Áp thấp nhiệt đới khiến miền Trung nhiều nơi ngập sâu, nguy cơ cao sạt lở đất và lũ quét

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, miền Trung đang có mưa rất to. Nhiều nơi ngập sâu, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra ở nhiều nơi.

Tin áp thấp nhiệt đới

Theo dự báo thời tiết áp thấp nhiệt đới của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, vào lúc 10h ngày 25/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới khoảng 15.2 độ Vĩ Bắc; 110.3 độ Kinh Đông. Cách Đà Nẵng 241km về phía Đông Đông Nam, cách Quảng Ngãi 165km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất: cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8.

Theo dự báo áp thấp nhiệt đới hôm nay, trong 3 giờ tới áp thấp nhiệt đới sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h.

Dự báo áp thấp nhiệt đới trên biển

- Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh.

- Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

- Từ chiều ngày 25/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và huyện đảo Cù Lao Chàm) gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.

- Từ chiều tối 25/9, ở Vịnh Bắc Bộ gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động.

Trong khoảng từ tối 25/9 đến sáng ngày 26/9, vùng ven biển khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Nam và phía Bắc của Quảng Ngãi đề phòng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Vùng biển phía Tây Nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Giữa Biển Đông sóng biển cao 2-4m.

Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực miền Trung.

Áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến khu vực miền Trung.

Ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới miền Trung nhiều nơi ngập úng, nguy cơ cao sạt lở đất và lũ quét

Theo ghi nhận, sáng nay Đà Nẵng có mưa to đến rất to. Do mưa lớn nhiều tuyến phố tại Đà Nẵng ngập sâu. Lượng mưa phổ biến từ 30-60mm, riêng tại Chi Cục Thủy Lợi đo được 88.4mm, tại Hồ Học Khê đo được 81.8mm, Hòa Khê 80.8mm, trạm Đà Nẵng 77.0mm, Hồ Trược Đông 72.6mm…

Tại các tuyến đường như Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn), Trường Sơn (huyện Hòa Vang), 2 Tháng 9, Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu)… nước ngập cục bộ, hầu hết đều trên nửa bánh xe máy. Tại các khu dân cư ở các hẻm trung tâm thành phố nước ngập sâu từ 0,5 - 0,7m.

Theo dự báo thời tiết, từ ngày 25-27/9, khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Trong đó, Bắc và Trung Trung Bộ lượng mưa phổ biến 70-200mm, có nơi trên 230mm, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 50-80mm, có nơi trên 100mm.

Từ chiều và đêm 27/9, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có lượng mưa phổ biến 40-100mm, có nơi trên 120mm, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ 25-27/9, trên các sông tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, Kon Tum có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên tại thượng lưu các sông từ 3-6m, tại hạ lưu từ 1,5-2,5m.

Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu các sông dao động ở mức BĐ1 (riêng các sông nhỏ ở Kon Tum lên mức BĐ1-BĐ2), hạ lưu các sông chính ở dưới BĐ1.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa lũ có khả năng gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông, suối, ảnh hưởng tới các hoạt động như giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp, dân sinh và các hoạt động kinh tế-xã hội.

Do mưa lớn kéo dài, đất tại một số khu vực thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã gần bão hòa (trên 95%) hoặc đạt trạng thái bão hòa gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Đà Nẵng có mưa rất to gây ngập cục bộ. Ảnh: NLĐ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Đà Nẵng có mưa rất to gây ngập cục bộ. Ảnh: NLĐ

Ban hành công điện ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành thực hiện một số nội dung sau:

Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển và nuôi trồng thủy, hải sản; chủ động cấm biển và đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các chòi canh, lồng bè tùy theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Khu vực đất liền Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất.

Các địa phương tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công dở dang; sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời về diễn biến áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn tàu cá, nuôi trồng thủy sản; an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Bộ Công Thương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hạ du khi xả lũ, nhất là các thủy điện nhỏ; sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các tàu vận tải; chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính.

Các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ,cứu nạn khi có yêu cầu.

Các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.

Các đơn vị nêu trên tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ap-thap-nhiet-doi-khien-mien-trung-nhieu-noi-ngap-sau-nguy-co-cao-sat-lo-dat-va-lu-quet-172230925113705998.htm