ÁP DỤNG CƠ CHẾ THU HỒI TÀI SẢN KHÔNG QUA KẾT TỘI: KHẮC PHỤC NHƯỢC ĐIỂM CỦA BIỆN PHÁP THU HỒI TÀI SẢN THEO CÁCH THỨC TRUYỀN THỐNG

Vừa qua, tại Hội thảo 'Một số vấn đề lý luận về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội' do Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp với Ban Chủ nhiệm Đề tài tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội có nhiều ưu điểm và hoàn toàn có thể vận dụng vào Việt Nam để khắc phục nhược điểm của biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hình thức kết án, đã và đang gặp nhiều trở ngại...

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đặc biệt là tài sản liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế, trong những năm qua, Đảng và nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản đề cập vấn đề này. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh “xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”. Chỉ thị số 50 - CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng cũng nêu: “trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”.

Tại Kết luận số 10-KL/TƯ ngày 26/12/2016 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Bộ Chính trị yêu cầu “tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt công tác giám định và nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, lãng phí”. Đặc biệt, tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Bí thư yêu cầu “rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”.

Nghiên cứu là nội dung này, TS. Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng, Vụ PL Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, thực tiễn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam cho thấy, thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự là biện pháp cơ bản nhất, phổ biến nhất mà các quốc gia đã và đang áp dụng để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm, nhưng hiệu quả thu hồi tài sản qua phương thức này chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Vì vậy, nếu tiếp tục lệ thuộc vào bản án kết tội để thu hồi tài sản sẽ đồng nghĩa với việc tài sản do phạm tội mà có, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng sẽ tiếp tục bị thất thoát, chiếm đoạt và bị tẩu tán, tẩy rửa, ngụy trang bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau và công tác thu hồi tài sản theo thời gian sẽ ngày càng khó khăn.

Theo TS. Lê Thị Vân Anh, thu hồi tài sản không qua kết tội được xem là giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thu hồi tiền, tài sản liên quan đến tội phạm, đặc biệt là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ ... mà nhiều quốc gia đã và đang áp dụng. Tuy nhiên, với những ưu điểm cũng như những quan ngại của cơ chế này, có thể nghiên cứu hình thành cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội theo các cơ chế như: Cơ chế khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự và khi việc thu hồi các tài sản này không thể thực hiện được theo thủ tục tố tụng hình sự; Cơ chế khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản liên quan đến tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát giao dịch đáng ngờ nếu sau khi điều tra, xác minh được tài sản của giao dịch đó có liên quan đến tội phạm nhưng không thể tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện giao dịch để thu hồi theo thủ tục tố tụng hình sự;…

Tuy nhiên, TS. Lê Thị Vân Anh cũng nhấn mạnh, để hình thành nên cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội với những quy định cụ thể về phạm vi, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các điều kiện bảo đảm thi hành thì trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu chuyên sâu, riêng biệt đối với từng mô hình thu hồi tài sản không qua kết tội cụ thể trên cơ sở phân tích, đánh giá một cách thật chuyên sâu, kỹ lưỡng từng thiết chế cũng như từng quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung cụ thể để làm cơ sở, nền tảng cho việc thực hiện cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội.

TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội

TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội

Bàn về vấn đề này, TS. Hoàng Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Tư pháp, VPQH cho rằng, đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được những bất cập đang phát sinh trong thực tiễn.

Từ thực tiễn một số quốc gia áp dụng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội cho thấy, cơ chế này có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản của người phạm tội ngay cả khi họ không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có. “Cơ chế này hoàn toàn có thể vận dụng vào Việt Nam để khắc phục nhược điểm của biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế thông qua hình thức kết án, đã và đang gặp nhiều trở ngại…”, TS. Hoàng Nam Hải khuyến nghị.

Ths. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm NCPLKT-XH, Viện Nghiên cứu lập pháp

Ths. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm NCPLKT-XH, Viện Nghiên cứu lập pháp

Cùng quan điểm, Ths. Đặng Minh Đạo, Phó Giám đốc Trung tâm NCPLKT-XH, Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, Ths. Đặng Minh Đạo không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại tài sản cho chủ sở hữu hợp pháp.

Nhấn mạnh thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là cách tiếp cận mới, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, Ths. Đặng Minh Đạo cho rằng, đây là giải pháp phát sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các vấn đề bất cập của thực tiễn do gặp khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.

Ths. Đặng Minh Đạo cho biết thêm, ưu điểm chính của các biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội là yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên tòa dân sự thấp hơn so với các phiên tòa hình sự, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hồi tài sản. Nói cách khác, biện pháp thu hồi không thông qua thủ tục kết tội giúp khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất là việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có. Ngoài ra, ưu điểm của biện pháp này còn thể hiện ở chỗ, việc khởi kiện dân sự có thể được mở rộng tới các bên thứ ba, có thể là bất kỳ ai đã hỗ trợ cho bị đơn chính, các thành viên gia đình, đồng nghiệp thân thiết, các bên trung gian, các định chế tài chính, luật sư, kế toán.. và trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức và tài sản của họ không được hưởng quyền miễn trừ. Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như phạm vi và mục tiêu của cơ chế này nhằm vào nhóm tội phạm nào, các trường hợp nào cần thiết sử dụng cơ chế, phương thức tịch thu ra sao…

Việc tiếp cận với trình tự thu hồi tài sản không qua kết tội như thế nào là phù hợp còn phụ thuộc vào truyền thống, chính sách pháp luật của từng quốc gia đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như Việt Nam. Nếu áp dụng có tính thí điểm ở Việt Nam thì cần tính đến vấn đề gì, công đoạn, cách thức nào để đạt mục tiêu của chính sách, bảo đảm phù hợp, khả thi trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Điều này đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ để khi đưa vào áp dụng thì có hiệu quả tốt nhất./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78277