Bài 2: Cần có cơ chế rõ ràng hơn về hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa

Mặc dù phần lớn các dự án đầu tư với phương thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa mới ở giai đoạn ban đầu, thí điểm nhưng các vướng mắc trong quá trình triển khai cần tháo gỡ kịp thời, từ đó thuận lợi nhân rộng ra các địa phương trên cả nước.

Lúng túng vì còn quá mới

Trao đổi quanh vấn đề hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa có lĩnh vực văn hóa. Hiện nay mới chỉ có TP Hồ Chí Minh được thí điểm cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Luật PPP không có lĩnh vực văn hóa vì khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết cho xây dựng luật, kết quả thực hiện của các công trình văn hóa đã đầu tư xây dựng trước đó chưa chứng minh được các dự án đó có khả năng tạo nguồn thu, chuyển lại cho Nhà nước về lợi nhuận. Mặc dù hiện nay các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa mới thí điểm nhưng cũng cần nhận biết rõ ràng về phương thức đầu tư này.

Nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó để gắn bó với nghề.

Nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam vẫn nỗ lực vượt khó để gắn bó với nghề.

Theo bà Ngọc, về nguyên lý, PPP là dành một phần nguồn lực của Nhà nước để dẫn dắt khu vực tư nhân đầu tư vào một số ngành, lĩnh vực mang tính đặc biệt. Bản chất PPP là thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào cung cấp dịch vụ công, thực hiện các nhiệm vụ công, trong đó có những nhiệm vụ Nhà nước buộc phải làm. Tư nhân được nhượng quyền đầu tư và khai thác trên cơ sở hợp đồng đã ký kết. PPP chính là nhà nước cần chia sẻ để dự án đó mang tính khả thi, làm sao huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Hiện nay, trên thế giới nhiều hình thức PPP, trên thế giới có khoảng 12-13 hình thức, loại hình liên quan. Việt Nam có 7 loại hình. Có loại hình chỉ cần cơ chế chính sách của Nhà nước và khu vực tư nhân đầu tư vận hành, quản lý. Có hình thức Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư khai thác, vận hành, chuyển giao. Có những việc Nhà nước đầu tư và chuyển cho khu vực tư nhân vận hành, đấu thầu cơ quan vận hành hiệu quả.

“Thực tế thời gian qua, chúng ta chưa phân định rõ được đầu tư PPP với đầu tư tư nhân. Để đảm bảo rõ đâu là trách nhiệm của Nhà nước – khu vực công, thời gian qua, do có việc thúc đẩy lợi nhuận nên có những dự án chúng ta thu hút nhưng chưa đảm bảo tính bền vững. Có trường hợp cắt giảm chi phí tối thiểu, giảm giá để cạnh tranh – không đúng với bản chất của dịch vụ công. Có dịch vụ công phải cung cấp nhưng chưa định hướng được đúng nên dẫn đến việc mặc dù chúng ta xã hội hóa theo PPP nhưng gần như là hoạt động tư dẫn đến một số trường hợp đáng tiếc”, bà Ngọc nói.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện nay chúng ta mới xem xét thì điểm áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa cho TP Hồ Chí Minh và xây dựng thí điểm cho Hà Nội ở dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Quyết định này xuất phát từ 3 thực tế: Hai địa bàn này có thu nhập bình quân cao nhất cả nước; mật độ dân cư, trình độ dân trí cao và có khả năng chi trả đối với các hoạt động văn hóa như thế; hai địa phương này có nguồn lực thực hiện các dự án PPP.

Bước đầu cho thấy, TP Hồ Chí Minh đã đi đúng hướng khi chọn dự án nhưng có nóng vội, đưa ra trình tự thủ tục không khớp với bất kỳ trình tự thủ tục nào, rất khó thực hiện. Thực tế cho thấy các đơn vị triển khai PPP trong lĩnh vực văn hóa còn hiện tượng lúng túng. Hầu như các đơn vị mời chào các dự án PPP như là các dự án đầu tư tư, rất khó thực hiện. Tất nhiên, khi dự án không đảm bảo khả năng lợi nhuận thì không làm được.

Tại Hà Nội, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi không quy định chi tiết mà chỉ đưa chung là sẽ thực hiện PPP trong lĩnh vực văn hóa. Để triển khai có hiệu quả việc thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tích cực đồng hành cùng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng kết và kiến nghị Quốc hội áp dụng chung.

Liên quan đến vấn đề trên, bà Trần Diệu An, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản, Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ Tài chính đã nắm được những khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong ngành văn hóa, thể thao khi triển khai các dự án PPP. Hiện tại, Bộ đang soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 151 Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Dự thảo Nghị định giải quyết cơ bản các vướng mắc mà các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành văn hóa, thể thao nói riêng.

Liên quan đến tiền thuê đất, theo Nghị định 151, nếu sử dụng công trình trên đất để liên doanh, liên kết, cho thuê thì tiền thuê đất tính trên diện tích đất. Để cho dễ và đơn giản trong cách thực hiện, sửa đổi Nghị định 151 quy định nộp một số % trên doanh thu thu được . Nghị định sửa đổi cũng có ưu đãi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao so với các đơn vị sự nghiệp công lập thông thường.

Trong Nghị định 151 sửa đổi, bổ sung, có quy định rõ hơn về thế nào là đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng vào mục đích dịch vụ công, thế nào là sử dụng tài sản trong mục đích kinh doanh liên doanh liên kết. Hiện tại, ban soạn thảo Nghị định 151 sửa đổi đã hoàn thiện và báo cáo Chính phủ vào tháng 4/2024.

Đề xuất áp dụng rộng rãi ở các địa phương

Ngoài ra, bà Trần Diệu An cũng cho rằng, liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao, trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có quy định, phải ban hành Nghị định về tài sản kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Bộ Tài chính với chức năng quản lý Nhà nước về tài sản công đã báo Thủ tướng ban hành Chỉ thị 03, theo đó có giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, xây dựng Nghị định liên quan đến sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao. Nếu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện, báo cáo Chính phủ thì mới giải quyết rốt ráo được các vướng mắc cụ thể hiện nay trong liên doanh, liên kết sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng chia sẻ, trong thời gian tới, các hình thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cần được nhân rộng ra các địa phương, không chỉ dừng ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các thành phố trực thuộc trung ương khác như Đà Nẵng, Cần Thơ và một số đô thị khác trên cả nước cũng cần chuẩn bị sẵn sàng để khi có dự án phù hợp, có doanh nghiệp muốn đầu tư thì đã có sẵn các cơ chế cần thiết để áp dụng hình thức đầu tư này.

Hiện nay, khảo sát của Ủy ban cho thấy có 2 cái vướng về pháp luật. Đó là nội dung về văn hóa, thể thao chưa được đưa vào luật và các thông tư liên quan. Tổng mức đầu tư cho một dự án theo phương thức PPP còn tương đối cao so với một dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao vì quy mô tối thiểu là 100 tỷ đồng là cao đối với một số dự án ở cơ sở là tương đối cao, nhất là đối với các dự án cũ cần duy tu, bảo dưỡng.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cũng đã kiến nghị ở một số diễn đàn để sửa đổi và dựa trên kết quả thí điểm của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội để có quy định phù hợp, mong muốn áp dụng rộng rãi, tạo nền tảng pháp lý để cho thu hút nhiều hơn nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Hoa Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/bai-2-can-co-co-che-ro-rang-hon-ve-hop-tac-cong-tu-trong-linh-vuc-van-hoa-i731735/