Argentina: 9 lần vỡ nợ, siêu lạm phát và chiến dịch cải tổ 'gây sốc' của Tổng thống Milei có cứu được kinh tế?
Nền kinh tế Argentina đang đứng trước một bước ngoặt tiềm năng, sau các cải cách tài chính và tiền tệ được đánh giá là có phần 'gây sốc' của tân Tổng thống Javier Milei...
Nền kinh tế Argentina vẫn còn đang ở trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng và dự kiến, kinh tế năm nay sẽ suy giảm ở mức -2,8%. Năm 2023, kinh tế Argentina giảm -2,5% cùng với tình trạng siêu lạm phát cao hàng đầu thế giới - 211,4%. Hơn 60% trong tổng số 48 triệu dân Argentina là người nghèo.
Chính phủ của Tổng thống Javier Milei đặt mục tiêu ổn định nền kinh tế và giảm lạm phát. Thành công đầu tiên mà ông đạt được là thuyết phục đượcQuỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đồng ý cho vay. Tuy nhiên, khả năng thành công của các biện pháp này trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế vững chắc vẫn là một câu hỏi mở…
Cải cách thì thường “đau đớn” và mất thời gian
Với một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới và sau hơn một thập kỷ kinh tế trì trệ và nghèo đói gia tăng, Argentina một lần nữa chịu sức ép khi đứng trên bờ vực sụp đổ kinh tế.
Nhu cầu cấp thiết về một kế hoạch ổn định nền kinh tế đã được giao cho tân Tổng thống Javier Milei – người mới nhậm chức vào cuối năm ngoái - một nhiệm vụ khá rõ ràng, nhưng không hề dễ dàng là xóa bỏ lạm phát và khôi phục xu hướng tăng trưởng.
Tuy nhiên, các kế hoạch của Tổng thống Milei đến nay vẫn gây tranh cãi về tính đúng đắn. Cả quốc gia Nam Mỹ nín thở theo dõi, thế giới cũng hướng ánh mắt về Argentina với câu hỏi, liệu chiến lược của ông Milei có phải là phương thuốc được chờ đợi từ lâu cho những “căn bệnh mãn tính” vốn tồn tại trong nền kinh tế lớn thứ ba khu vực Mỹ Latin hay không?
Tất nhiên, để đạt được mức lạm phát thấp và ổn định, đòi hỏi phải có những sự đánh đổi khó khăn; việc hiện thực hóa các giải pháp mới cũng là một thách thức và cải cách thì thường “đau đớn” và mất rất nhiều thời gian mới có thể thấy được kết quả.
Trong khi đó, thâm hụt tài chính dai dẳng và lạm phát kinh niên đã là những vấn đề tồn tại lâu dài ở Argentina. Tỷ lệ lạm phát trung bình là 190% kéo dài trong thời gian từ năm 1944 đến năm 2023 và chính phủ đã 9 lần vỡ nợ, trong đó có 3 lần xảy ra trong hai thập kỷ gần đây nhất. Argentina cũng liên tục bị thâm hụt ngân sách kể từ năm 2009, với mức thâm hụt lên tới 4,4% GDP vào năm 2023.
Trên thực tế, các chính phủ không phải lúc nào cũng cần duy trì thặng dư tài chính, đặc biệt là trong nền kinh tế đang phát triển với khả năng tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Nhưng Argentina còn lâu mới được rơi vào tình trạng này.
Trong thập kỷ qua, quốc gia Nam Mỹ này đã chứng kiến thu nhập bình quân đầu người giảm 10,4%, lịch sử vỡ nợ quốc gia và tái cơ cấu đã dẫn đến lãi suất cao ngất ngưởng trên thị trường tín dụng quốc tế. Kết quả là, chiến lược này ngày càng phụ thuộc vào thuế lạm phát như một phương tiện để tài trợ cho những thiếu hụt tài chính.
Kết quả tất yếu là sự sụt giảm giá trị của đồng nội tệ - Peso Argentina và áp lực đáng kể lên tỷ giá hối đoái chính thức. Để tránh tình trạng đồng tiền mất giá, phản ứng chính sách là sử dụng các biện pháp kiểm soát giá và vốn, tỷ giá hối đoái linh hoạt, lãi suất thực âm, hạn chế nhập khẩu và đánh thuế xuất khẩu…
Nhưng những chính sách này chỉ đóng vai trò là những biện pháp tạm thời vì chúng làm biến dạng giá cả tương đối, làm tăng khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái trên thị trường chính thức và không chính thức, dẫn đến sự suy giảm trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương, bóp méo các dòng chảy thương mại và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thực.
Hãy để “bàn tay vô hình” làm việc đó…?
Trong ngày tuyên thệ nhậm chức (10/12/2023), Nhà lãnh đạo của Argentina đã kêu gọi tất cả người dân cùng nhau đoàn kết vì lợi ích chung của đất nước, trong bối cảnh tân chính phủ bắt buộc phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh “gây sốc” để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong nền kinh tế.
Xuất thân là nhà kinh tế học, Tổng thống Milei đã có một chiến dịch tranh cử sôi nổi khi nhiều lần tuyên bố “sốc” - sẽ đóng cửa Ngân hàng trung ương, USD hóa nền kinh tế và cắt giảm mạnh chi tiêu nhà nước…
Tổng thống Argentina Javier Milei tự xưng là “nhà tư bản vô chính phủ”. Ông ủng hộ các ý tưởng về thị trường tự do, giống như kiểu tóc bù xù của mình - ông từng “nửa đùa, nửa thật”, nói rằng - đã không chải nó trong nhiều thập niên mà hãy để "bàn tay vô hình" làm việc đó.
Kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Milei đã phá giá 50% đồng nội tệ, áp dụng triệt để chính sách “thắt lưng buộc bụng” vô cùng hà khắc, sa thải hàng trăm nghìn người lao động trong khu vực công, thả nổi nền kinh tế cho thị trường điều tiết và tăng gấp nhiều lần giá phương tiện giao thông công cộng, xăng dầu, điện, nước và nhiều dịch vụ thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, chính phủ Argentina chủ trương mở cửa tối đa nền kinh tế để thị trường điều tiết, với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cũng như thúc đẩy mạnh mẽ tư nhân hóa.
Sau hơn 3 tháng lên cầm quyền, Tổng thống Javier Milei tự tin cho biết, việc ngăn chặn được tình trạng siêu lạm phát là kết quả rõ rệt nhất trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của chính phủ mới. Với việc cắt giảm mạnh chi tiêu công, chính phủ của Tổng thống Milei đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thặng dư ngân sách tương đương 5% GDP trong năm 2024.
Tuy nhiên, các chính sách thắt lưng buộc bụng lại gây bất đồng giữa chính quyền trung ương và các thống đốc tỉnh bởi các địa phương bị cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục, y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình trên đường phố ngày càng gia tăng, đi kèm với tình trạng bất ổn xã hội. Sức mua của người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kinh tế mới của tân chính phủ.
Nhưng kết quả quan trọng nhìn thấy được đối với Tổng thống Milei là Argentina - vốn là “một con nợ lâu năm" đã đạt thỏa thuận tài chính với IMF.
Mới đây (13/5), IMF đánh giá những chính sách cải cách của chính phủ Argentina đã “vượt sự mong đợt” của tổ chức này, đồng thời cho biết đã đạt được thỏa thuận để Buenos Aires tiếp tục thực hiện các biện pháp phục hồi nền kinh tế.
Trong một thông cáo ra cùng ngày, IMF nhấn mạnh ban điều hành của cơ quan này sẽ đưa ra quyết định liên quan tới nguồn tài chính hỗ trợ Argentina trong những tuần tới, dù con số cụ thể của nguồn tín dụng cũng như những điều kiện đi kèm chưa được tiết lộ.
“IMF và chính phủ Argentina đã đạt được sự thống nhất về các chính sách nhằm tiếp tục kiềm chế lạm phát, tăng cường dự trữ ngoại hối, phục hồi nền kinh tế và giữ cho chương trình cải cách của quốc gia đi đúng hướng”, thông cáo được đưa ra sau chuyến làm việc mới đây tại Argentina của các chuyên gia kinh tế IMF nêu rõ.
Cùng ngày, công bố tin vui, chính phủ Argentina cũng ra thông cáo cho biết thêm, ngay sau khi ban điều hành IMF thông qua, số tiền được thỏa thuận sẽ được giải ngân.
Trước đó, hồi tháng 1, chính phủ của Tổng thống Javier Milei cho biết đang đàm phán với IMF để nối lại chương trình tái cấp vốn hàng triệu USD cho khoản vay từ năm 2018 bị đình chỉ do chính phủ tiền nhiệm không thực hiện đúng cam kết với tổ chức tài chính này.
Trong số kết quả đáng chú ý nhất của chính phủ của Tổng thống Milei, IMF cho rằng, lần đầu sau 16 năm - quý I/2024, Argentina đạt thặng dư tài chính trong 3 tháng liên tiếp, lạm phát giảm nhanh, dự trữ ngoại hối tăng và mức rủi ro của nền kinh tế giảm.
Theo Viện Thống kê và điều tra dân số quốc gia (INDEC), lạm phát trong tháng 3 ở mức 11%, thấp hơn mức 13,2% trong tháng 2 và 20,6% trong tháng 1. Chính phủ cam kết sẽ duy trì xu hướng khống chế siêu lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế ước tính lạm phát của Argentina sẽ chậm lại trong tháng 4/2024, với mức thấp hơn 9%.
Ngày 1/4, Ngân hàng JP Morgan cũng đưa ra dự báo tình trạng siêu lạm phát của nền kinh tế Argentina sẽ được kiểm soát vào năm 2025 ở mức 40%, giảm đáng kể so với mức 200% của năm nay và 211% của năm ngoái.
Trong số các mục tiêu đặt ra với IMF khi khởi động lại chương trình tái cấp vốn vào đầu năm nay, chính phủ Argentina cam kết đưa dự trữ ngoại hối lên mức tương đương 10 tỷ USD vào cuối năm và đạt thặng dư tài chính ít nhất 2% GDP.
Tia hy vọng đã trở lại với nền kinh tế Argentina, nhưng những “thay đổi đau đớn” với chính sách kinh tế khắc khổ bằng “liệu pháp gây sốc” cũng khiến cuộc sống của người dân tiếp tục khó khăn, làn sóng biểu tình gia tăng… là những vấn đề vẫn khiến người ta lo lắng.