Bác Hồ với đất và người Thái Nguyên

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm và những tình cảm đặc biệt đối với tỉnh Thái Nguyên, nơi Người đã gắn bó trong suốt 9 năm kháng chiến.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ... rời Thủ đô chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 20/5/1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).

Tại ATK Định Hóa, Bác viết bài thơ Cảnh khuya nổi tiếng; viết tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" để chỉ dẫn cho chúng ta về công tác xây dựng Đảng; chỉ thị chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh, khởi nguồn cho sự ra đời Ngày thương binh, liệt sĩ trong toàn quốc.

Cũng từ ATK Định Hóa, Bác và Trung ương đã ra nhiều quyết định quan trọng, như mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Nhiều quyết định của Trung ương liên quan đến các vấn đề quốc kế dân sinh trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng được ra đời tại ATK Định Hóa.

Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Kháng chiến thành công, ngày 12/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời căn nhà sàn bé nhỏ, đơn sơ trên đồi Thành Trúc (xóm Đầm Mua, xã Hùng Cường, huyện Đại Từ) trở về Thủ đô Hà Nội.

Kể từ sau khi chia tay với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên và đồng bào vùng Việt Bắc để trở về Hà Nội cho đến khi cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần trở lại thăm hỏi, động viên nhân dân, chỉ đạo Đảng bộ Thái Nguyên lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống mới.

Mỗi lần về thăm là một lần chan chứa những ân tình. Người luôn căn dặn Thái Nguyên phải luôn nỗ lực vươn lên dựng xây cuộc sống mới… Khắc ghi lời dạy của Người, hơn 60 năm qua, Thái Nguyên đã nỗ lực không ngừng để trở thành một tỉnh trung tâm vùng với hệ thống trường đại học, mạng lưới y tế rộng khắp phục vụ nhu cầu học tập; khám, chữa bệnh của người dân các tỉnh trung du miền núi phía Bắc của Tổ quốc.

Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên

Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên

1. Tháng 12/1954, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với hơn 2.000 cán bộ tại Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 của đoàn Thái Nguyên, Bắc Giang (được tổ chức tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ).

Sau khi biểu dương những thành tích của hai đoàn cải cách ruộng đất và sự tiến bộ của mỗi cán bộ trong đoàn, Bác đã “nói kỹ về những khuyết điểm”, để giúp cán bộ cải cách sửa chữa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. (Ảnh tư liệu)

2. Ngày 25/1/1955, nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bác Hồ đến thăm Công trường đập Thác Huống - đập này bị máy bay Pháp ném bom phá hỏng ngày 12/6/1952, thời điểm đó đang được sửa chữa lại.

Người chúc Tết và động viên anh em bộ đội, công nhân, cán bộ, dân công ở lại ăn Tết tại công trường thật vui vẻ. Người căn dặn anh chị em khi tiếp tục công việc sẽ thi đua làm nhanh, làm tốt và tiết kiệm để bà con nông dân chóng có đủ nước cấy, mức sản xuất được cao hơn thì đời sống mọi người sẽ no ấm hơn.

Người tặng công trường một số huy hiệu để thưởng cho những người thi đua khá nhất.

Bác Hồ đi thăm công trường đập Thác Huống, ngày 25/1/1955. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ đi thăm công trường đập Thác Huống, ngày 25/1/1955. (Ảnh tư liệu)

3. Ngày 2/3/1958, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Nguyên lần thứ ba. Cùng đi với Hồ Chủ tịch có Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Kiến trúc Trần Đăng Khoa, Phó Trưởng Ban Liên lạc nông dân toàn quốc Nguyễn Mạnh Hồng.

Hồ Chủ tịch đến kè Lũ Yên, xã Yên Thịnh (nay thuộc xã Đào Xá, huyện Phú Bình) xem chiếc máy bơm tự động chạy bằng sức nước do Trung Quốc giúp ta mà Bộ Thủy lợi và Kiến trúc xây lắp đang cho chạy thử ở đây.

Sau khi xem máy bơm, Bác Hồ đã nói chuyện với đồng bào: Cải cách ruộng đất rồi đồng bào có ruộng, có tổ đổi công, bây giờ lại có nước thì phải tích cực tăng gia sản xuất để dành tiền mua máy bơm. Giá mua lúc đầu thì đắt đấy, nhưng dùng được hàng chục năm. Có ruộng, có nước lại có tổ đổi công thì làm ăn sẽ khá, đời sống sẽ được nâng cao.

Sau đó, Bác Hồ đi thăm các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Đại Từ. Bà con xã viên của 4 hợp tác xã nông nghiệp, đồng bào ở 2 xã Hùng Sơn, Độc Lập cùng một số cán bộ lãnh đạo của khu, của tỉnh và huyện Đại Từ đã tập trung ở Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành để chào đón Hồ Chủ tịch.

Bác Hồ về thăm kè Lũ Yên, xã Đào Xá, ngày 2/3/1958. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ về thăm kè Lũ Yên, xã Đào Xá, ngày 2/3/1958. (Ảnh tư liệu)

4. Ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Công trường Khu Gang thép Thái Nguyên. Quan tâm đến Khu Gang thép Thái Nguyên, chỉ 4 ngày sau (ngày 8/6/1959), Bác Hồ đã đến thăm công trường lần thứ nhất.

Nói chuyện với cán bộ, công nhân, Bác động viên anh chị em là những người đi trước. Bác khen kết quả xây dựng bước đầu của công trường và ân cần nhắc nhở anh, chị em đoàn kết thi đua hoàn thành kế hoạch xây dựng Khu Gang thép.

Bác phân tích và giáo dục mọi người nhận rõ tiền đồ của mình, trách nhiệm làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy, giữ gìn của công, thi đua tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động; cán bộ lãnh đạo phải tránh quan liêu, mệnh lệnh, luôn luôn bàn bạc dân chủ với công nhân, lắng nghe ý kiến và chăm sóc đời sống anh chị em; cán bộ, đảng viên, đoàn viên và công nhân hãy giúp nhau tiến bộ, cần cố gắng mọi mặt, học tập tinh thần làm việc và những kinh nghiệm quý báu của chuyên gia các nước anh em.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân trên Công trường Khu Gang thép ngày 8/6/1959. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân trên Công trường Khu Gang thép ngày 8/6/1959. (Ảnh tư liệu)

5. Ngày 13/3/1960, hơn 4 vạn đại biểu nhân dân các dân tộc trong tỉnh họp mít tinh đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chính phủ tặng cho tỉnh Thái Nguyên và Huân chương Lao động hạng Hai tặng cho huyện Định Hóa. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi được Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, đồng bào giữa ngày hội lớn của tỉnh.

6. Ngày 31/12/1962, Bác Hồ về thăm Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa huyện Phú Lương và đồng bào xã Phủ Lý.

Sau khi hỏi thăm tình hình, tinh thần khắc phục khó khăn để học tập, lao động của thầy và trò, Người biểu dương thành tích và căn dặn: Ngoài việc học văn hóa, các cháu cần học thêm quản lý kinh tế, học kỹ thuật nông nghiệp; các cô giáo, thầy giáo phải chú ý đến đặc điểm của học sinh các dân tộc để giảng dạy cho tốt...

Người nói chuyện với nhân dân xã Phủ Lý về tình hình sản xuất, đời sống và căn dặn: Cán bộ, xã viên phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết giúp nhau như anh em một nhà, mọi người cần khắc phục khó khăn xây dựng, củng cố hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất, làm cho đời sống ngày một no ấm.

Sau buổi nói chuyện, Bác Hồ thăm một số nơi trong khu vực nhà trường, thăm một gia đình đồng bào Dao vừa mới định cư, định canh, trực tiếp hỏi chuyện một số cán bộ và nhân dân.

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với thầy và trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, ở xã Phủ Lý, Phú Lương. (Ảnh: Tư liệu)

Bác Hồ về thăm, nói chuyện với thầy và trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa, ở xã Phủ Lý, Phú Lương. (Ảnh: Tư liệu)

7. Ngày 31/12/1963, lần cuối cùng Bác Hồ về thăm đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Buổi tối, Người đến thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Đảng tỉnh (nay là Trường Chính trị tỉnh).

Bác nhắc nhở giáo viên, học viên phải dạy tốt, học tốt, tăng cường rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng cần, khi tổ chức giao cho. Sau buổi nói chuyện, Bác xem Đoàn ca múa dân gian Việt Bắc biểu diễn và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, diễn viên của Đoàn.

Bác Hồ thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên) ngày 1/1/1964. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ thăm Xưởng Cơ khí (nay là Công ty CP Cơ khí Gang thép Thái Nguyên) ngày 1/1/1964. (Ảnh tư liệu)

Ngày 1/1/1964, Bác đến thăm cán bộ, công nhân Khu Gang thép, Nhà máy điện Cao Ngạn... 45.000 đại biểu cán bộ, công nhân và nhân dân trong tỉnh vô cùng phấn khởi được Bác Hồ chúc mừng năm mới và nói chuyện tại sân vận động thành phố Thái Nguyên trong ngày đầu năm.

Người nói: "Tỉnh ta sẵn có truyền thống cách mạng vẻ vang, có tài nguyên phong phú, có nông nghiệp hợp tác hóa, có thủ công nghiệp, công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng. Đồng bào các dân tộc sẵn có đức tính cần cù. Nói tóm lại, tỉnh ta có nhiều điều kiện rất thuận lợi, toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta".

Trong phát triển kinh tế - xã hội, tính đến hết năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh đã đạt trên 152.000 tỷ đồng (tương đương gần 6,5 tỷ USD), đứng thứ 2 trong 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nằm trong 14 tỉnh cao nhất cả nước.

GRDP bình quân đầu người đạt 113 triệu đồng (tương đương hơn 4.800 USD), cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt trên 20.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu trên 27 tỷ USD, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, chỉ còn 3,35% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Thái Nguyên còn là điểm sáng về thu hút đầu tư vốn nước ngoài, với trên 200 dự án FDI, tổng vốn đầu tư lên đến gần 11 tỷ đô la; nhiều tập đoàn lớn, hàng đầu thế giới đã lựa chọn Thái Nguyên, để tập trung đầu tư và mở rộng sản xuất...

Đây chính là những kết quả đáng tự hào, thể hiện sự tri ân với tình cảm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho mảnh đất và con người Thái Nguyên.

Chí Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-ho-voi-dat-va-nguoi-thai-nguyen-321042.html