Bắc Ninh: Sản xuất công nghiệp phục hồi mở lối cho dòng vốn đầu tư mới

Từ đầu năm đến nay, Bắc Ninh đã cấp mới cho 182 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 768,8 triệu USD; sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh.

Thúc đẩy công nghiệp phát triển

Những tháng đầu năm nay, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến tình hình thu hút vốn đầu tư vào Bắc Ninh tăng chậm, do các nhà đầu tư thận trọng xem xét lựa chọn điểm đến, cũng như tính toán việc bảo toàn nguồn vốn. Nhưng từ tháng 6/2023, sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh đã mở lối cho dòng vốn đầu tư mới vào Bắc Ninh tăng cao.

Bắc Ninh: Sản xuất công nghiệp phục hồi mở lối cho dòng vốn đầu tư mới. Ảnh minh họa

Bắc Ninh: Sản xuất công nghiệp phục hồi mở lối cho dòng vốn đầu tư mới. Ảnh minh họa

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh cho thấy: Riêng trong tháng 7/2023, tỉnh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 43 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 198,37 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 14 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 27,09 triệu USD; 11 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 6,63 triệu USD; chấm dứt hoạt động 2 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 14,3 triệu USD.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh cấp mới cho 182 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 768,8 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 88 dự án, với số vốn điều chỉnh tăng 352,47 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho 33 lượt với giá trị là 16,47 triệu USD; thu hồi 26 dự án, với tổng vốn đầu tư 62,83 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.975 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24.441,927 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh: Một số nhân tố giúp Bắc Ninh thu hút nhiều vốn FDI đó là tỉnh có lợi thế cạnh tranh kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường tiềm năng, dịch vụ đa dạng, cơ sở hạ tầng tốt…

Giới chuyên gia đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh: Năm 2022, khu vực FDI đã bổ sung vốn đầu tư phát triển chiếm tới 48,48%, đóng góp ngân sách 34,4%. Hiện nay, ngành công nghiệp của địa phương này không những phát triển, bảo tồn và nhân rộng ngành nghề truyền thống mà còn phát triển thêm nhiều ngành công nghiệp mới, sản phẩm mới. Trong đó, đáng chú ý là ngành công nghiệp điện tử, với sự đóng góp của nhiều tập đoàn đa quốc gia, nổi tiếng thế giới như: Samsung (Hàn Quốc); Canon, Sumitomo (Nhật Bản); Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc)… vào đầu tư, làm thay đổi và tạo nên đột phá của ngành công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Sẵn sàng nguồn nhân lực, mặt bằng

Để thu hút nhà đầu tư, Bắc Ninh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp Vsip 2, Yên Phong 2A, Yên Phong 2C, Thuận Thành 1, Gia Bình I, Gia Bình II và các cụm công nghiệp theo quy hoạch; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý dự án sau đầu tư, với nhiều kế hoạch xúc tiến doanh nghiệp năm 2023 được tỉnh kỳ vọng là năm đột phá thu hút đầu tư.

Là một trong những nhà đầu tư lớn tại Bắc Ninh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ: Trong gần 19 tỷ USD tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam, số vốn đầu tư tại Bắc Ninh chiếm gần một nửa, đạt hơn 9,3 tỷ USD. Con số này là minh chứng rõ nhất khẳng định sự đánh giá cao và thể hiện sự tin tưởng đối với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và các địa phương khác ở Việt Nam nói chung.

Trong bối cảnh FDI vẫn là động lực tăng trưởng kinh tế, để duy trì vị trí dẫn đầu thu hút FDI, Bắc Ninh tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức và sẵn sàng mặt bằng sản xuất cho nhà đầu tư thứ cấp.

Theo đó, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án theo tiêu chí “hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một không” (hai ít: ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; ba cao: suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao; năm sẵn sàng: sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; một không là không ô nhiễm môi trường).

Do vậy, tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp; linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, đúng trọng tâm, tăng trưởng cả chất và lượng, nhằm thu hút được những dự án lớn có tính lan tỏa…

Đồng thời chú trọng hoạt động đối thoại kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư; tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là dự án trọng điểm có quy mô lớn, tạo động lực cho dự án khác cùng phát triển, thu hút doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, nhằm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp gắn với khu đô thị theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Năm 2023, các khu công nghiệp Bắc Ninh phấn đấu thu hút khoảng 100 dự án thứ cấp, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng thêm khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó, 80 dự án FDI với tổng vốn 1 tỷ USD; 20 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD.

Cục Thống kê Bắc Ninh nhận định: Vốn đầu tư vào địa bàn tỉnh Bắc Ninh bắt đầu tăng trở lại, riêng trong tháng 7/2023 đã tăng 11,6% so với cùng tháng năm trước; thu hút vốn FDI cũng tăng về số dự án và vốn đăng ký mới.

Thanh Tâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-ninh-san-xuat-cong-nghiep-phuc-hoi-mo-loi-cho-dong-von-dau-tu-moi-267934.html