Bác sĩ đọc hơn 1.000 cuốn sách từng tham gia 'Siêu trí tuệ Việt Nam'

Sau khi ghi dấu ấn trong chương trình 'Siêu trí tuệ Việt Nam', bác sĩ Nguyễn Thục Nữ hiện là một cố vấn y khoa, bận rộn hơn nhưng vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi tuần.

Nguyễn Thục Nữ năm nay 27 tuổi, quê Quảng Nam. Cô tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa (khoa Y Dược ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2020. Hiện cô làm Cố vấn y khoa, tư vấn và thẩm định bảo hiểm ở TP.HCM.

Thục Nữ đam mê đọc sách từ năm 7 tuổi. Cô từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 (2013-2014).

Trong chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam mùa 2 (năm 2020), nữ bác sĩ gây ấn tượng vì đã đọc và ghi nhớ 1.000 cuốn sách của 200 tác giả trên thế giới. Kỷ lục gia quốc tế Dương Anh Vũ tính toán, cô là người “đọc hết lượng sách một người Việt đọc trong 833 năm”.

VietNamNet có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thục Nữ để hiểu hơn về quan điểm giá trị cốt lõi của việc đọc sách và những cuốn sách yêu thích của nữ bác sĩ.

 Bác sĩ Nguyễn Thục Nữ thời điểm tham dự chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam năm 2020.

Bác sĩ Nguyễn Thục Nữ thời điểm tham dự chương trình Siêu trí tuệ Việt Nam năm 2020.

Giá trị của đọc sách không cao siêu, chỉ là biết cách làm người tốt

- Nhiều người đặt “KPI” cho những việc liên quan đến sách như phấn đấu mỗi tháng mua 1 cuốn sách, đọc 1 cuốn sách… nhưng thực tế, mua sách xong không đọc nổi, hoặc đọc xong có thể không nhớ nổi mình đã đọc gì, thu hoạch được gì. Theo bạn, đâu là giá trị cốt lõi của đọc sách?

- Trở thành phiên bản tốt hơn của mình ngày hôm qua, biết đâu là điều nên làm, nói ngắn gọn là biết cách làm người tốt. Đối với tôi, giá trị của việc đọc chỉ đơn giản như vậy thôi, không có gì cao siêu cả, nếu làm được là bạn đã thành công rồi.

- Nhiều người muốn đọc sách nhưng không biết đọc gì, bắt đầu từ đâu, lựa chọn sách như thế nào? Bạn có hay nhận được lời đề nghị hướng dẫn nên đọc sách gì hay không? Bạn căn cứ vào tiêu chí nào để đưa ra lời khuyên với họ?

- Đúng là có khá nhiều người nhờ tôi giới thiệu sách và phương pháp đọc. Thường tôi sẽ dựa vào độ tuổi, sở thích và mục đích của người đó.

- Sau khi ghi dấu ấn trong chương trình 'Siêu Trí tuệ Việt Nam' với khả năng đọc, ghi nhớ ấn tượng cùng kho sách khổng lồ, bạn đã tiếp tục chặng hành trình lan tỏa niềm đam mê văn hóa đọc với nhiều người trẻ ra sao?

- Tôi tham gia một vài chương trình, dự án về sách, tặng sách cho các trường và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, điển hình như Tủ sách nhân ái, được khởi xướng và thực hiện bởi những người có cùng chung chí hướng.

 Thục Nữ tham gia nhiều chương trình, dự án lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt với các bạn nhỏ.

Thục Nữ tham gia nhiều chương trình, dự án lan tỏa văn hóa đọc, đặc biệt với các bạn nhỏ.

- Kỷ lục một ngày đọc sách của bạn cao nhất là bao nhiêu cuốn, hoặc bao nhiêu trang sách? Sau khi bước ra từ các chương trình này, thói quen đọc sách của bạn có thay đổi hay không?

- Theo tôi nhớ khoảng 5 cuốn, mỗi cuốn tầm 350-400 trang. Thời gian này, tôi khá bận khi đã đi làm và phải dành thời gian cho nhiều kế hoạch, dự định trong tương lai nên thói quen đọc sách cũng thay đổi. Tôi đọc ít hơn, nhưng rất may là vẫn duy trì đều đặn mỗi tuần.

Có thêm hiểu biết ngoài chuyên môn, bạn trở nên đặc biệt, thu hút hơn nhiều

- Sách gắn bó với hành trình trưởng thành của bạn. Có tác phẩm nào tác động mạnh mẽ đến sự lựa chọn vào học ngành y hay không?

- Tôi mê đọc sách từ thời tiểu học. Năm lớp 9, tôi đọc Nhật ký Đặng Thùy Trâm, đây là cuốn sách truyền cảm hứng mãnh liệt nhất, khiến tôi bắt đầu yêu ngành y. Tôi thích đi đây đi đó, thích khám phá điều mới lạ, từng khá phân vân chọn lựa giữa y khoa và báo chí, nhưng rồi tôi quyết tâm trở thành bác sĩ.

 Nguyễn Thục Nữ hiện là Cố vấn y khoa, vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi tuần.

Nguyễn Thục Nữ hiện là Cố vấn y khoa, vẫn giữ thói quen đọc sách mỗi tuần.

- Sinh viên trường y học rất nhiều, chắc hẳn cũng phải đọc không ít. Theo bạn, khó khăn nhất của sinh viên y khi tìm sách và tài liệu là gì?

- Sách và tài liệu không quá khó tìm trong thời đại hiện nay. Điều quan trọng là phải biết chọn thông tin chính thống, có nguồn rõ ràng. Vì y khoa là ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người nên một khi kiến thức được tiếp cận sai sẽ dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng.

Nhiều người sau khi ra trường, đi làm, cho rằng chỉ đọc sách, tài liệu chuyên ngành cũng mất bao công sức, hoặc thời gian làm việc quá nhiều, không thể tìm hiểu thêm các lĩnh vực khác như văn chương, tâm lý, nghệ thuật... Nhưng đọc sách chuyên môn thôi thì khô khan lắm. Đối với tôi, một người ngoài việc giỏi chuyên môn, lại biết thêm về các lĩnh vực khác, am hiểu kiến thức xã hội… sẽ trở nên đặc biệt thu hút.

 Cuốn sách đầu tay của bác sĩ Nguyễn Thục Nữ.

Cuốn sách đầu tay của bác sĩ Nguyễn Thục Nữ.

- Trong môi trường y khoa, ai là người truyền cho bạn cảm hứng đọc sách nhiều nhất?

- Trong ngành y nói chung, tôi rất ấn tượng với tác giả Dương Minh Tuấn, được biết đến với biệt danh Pu Tuấn, là một bác sĩ trẻ người Hà Nội. Anh giúp tôi có thêm sự lạc quan, vui vẻ khi đối mặt với những khó khăn, áp lực trong ngành. Bác sĩ Tuấn đã xuất bản 3 cuốn sách nên tôi nghĩ ngoài khả năng đọc, anh còn viết rất giỏi.

- Sách kết nối mọi người với nhau. Nếu được sinh viên y khoa nhờ “chỉ giáo” về cuốn sách nên đọc, bạn sẽ lựa chọn tác phẩm nào?

- Sách chuyên ngành có lẽ tôi không nhắc tới ở đây. Đây là vài tác phẩm văn học lấy chủ đề y khoa mà tôi khá thích như: Đèn không hắt bóng (tác giả Watanabe Dzunichi), tiểu thuyết Thành trì (tác giả A.J.Cronin), Lịch sử nhìn lại dưới góc độ y khoa của Tiến sĩ y khoa Bùi Minh Đức.

Võ Thị Thu, Lê Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Lan Anh/Vietnamnet

Nguồn Znews: https://znews.vn/bac-si-doc-hon-1000-cuon-sach-tung-tham-gia-sieu-tri-tue-viet-nam-post1456111.html