Bắc Giang: Trang bị kỹ năng, phòng ngừa tai nạn cho trẻ
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích (TNTT) liên quan đến trẻ em để lại hậu quả nặng nề. Do đó, việc trang bị kỹ năng, phòng ngừa tai nạn cho trẻ là rất cần thiết, hạn chế những vụ việc thương tâm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Nhiều nguy cơ tai nạn thương tích
Ngày 16/4 vừa qua, tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn) xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 3 học sinh tử vong. Trước đó, cũng trong tháng 4, tại Trường THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), em Lê Đức T, học sinh lớp 9 do sơ ý khi ngồi lên lan can tầng hai ngã xuống sảnh tầng 1 (khoảng cách 3,6 m) bị đa chấn thương ở vùng đầu, cổ. Hiện dù đã qua cơn nguy kịch nhưng theo các bác sĩ Khoa Gây mê, hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), để sức khỏe T hồi phục cần thời gian dài. Trước mắt, em phải dừng việc học và không thể tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới.
Thực tế, nguy cơ xảy ra TNTT luôn tiềm ẩn trong môi trường sống đối với trẻ em. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, toàn tỉnh có 88 trẻ bị TNTT, trong đó 40 trẻ tử vong. Bốn tháng năm nay, chưa có số liệu đầy đủ nhưng qua nắm bắt, toàn tỉnh xảy ra 6 vụ đuối nước ở các huyện: Tân Yên, Lục Nam, Hiệp Hòa và Lục Ngạn làm 9 trẻ tử vong
Trẻ em nằm trong nhóm nguy cơ cao bị TNTT. Thống kê của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm cả nước có hơn 370 nghìn trẻ bị TNTT, trong đó nhóm từ 15-17 tuổi chiếm khoảng 43%, tiếp đến là nhóm trẻ từ 5-14 tuổi (36,9%), cuối cùng là nhóm từ 0-4 tuổi. Điều đáng lo ngại là địa bàn xảy ra TNTT đối với trẻ em phần lớn là những nơi không xa lạ, có khi tại trường học, trên đường đi học, ở khu dân cư.
Theo một giáo viên Trường THCS thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), không ai nghĩ khu vực hằng ngày giáo viên, học sinh vẫn qua lại, các em thường xuyên chơi đùa lại tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Đây không phải lần đầu xảy ra TNTT nghiêm trọng với học sinh ở trường học bởi cách đây hai năm, một học sinh Trường THCS Hùng Sơn (Hiệp Hòa) không may ngã từ tầng 2 xuống sân trường tử vong sau vài ngày điều trị.
Bên cạnh tuyên truyền, các cơ sở giáo dục chú trọng tổ chức hoạt động có tính thực hành, trải nghiệm, giúp các em hình thành ý thức chủ động phòng tránh nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.
Về nguyên nhân, nhiều ý kiến cho rằng công tác bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh ở một số nơi chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; một số trường học cơ sở hạ tầng cũ hỏng, khu vui chơi, tường rào, lan can, cầu thang, ổ điện... xuống cấp hay thiết kế thiếu hợp lý, không được quan tâm sửa chữa, thay thế; nhiều điểm tiềm ẩn nguy hiểm hay hồ đập sâu chưa được cảnh báo kịp thời.
Trang bị kỹ năng phòng ngừa
Những năm gần đây, ngành giáo dục tỉnh xác định tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học, góp phần phòng ngừa TNTT. Ví như năm học 2019-2020, các trường đã phối hợp với đoàn thanh niên, các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức gần 17 nghìn cuộc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Trung bình mỗi năm học, một trường tổ chức 22 hoạt động quy mô liên kết giữa các trường, toàn trường hoặc theo từng lớp, nhóm học sinh qua hình thức tọa đàm, đối thoại, tìm hiểu kiến thức, hướng dẫn kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm… Từ nguồn kinh phí ngân sách địa phương hỗ trợ và huy động xã hội hóa, nhiều trường THPT xây dựng bể và mở lớp dạy bơi cho học sinh vào dịp hè.
Tuy vậy, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra làm nhiều trẻ bị thương, tử vong. Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhìn nhận, từ không ít vụ việc cho thấy tai nạn xảy ra khi trẻ chủ quan, không ý thức được mức độ nguy hiểm. Vì thế điều quan trọng là cần giáo dục, tuyên truyền để học sinh có ý thức cảnh giác, biết sợ và tránh xa nơi nguy hiểm. Các cấp, ngành, địa phương và gia đình quan tâm làm rào chắn, biển cảnh báo dễ nhìn tại khu vực có ao, hồ, những điểm nguy cơ xảy ra tai nạn trong khu dân cư.
Trước mối nguy hiểm đe dọa tính mạng học sinh, nhất là khi mùa hè sắp tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp phòng ngừa TNTT, trong đó có đuối nước ở trẻ em. Giải pháp mới được các ngành đưa ra là ngoài tuyên truyền, giáo dục theo phong trào cần chú trọng hoạt động có tính thực hành, trải nghiệm, hướng dẫn trẻ kỹ năng thoát hiểm, hình thành ý thức chủ động phòng tránh những nơi nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.
Theo bà Đào Thị Hường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, các nhà trường cần thường xuyên rà soát, có giải pháp loại trừ nguy cơ gây TNTT tại lớp học, khu vui chơi, phòng thí nghiệm, tường rào, lan can, cầu thang, ổ điện... Thực hiện tốt các tiêu chí trường học an toàn, phòng ngừa TNTT theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hằng ngày, hằng tuần, giáo viên dành thời gian nhắc nhở học sinh tuyệt đối không vui chơi, đùa nghịch ở gần ao, hồ, sông, suối, kênh mương, công trình đang thi công, không tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.
Nhiều ý kiến mong muốn các cơ sở giáo dục tăng cường xã hội hóa, phối hợp với gia đình tổ chức dạy bơi cho học sinh; tổ chức các chương trình học kỹ năng cứu đuối nước an toàn; phòng ngừa tai nạn bị rơi, ngã tại khu chung cư, nhà cao tầng. Ngành giáo dục nghiêm túc đánh giá thi đua đối với cơ sở giáo dục không thực hiện tốt quy định về bảo đảm an toàn trường học.
Lệ Thanh - Mai Toan