AstraZeneca có thể gây đông máu: Cảnh báo nguy cơ tự ý uống thuốc ngừa cục máu đông

Trước thông tin vaccine AstraZeneca gây tác dụng phụ đông máu, chuyên gia cảnh báo nguy cơ khi có một số người truyền tai nhau 'giải độc' vaccine hay tìm đủ thứ thuốc ngừa cục máu đông.

Trước thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 của hãng này có thể gây ra các tác dụng phụ như đông máu và giảm số lượng tiểu cầu, nhiều người dân tỏ ra lo lắng và truyền tai nhau “giải độc” vaccine hay tìm đủ thứ thuốc ngừa cục máu đông, thậm chí xét nghiệm D-dimer để tìm ra cục máu đông khi không có chỉ định của bác sĩ.

Vừa tốn kém lại tiềm ẩn nguy hiểm

Trả lời PLO chiều ngày 5-5, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng việc “giải độc” vaccine hay sử dụng thuốc ngừa cục máu đông khi chưa có chỉ định của bác sĩ sẽ vừa tốn kém lại tiềm ẩn nguy hiểm.

“Khi tự ý uống những thuốc chưa được kiểm chứng, không đúng chỉ định đều có thể gây nguy hiểm. Khi không có chỉ định mà lại uống thuốc làm tan cục máu đông, máu có thể bị loãng ra sẽ dễ bị xuất huyết, gây nguy hiểm tính mạng. Nếu người dân chỉ chăm chăm vào tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca gây cục máu đông thì sẽ quên đi những triệu chứng của các bệnh tật khác” - bác sĩ Dũng nói.

Theo bác sĩ Dũng, đối với những người đã tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca trước đây thì bây giờ cũng sẽ không ảnh hưởng gì. Xuất hiện cục máu đông là hiện tượng đặc biệt, chỉ xảy ra trên một số cá nhân do đặc điểm về di truyền học dễ phản ứng với loại vaccine này.

Cũng giống như một số người có hiện tượng dị ứng với hải sản, đậu phộng,… đến mức tử vong (thường xảy ra dị ứng ngay sau khi ăn). Vì thế nếu cơ địa dị ứng với vaccine COVID-19 thì hiện tượng này thường xảy ra trong vòng 1-2 tháng sau khi tiêm vaccine, chứ không phải mãi đến tận sau này mới xảy ra.

Vì thế, bác sĩ này khuyến cáo người dân không nên lo lắng về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca và không nên sử dụng các loại thuốc ngừa cục máu đông khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra bác sĩ Dũng còn khuyến cáo người dân không cần thiết phải xét nghiệm D-dimer để tìm ra cục máu đông chỉ vì nghe thông tin về tác dụng phụ gây đông máu của vaccine ngừa COVID-19.

“Xét nghiệm D-dimer chỉ được bác sĩ chỉ định đối với những người có nguy cơ. Trong khi đối với người đã tiêm vaccine AstraZeneca thời gian dài trước đây thì hầu như bây giờ không còn các nguy cơ gây cục máu đông do vaccine nữa” - bác sĩ Dũng nhận định.

Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên lo lắng về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca. Ảnh: DW

Việt Nam không ghi nhận xuất hiện cục máu đông sau tiêm vaccine

Ngày 5-5, Sở Y tế TP.HCM cho biết từ lúc bắt đầu tiêm vaccine AstraZeneca (từ tháng 3-2021 đến hết tháng 6-2023), toàn TP đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.

Theo Sở này, tình trạng xuất hiện cục máu đông là một sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày (theo Bộ Y tế Australia). Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị, do đó việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine COVID-19 là không có cơ sở.

Lấy so sánh nguy cơ có 1/1.000.000 trường hợp xuất hiện cục máu đông, sở này khẳng định vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca trong giai đoạn bùng phát dịch vừa qua mang lại lợi ích bảo vệ không để mắc bệnh nặng phải nhập viện và nguy cơ tử vong cao do COVID-19 gây ra.

Tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vaccine COVID-19 AstraZeneca đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỉ lệ rất thấp. Đã có khuyến cáo thận trọng khi sử dụng vaccine và nếu sau tiêm chủng có xuất hiện cục máu đông thì sẽ không chỉ định tiêm chủng cho những lần tiếp theo.

Theo đó, biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4 đến 42 ngày sau khi tiêm vaccine COVID-19. Tỉ lệ đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt lứa tuổi 20-29 tuổi.

Sau tiêm vaccine AstraZeneca, tỉ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu. Biến chứng đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.

Không chỉ sau tiêm chủng, tình trạng xuất hiện cục máu đông có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác. Cụ thể bệnh COVID-19 cũng gây rối loạn đông máu nặng, xuất hiện những cục máu đông. Biến chứng thuyên tắc phổi nặng khi đi máy bay đường dài (trên 12 giờ) cũng có thể xảy ra với tỉ lệ 5/1.000.000 người ngồi máy bay.

Sở Y tế khẳng định, tiêm chủng vaccine COVID-19 nói riêng và tiêm chủng phòng bệnh nói chung vẫn là biện pháp hiệu quả để bảo vệ cá nhân và cộng đồng trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Việc tuân thủ các quy định về an toàn tiêm chủng và giám sát chặt chẽ sự cố bất lợi sau tiêm chủng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, phát hiện, xử trí các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Xuất hiện cục máu đông sau tiêm vaccine là sự cố rất hiếm gặp

Sở Y tế TP.HCM cho biết tại Châu Âu, theo các báo cáo, trong tổng số khoảng 25 triệu người đã được tiêm vaccine thì có hơn 80 trường hợp xuất hiện cục máu đông. Từ đó, Ủy ban an toàn của EMA đã kết luận rằng biến chứng rối loạn đông máu phải được liệt kê là sự cố bất lợi rất hiếm gặp sau tiêm chủng vaccine AstraZeneca phòng COVID-19.

Theo một báo cáo của Bộ Y tế Australia, tỉ lệ xuất hiện cục máu đông kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine AstraZeneca từ 4-42 ngày sau liều đầu tiên với tỉ lệ là 2/100.000 người được tiêm chủng, sau liều thứ hai là 0,3/ 100.000 người được tiêm chủng. Đây là sự cố rất hiếm gặp.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/astrazeneca-co-the-gay-dong-mau-canh-bao-nguy-co-tu-y-uong-thuoc-ngua-cuc-mau-dong-post788992.html