Bài 2: Người chăn nuôi sẽ được hưởng lợi

Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đòi hỏi phải xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu.

Những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển ổn định, các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có phần ảm đạm, khi giá trâu, bò, heo, gà, vịt xuất chuồng có thời điểm xuống thấp khiến người chăn nuôi bị thua lỗ. Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, đòi hỏi phải xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hướng tới mở rộng thị trường tiêu thụ và phục vụ xuất khẩu.

Lãnh đạo tỉnh tham quan quy trình làm thức ăn cho bò sữa tại trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh.

Lãnh đạo tỉnh tham quan quy trình làm thức ăn cho bò sữa tại trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh.

Kiểm soát dịch bệnh

Thời gian qua, ngành chăn nuôi tỉnh Tây Ninh đã tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Tổng đàn gia súc hiện có của toàn tỉnh khoảng 9.480 con trâu, 99.800 con bò và 297.600 con heo; tổng đàn gia cầm là 9.820.000 con.

Để bảo đảm an toàn cho vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiêm phòng vaccine, thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch bệnh. Tính đến hết tháng 4.2024, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không có phát sinh dịch bệnh.

Theo số liệu của ngành chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8% số trang trại chăn nuôi gia cầm so với năm 2017. Trong đó, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; có 1 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện (huyện Dương Minh Châu) và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Bến Cầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng và 74 cơ sở chăn nuôi gà, vịt, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Phát biểu tại buổi họp báo về kế hoạch tổ chức lễ công bố vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và chuỗi các sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Với mục tiêu thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, trong giai đoạn 2024-2025, Tây Ninh phấn đấu có thêm 3 vùng cấp huyện (Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam (huyện Tân Châu sẽ được công bố đạt chuẩn vào ngày 19.5.2024), 1 vùng cấp huyện (Dương Minh Châu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle và 1 vùng cấp huyện (Bến Cầu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam đối với bệnh lở mồm long móng trên bò.

Giai đoạn 2026-2030, bên cạnh việc duy trì các vùng đã đạt an toàn dịch bệnh, tỉnh Tây Ninh tiếp tục phấn đấu có 5 vùng cấp huyện (thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, huyện Châu Thành) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam, 2 vùng cấp huyện (Tân Biên, Tân Châu) đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle.

Trang trại gà lạnh, áp dụng công nghệ an toàn sinh học (ảnh minh họa)

Trang trại gà lạnh, áp dụng công nghệ an toàn sinh học (ảnh minh họa)

Liên kết với nông dân - Bảo đảm đầu ra ổn định

Theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), các sản phẩm liên quan đến động vật khi xuất khẩu bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Cụ thể hơn, nếu địa phương muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì sau khi các sản phẩm liên quan đến động vật đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh của Việt Nam, phải nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Long- Cục trưởng Cục Thú y, tại Việt Nam, vùng an toàn dịch bệnh đã được thực hiện trong nhiều năm qua và có kết quả tích cực trong việc giúp các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu. Minh chứng rõ nét nhất là thịt heo đã xuất đi các nước như Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc); thịt gà đã xuất đi Nhật Bản.

Phát biểu tại họp báo, ông Vũ Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam cho biết, Tập đoàn Hùng Nhơn luôn xem Tây Ninh là địa phương ưu tiên trọng điểm trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Để thể hiện quyết tâm và sự chuyên nghiệp của mình, ngày 19.5.2024, Liên doanh Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn (DHN) sẽ tổ chức lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh; đồng thời, công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi 8 dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh giai đoạn 1 và 2 là 2.500 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, khi đầu tư vào Tây Ninh, phía Tập đoàn Hùng Nhơn cam kết với chính quyền địa phương là sẽ không cạnh tranh với người chăn nuôi, mà ngược lại, người dân sẽ được hưởng lợi khi DHN phối hợp liên kết.

Đầu tiên là việc phối hợp hình thành trong từng vùng nguyên liệu thức ăn, phía DHN xây dựng hệ thống trồng mì, trồng bắp (ngô), trồng lúa liên kết với người nông dân bao tiêu sản phẩm cho các nhà máy sản xuất. Kế đến, DHN sẽ tập trung vào vấn đề ưu tiên đào tạo các nguồn lực địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Những nông hộ chăn nuôi manh mún sẽ được hỗ trợ để liên kết với DHN, giúp họ tiếp cận trang thiết bị và quy trình chăn nuôi hiện đại, bảo đảm đầu ra ổn định,

Chia sẻ sau buổi họp báo, ông Gabor Fluit- Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Heus cho biết, một trong những lý do Liên doanh DHN chọn Tây Ninh để xây dựng chuỗi chăn nuôi công nghệ cao là vì những điều kiện địa lý, tự nhiên thuận lợi. Và trong tương lai- khi vấn đề giao thông được giải quyết bằng các tuyến đường cao tốc- việc vận chuyển sản phẩm xuất khẩu qua Campuchia hoặc đưa về Thành phố Hồ Chí Minh được nhanh chóng và thuận lợi hơn nữa.

Theo ông Gabor Fluit, việc hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ giúp những nông hộ trên địa bàn được hưởng lợi, bởi sản phẩm của họ xuất bán có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc và các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm. Khi đó, giá xuất bán sản phẩm sẽ tốt hơn. Những trường hợp hộ chăn nuôi quy mô trang trại muốn tham gia vào chuỗi chăn nuôi của Liên doanh DHN sẽ được bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus đầu tư dự án chăn nuôi tại Tây Ninh là hạt nhân để tiếp tục thu hút nhà đầu tư thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Trong đó, các dự án sẽ có sự liên kết với người dân từ con giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi, tạo điều kiện cho người nông dân có công ăn việc làm. Đặc biệt, những người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Nhi Trần - Minh Dương

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-nguoi-chan-nuoi-se-duoc-huong-loi-a172928.html