổ bộ lên bờ Nam giới tuyến nhanh nhất, tránh không cho kẻ thù phát hiện. Đồng chí Trương Chí Cương mày mò nghiên cứu quy luật hoạt động, tiếng kêu của chim, cò, ếch, nhái ở hai bờ sông để phán đoán các tình huống có thể xảy ra, tiếng kêu nào là dấu hiệu báo có địch, tiếng kêu nào là bình thường... Nhờ phát hiện được quy luật của sinh thái bên sông, nên Tổ công tác đã phần nào biết được quy luật rằng, mỗi khi địch hoạt động ở khu vực nào, đoạn sông nào thì quân số ở đồn của chúng còn rất ít. Anh em sẽ tranh thủ lúc đó vượt sông và thuận lợi lọt vào xóm gặp cơ sở bí mật dễ dàng mà địch không phát hiện được.

Hay để đưa đón cán bộ chu đáo và an toàn tuyệt đối, đồng chí Cương còn cho anh em tập dượt các phương án cất giấu và lấy tài liệu; khi gặp địch hoặc bị địch bắt thì cất giữ và thủ tiêu ra sao, huấn luyện cho anh em dùng các tín hiệu, mật hiệu công tác, thành thạo các công việc của người làm nhiệm vụ giao thông liên lạc trong vùng địch kiểm soát. Qua nhiều lần đối mặt, Tổ công tác đã nghiên cứu được quy luật của địch là, khi phục kích, chúng luôn chiếm địa hình có lợi, súng tiểu liên của địch đặt sát mặt đất. Để phản công, nếu ta dùng súng bắn địch thì không kết quả mà phải dùng lựu đạn ném phủ đầu, buộc địch phải chúi đầu xuống và có bắn thì bắn vọt lên cao, ta tiến vào an toàn. Kinh nghiệm đó được địa phương rất hoan nghênh và áp dụng rộng rãi, đạt hiệu suất cao trong chiến đấu. Kinh nghiệm công tác của Tổ trinh sát ngoại tuyến đã có tác dụng phục vụ trực tiếp cho việc đánh địch trước mắt và lâu dài ở khu vực giới tuyến.

Đại tá Trương Chí Cương, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Trung Kiên

Đại tá Trương Chí Cương, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Trung Kiên

Thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP chia sẻ, khi đang là Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, Đại tá Trương Chí Cương có kể về một kỷ niệm khó quên của Tổ trinh sát thời kỳ đó. Năm 1964, ông trực tiếp tham gia chỉ đạo phá ấp chiến lược Cao Xá, một địa bàn có nhiều tên ác ôn, gián điệp, thám báo, được địch cho là một thôn an toàn nhất của chúng bởi suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp và 10 năm dưới chính quyền Mỹ - ngụy, thôn này được kẻ địch xây dựng kiên cố để bảo vệ bọn tề, ngụy. Chấp hành chủ trương của trên phải nổ được súng, rải truyền đơn trong thôn làm cho ấp chiến lược mất an toàn, ông cùng tổ nhiều lần ra vào ấp nghiên cứu kế hoạch. Đêm hành động, Tổ trinh sát an toàn đột nhập ấp chiến lược Cao Xá, đào 3 ụ chướng ngại, treo 100 lá cờ Mặt trận, rải 3.000 tờ truyền đơn, bắn 42 phát súng, ném 4 quả lựu đạn vào nhà bọn nghĩa quân.

Cũng trong đêm ấy, tổ đã diệt được 4 tên gián điệp, thám báo rất nguy hiểm, xảo quyệt và có nhiều nợ máu với dân, trong đó, có tên ác ôn Trương Đình Nghi. Hắn là một tên phản bội cách mạng, đầu thú, theo địch chống phá ta rất kịch liệt. Nhưng diệt được Nghi không phải là dễ dàng vì hắn thường xuyên thay đổi chỗ ngủ và có lính bảo vệ cẩn thận. Đồng chí Trương Chí Cương đã cải trang làm cảnh sát ngụy, bố trí lực lượng rất khoa học và được quần chúng giúp đỡ, nên lọt vào chỗ ở của tên Nghi. Tuy kẻ địch chống cự quyết liệt nhưng đơn vị đã bắt hắn quỳ gối, đọc Lệnh tử hình của Mặt trận giải phóng miền Nam và diệt hắn tại chỗ, đồng thời bắt đi một số tên khác để giáo dục. Tổ công tác sau đó rút lui an toàn, làm cho địch rất hoang mang lo sợ, ấp chiến lược mất an toàn, cơ sở cách mạng dần dần được xây dựng.

Nhờ sự mưu trí, can đảm của Tổ trinh sát do đồng chí Trương Chí Cương phụ trách đã tổ chức rất thành công việc phát triển cơ sở bí mật ở bờ Nam sông Bến Hải và đảm nhiệm công tác liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, năm 1972, các đội trinh sát vũ trang Bình Trị Thiên dưới hình thức chiến đấu phân đội nhỏ, phân tán chiến đấu trên diện rộng và tác chiến độc lập đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương tập kích vào nhiều khu căn cứ quân sự của địch, tiêu diệt nhiều tên ác ôn, có nợ máu với cách mạng, góp phần giải phóng bờ Nam sông Bến Hải không lâu sau đó.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-truong-chi-cuong-quotyet-kieuquot-giua-doi-bo-gioi-tuyen-post470705.html