BÀI 1: Thiếu đơn hàng, doanh nghiệp cắt giảm lao động

Bước vào giai đoạn hậu Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) dần khôi phục và khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, một số DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực giày da, may mặc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lại rơi vào cảnh thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm lao động, giờ làm. Trước tình hình trên, các ngành chức năng của tỉnh cũng như các DN đang nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động bằng nhiều giải pháp.Sau Tết Nguyên đán 2023, một số DN hoạt động trong lĩnh vực giày da, may mặc trên địa bàn tỉnh do thiếu đơn hàng nên buộc phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Các DN đang phải chật vật xoay trở trước những khó khăn.THIẾU ĐƠN HÀNG, NHIỀU DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ

Từ giữa tháng 6-2022 đến nay, một số DN trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng về mặt đơn hàng với các mức độ khác nhau. Để duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ), các DN đã lựa chọn nhiều giải pháp như: Giảm giờ làm trong ngày; bố trí cho NLĐ nghỉ luân phiên các ngày trong tuần; giảm giờ tăng ca, nghỉ Tết Nguyên đán sớm với thời gian dài hơn các năm trước…

Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động tại các DN sau Tết Nguyên đán 2023.

Lãnh đạo tỉnh tìm hiểu hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động tại các DN sau Tết Nguyên đán 2023.

Công ty TNHH H.S. (Khu công nghiệp (KCN) Tân Hương, huyện Châu Thành) hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Đến cuối năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng, DN đã đưa ra phương án cho công nhân tự nguyện đăng ký xin nghỉ việc theo nhu cầu. Do đó, số lượng công nhân tại DN chỉ còn 4.000 lao động. Sau Tết Nguyên đán 2023, DN tiếp tục cho công nhân đăng ký nghỉ việc tự nguyện với số lượng 500 người, nguyên nhân cũng do thiếu hụt đơn hàng.

Đối với Công ty TNHH D.Đ. (KCN Tân Hương), năm 2022, DN vẫn đảm bảo chi tiền thưởng tết cho NLĐ từ 1 đến 2 tháng lương cơ bản. Theo đại diện Công ty D.Đ., trước Tết Nguyên đán 2023, DN giải quyết cho thôi việc đối với một số công nhân tuyển dụng vào giai đoạn đầu năm 2022.

Do đơn hàng sắp tới khó khăn nên những công nhân mới vào làm được 1 năm, khi hết hợp đồng lao động, DN sẽ không tái ký hợp đồng lao động. Số lượng công nhân này cũng không nhiều do những năm gần đây, DN tuyển dụng lao động sau tết rất ít. Hiện số lượng đơn hàng của DN từ quý I đến quý III năm 2023, hầu như giảm khoảng hơn 50% so với năm 2022.

Còn Công ty cổ phần May S.T. (Cụm công nghiệp Trung An, TP. Mỹ Tho) hiện cũng đang thiếu đơn hàng đến hết quý I năm 2023. Hiện DN có khoảng 750 công nhân, tuy khó khăn, nhưng để giữ chân NLĐ, DN vẫn đảm bảo chi trả lương đầy đủ.

NỖ LỰC XOAY TRỞ

Trước những khó khăn về mặt đơn hàng, nhiều DN giày da, may mặc đang nỗ lực duy trì sản xuất, việc làm cho NLĐ. Theo đó, Công ty TNHH H.S. áp dụng chi trả cho công nhân nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân có thâm niên từ 3 - 7 năm là 1 tháng lương; còn công nhân có thâm niên trên 7 năm là 2 tháng lương. Điều này nhằm giúp NLĐ có chi phí để chi tiêu, ổn định cuộc sống trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Một số DN ngành giày da, may mặc cắt giảm lao động sau tết do thiếu đơn hàng sản xuất.

Một số DN ngành giày da, may mặc cắt giảm lao động sau tết do thiếu đơn hàng sản xuất.

Cùng chung khó khăn với một số DN may mặc khác, Công ty TNHH Giày A. (KCN Long Giang, huyện Tân Phước) cũng bị thiếu đơn hàng so với trước. Tuy nhiên, DN lựa chọn không cắt giảm lao động. Theo đó, giải pháp DN đưa ra là vẫn tuyển dụng công nhân đi làm theo ca. Nếu công nhân muốn làm giờ hành chính thì công ty yêu cầu để lại thông tin, khi công ty có tuyển sẽ thông báo sau. Khi công ty có nhiều đơn hàng sẽ cho công nhân đi làm ca 2, còn bình thường thì lao động chỉ làm ca 1, ca 3.

Còn theo đại diện Công ty TNHH D.Đ., trong giai đoạn khó khăn về mặt đơn hàng, DN không cắt giảm lao động, mà cho công nhân nghỉ ngày thứ 7 hằng tuần từ tháng 2 đến tháng 6-2023. Công ty sẽ chi trả lương cho NLĐ là 160.000 đồng/ngày thứ 7 theo mức lương tối thiểu quy định. “Do đó, DN chỉ duy trì sản xuất ở mức cầm chừng. DN hy vọng đến quý II, III năm 2023 sẽ có những thay đổi tích cực hơn về mặt đơn hàng” - đại diện Công ty TNHH D.Đ. chia sẻ.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thời điểm tháng 12-2022, trên địa bàn tỉnh có 21 DN bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh với tổng số lao động đang làm việc là 17.719 người; trong đó có 12.356 lao động bị ảnh hưởng phải thực hiện giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương... Cụ thể, các DN đã chấm dứt hợp đồng lao động với 679 lao động; nghỉ việc không lương 170 lao động; giảm giờ làm 11.507 lao động.

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH, mặc dù gặp khó khăn về đơn hàng từ tháng 6-2022 đến nay, nhưng trước Tết Nguyên đán 2023, hầu hết các DN đều cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ để có tiền lương, tiền thưởng trong dịp cuối năm.

Sau Tết Nguyên đán, tùy vào mức độ ảnh hưởng, các DN đã đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Cụ thể, có 3 DN (KCN Tân Hương, KCN Long Giang) kéo dài thời gian nghỉ tết cho NLĐ (sử dụng phép năm); 6 DN (289 lao động bị ảnh hưởng) không có đơn hàng sản xuất, đã cho NLĐ nghỉ làm từ quý IV năm 2022 đến nay, chưa xác định được khi nào mới hoạt động trở lại; 4 DN thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động (1.447 lao động bị ảnh hưởng); 1 DN không tái ký hợp đồng lao động với NLĐ có hợp đồng lao động thời hạn từ 12 đến 24 tháng và giảm giờ làm toàn bộ NLĐ đến tháng 6-2023.

Theo Sở LĐ-TB&XH, dịp Tết Nguyên đán 2023, hầu hết các DN có sử dụng nhiều lao động đều thực hiện trả lương, thưởng tết cho NLĐ và chi trả thưởng 1 lần cho NLĐ trước khi nghỉ tết. Mức thưởng tết cho NLĐ có thời gian làm việc đủ 12 tháng ít nhất bằng 1 tháng lương cơ bản theo hợp đồng lao động.

Ngoài ra, một số DN còn tính thưởng tết thêm các khoản phụ cấp như: Thâm niên làm việc, chuyên cần… Riêng đối với NLĐ có thời gian làm việc chưa đủ 12 tháng thì mức thưởng tết tính theo tỷ lệ thời gian thực tế làm việc trong năm 2022. Mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân khoảng 7,638 triệu đồng/người.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tính đến hết tháng 1-2023, phần lớn DN đã trở lại hoạt động. Trong 3 ngày (mùng 6, 9 và 10), đối với các DN hoạt động ổn định, số NLĐ trở lại làm việc bình thường, ổn định với tỷ lệ trên 95,5%. So với thời điểm trước tết tỷ lệ lao động quay lại làm việc ở các DN như sau: Đối với các DN trong các KCN khoảng 95,5%; DN trong cụm công nghiệp khoảng 99%; DN ngoài khu, cụm công nghiệp từ 96,4% - 98%.

Nguyên nhân khiến NLĐ chưa quay lại DN làm việc chủ yếu do DN và NLĐ cùng thỏa thuận nghỉ tết kết hợp nghỉ phép năm; DN gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng nên cho NLĐ nghỉ tết kéo dài hơn so với các năm trước hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; NLĐ sau tết nghỉ việc để tìm công việc khác tốt hơn hoặc chuyển đổi nơi làm việc khác có thu nhập tốt hơn...

LÝ OANH - ANH THƯ
(Còn tiếp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202302/no-luc-dam-bao-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-bai-1-thieu-don-hang-doanh-nghiep-cat-giam-lao-dong-971511/