Bài 3: Nhiều rào cản để thực hiện lời hứa

Đúng như nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Lê Thị Thu nhấn mạnh: không ai có thể đại diện tốt nhất cho phụ nữ bằng chính giới nữ, cho nên họ phải tự tin để nhận lấy trách nhiệm. Thế nhưng trên thực tế, để nữ đại biểu tự tin nhận lấy trách nhiệm cũng không phải là chuyện dễ dàng, vẫn còn khá nhiều rào cản để nữ đại biểu tham chính, thực hiện lời hứa của mình trước cử tri và Nhân dân.

Nhọc nhằn thực hiện lời hứa

Là nữ đại biểu hoạt động có trách nhiệm, bén rễ rất nhanh khi tham gia hoạt động của cơ quan dân cử nhưng để cắm sâu và phát triển tốt như thực hiện Chương trình hành động đã hứa với cử tri khi vận động bầu cử, theo H’Bic Buôn Jă - đại biểu HĐND xã Ea’Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vẫn còn nhiều gian nan. “Việc gì làm được thì tôi mới hứa - những lời hứa chân thật, mộc mạc nhưng nói thật nó cũng đè nặng tâm tư. Đơn cử như việc sẽ đồng hành, có tiếng nói để cùng cộng đồng, chính quyền giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào Ê Đê. Thế nhưng khi sự phát triển của lực lượng sản xuất ngày càng mạnh, nhất là công nghệ số, tiến tới xã hội số cùng với lối sống hiện đại, phương tây du nhập, thật khó mà vận động giới trẻ lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Ê Đê. Lo nhất là trang phục, nghi lễ truyền thống ngày càng ít bạn trẻ quan tâm. Có tiếng nói nhưng để kiến nghị và đề xuất HĐND có biện pháp về nội dung này đúng là tôi chưa thực hiện được” - H’Bic bộc bạch.

Thực tế, có khá nhiều nữ đại biểu kiêm nhiệm chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình có nguyên nhân từ thiếu các kỹ năng cũng như nhận thức về HĐND, các hoạt động của HĐND. Theo Phó Chủ tịch HĐND phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Hà Thị Thu Thủy: suy cho cùng, căn nguyên của mọi rào cản là chính bản thân đại biểu. Qua tìm hiểu, nắm bắt tâm tư cho thấy có không ít nữ đại biểu “ngại” tiếp cận thông tin, “lười” nghiên cứu quy định, văn bản luật và chưa chịu khó trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, còn nặng tâm lý “xuân thu nhị kỳ”, tham dự đầy đủ và cơ bản “nhất trí thông qua”. Từ chỗ thiếu kỹ năng, thông tin dẫn đến “ngại” bày tỏ chính kiến khi tham gia các hoạt động của cơ quan dân cử. Và việc này cũng xảy ra ở cả cấp trên cơ sở.

“Nếu không chịu khó trau dồi, thiếu trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng của cử tri thì nữ đại biểu sẽ rất khó khẳng định được bản lĩnh của chính mình trên nghị trường cũng như thực hiện lời hứa với cử tri và Nhân dân. Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nếu bản thân đại biểu chưa nhận thức được điều cơ bản nhất là tôn trọng Nhân dân, giữ mối liên hệ bền chặt với cử tri. Thực tế, có không ít đại biểu trong đó có nữ đại biểu có sự “trì trệ” này - bà Phan Thị Hồng Xoan, nguyên Phó Chủ tịch HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh trải lòng.

Khó do “cơ cấu”

Theo định hướng, chủ trương chung, tỷ lệ đại biểu nữ đã tăng dần trong các nhiệm kỳ gần đây, trong số đó nhiều đại biểu nữ đảm nhận các cương vị lãnh đạo chủ chốt trong cấp ủy, HĐND, UBND các cấp. Điều này đã tạo nên những thuận lợi nhất định trong tham gia thảo luận, quyết định chính sách cũng như hoạt động giám sát, TXCT. Tuy nhiên, theo Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam Dương Thị Thanh Hiền: phần nhiều đại biểu nữ được bầu theo cơ cấu và nhằm đạt tỷ lệ nên mức độ, hiệu quả tham gia hoạt động dân cử còn khiêm tốn. Trong nhiều cuộc họp hay hội nghị, khi đại biểu nữ chỉ chiếm tỷ lệ rất ít thì tâm lý chung là ngại khi nêu ý kiến, nhất là ý kiến khác với số đông. Mặt khác, những áp lực gia đình, nuôi dạy con cái cũng khiến phụ nữ có tâm lý “an phận” ít chủ động mở rộng các mối quan hệ xã hội để làm tốt vai trò lãnh đạo cũng như đại biểu dân cử. Đây chính là những rào cản tâm lý ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu cũng như tính thực chất trong bảo đảm bình đẳng giới.

Từ thực tế tỷ lệ nữ đại biểu HĐND trong tương quan với nam đại biểu vẫn còn thấp, dễ dàng nhận thấy sự yếu thế ngay trong bày tỏ chính kiến trong chính nghị trường khi quyết định bất kỳ vấn đề gì mà cần quyết định bằng tỷ lệ thiểu số, đa số. Bên cạnh đó, việc tin tưởng trao quyền cho nữ đại biểu HĐND gánh vác trọng trách các nhiệm vụ quan trọng trong cơ quan dân cử vẫn còn khá khiêm tốn so với nam giới, nhất là các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND.

Mặt khác, vẫn còn khá nhiều nữ đại biểu kiêm nhiệm chưa dành được thời gian thỏa đáng cho hoạt động của HĐND như luật định, nhất là nữ đại biểu cơ cấu ở khối cơ quan hành chính, doanh nghiệp, nữ đại biểu là nữ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây cũng là vấn đề ở khá nhiều địa phương. Khi cơ cấu, rõ ràng dù là nam hay nữ nhưng nếu đại biểu ở khối cơ quan hành chính (UBND, các sở, phòng, ngành, công chức chuyên môn) vào HĐND thì việc thực hiện nhiệm vụ của họ sẽ có cái khó, không tránh khỏi “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ngoài ra, có những nữ đại biểu đau đáu, tâm huyết, trách nhiệm, đeo bám đến cùng vấn đề như nữ đại biểu HĐND cấp huyện miền Trung Tây Nguyên nọ nhưng lại bị xem là “trại gây”, bị điều chuyển đi nơi khác “cho khỏi phiền”. Thậm chí, có những nữ đại biểu trẻ, tâm huyết trách nhiệm thẳng thắn chất vấn người đứng đầu, làm rõ những vấn đề cử tri, Nhân dân còn băn khoăn, bức xúc thì bị trù dập, gây khó khăn.

SONG NGUYÊN – PHƯƠNG OANH

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-3%C2%A0nhieu-rao-can-de-thuc-hien-loi-hua-i318235/