Bài 3: Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững

Thành quả nổi bật của công tác đối ngoại là đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo nên một nền kinh tế 430 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023. Vị trí này có thể tăng nhanh, đạt thứ 24 vào năm 2033 và trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038 với quy mô GDP lên đến 1.559 tỷ USD.

Biến cam kết thành hành động

Lịch sử công tác đối ngoại của nước ta ghi nhận thành quả nổi bật trong chiến dịch "ngoại giao vắc-xin" để đối phó với đại dịch Covid-19, như là sứ mệnh xoay chuyển tình thế. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, với vị thế, uy tín của Việt Nam, cùng với sách lược ngoại giao nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam đã dập được đại dịch. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 26/02/2023, cả nước đã tiêm 266 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó khoảng 50% là từ sự trợ giúp qua cơ chế COVAX và trên 30 nước cung cấp qua kênh song phương; góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc-xin và chiến dịch tiêm chủng.

Nhờ chiến dịch "ngoại giao vắc-xin", từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và năm 2023 đạt 5,05%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Một sự kiện khác khiến thế giới rất ủng hộ và hoan nghênh khi Việt Nam chọn xu hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại COP 26 ở Glasgow, Scotland. Đây là mục tiêu tiên phong, tương đồng các nền kinh tế có trình độ phát triển cao trên thế giới, dù Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển. Tại COP 28 vừa diễn ra tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Việt Nam đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới thực hiện mục tiêu này.

Trước đó, cuối năm 2022 Việt Nam đã ký thỏa thuận quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Trong đó, các đối tác G7 cam kết huy động 15,5 tỷ USD cho Việt Nam để chuyển đổi năng lượng nhằm tăng dần tỉ trọng năng lượng tái tạo. Gói tài chính JETP rất quan trọng trong mục tiêu này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam - WEF

Tại COP 28, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất bận rộn với gần 40 hoạt động ở UAE và 20 hoạt động đối ngoại kinh tế khác khi thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ. Đặc biệt Thủ tướng đồng chủ trì sự kiện "Huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu" cùng Tổng giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank. Đây cũng là bước cụ thể góp phần triển khai Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Trong khuôn khổ COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, trong đó thông điệp chính được gửi đến cộng đồng quốc tế là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, với tinh thần Việt Nam nói là làm.

Thủ tướng đã tiếp nhiều lãnh đạo các tập đoàn và quỹ đầu tư hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, tham dự và phát biểu tại các Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) với sự tham gia của gần 200 DN tại mỗi nước. Ký kết 31 thỏa thuận hợp tác quan trọng với các đối tác UAE, Thổ Nhĩ Kỳ và tranh thủ tối đa dịp này để gặp gỡ, tiếp xúc với khoảng 20 lãnh đạo, đại diện các nước và tổ chức quốc tế trong các lĩnh vực an ninh, nông nghiệp, hàng không dân dụng, nguồn nhân lực, chuyển đổi số, cảng biển...

World Bank (WB) cũng dự kiến dành khoản vay 5 - 7 tỷ USD cho Việt Nam trong 3 năm tới cho một số dự án thế hệ mới tiềm năng như Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam (REACH), dự án trồng 1 triệu ha lúa năng suất cao, phát thải thấp (Việt Nam đã triển khai ở Đồng bằng sông Cửu Long), dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Hòa Lạc, đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đây là chuyến công tác tạo đột phá, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ; tạo ra những xung lực để đưa quan hệ song phương Việt Nam - UAE lên tầm cao mới; đồng thời góp phần thu hút đầu tư, huy động những nguồn lực to lớn hơn của hơn 20 quốc gia, tổ chức quốc tế, phục vụ phát triển đất nước.

Việt Nam là "đối tác quan trọng trong nền kinh tế thế giới"

Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos 2024) tại Thụy Sỹ. Tại diễn đàn này, một lần nữa Việt Nam nổi lên như là đối tác rất được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế chú ý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với vai trò diễn giả chính tại phiên đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu" trong khuôn khổ WEF Davos 2024. Phiên đối thoại có sự tham dự của GS Klaus Schwab - nhà sáng lập, Chủ tịch điều hành WEF - và 100 lãnh đạo, đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế, các tập đoàn, DN là thành viên của WEF.

Nhà kinh tế nổi tiếng về quan hệ quốc tế Thomas Friedman của báo New York Times (tác giả cuốn Thế giới phẳng) - là người điều phối sự kiện. GS Klaus Schwab đánh giá Việt Nam không chỉ là một ngôi sao ở khu vực Đông Á mà đã vươn lên tầm toàn cầu, là "đối tác quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Việt Nam thực sự trở thành một trong những quốc gia tiên phong về phát triển kinh tế xanh và thông minh". Ông Thomas Friedman tán đồng đánh giá đó, cho rằng Việt Nam là điển hình tiêu biểu cho cải cách và phát triển, được quốc tế đánh giá là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu nhấn mạnh một số định hướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nêu bật những thành tựu sau gần 40 năm đổi mới và nêu những kinh nghiệm lớn. Theo đó, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng cho biết, các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm chuyển đổi số, khoa học - công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh... Đây vừa là yêu cầu, xu thế khách quan, vừa là lựa chọn chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN nước ngoài hợp tác kinh doanh, trên cơ sở phát huy tối đa lòng tin, hy vọng, quyết tâm của hai bên và mong muốn các DN gắn sản xuất, tiêu dùng với nghiên cứu và đào tạo.

Trong buổi họp báo ngày 18/01/2024, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện Châu Âu nhận định: "Việt Nam là điểm đến ổn định trong thế giới bất ổn". Ông Bernd Lange cho rằng Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở cả khía cạnh kinh tế lẫn địa chính trị: "Hai nhân tố này dẫn đến sự trao đổi sâu rộng (của EU) với Việt Nam". Hiện nay EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam và còn rất nhiều khoản đầu tư khác của EU đang trên đường đến với Việt Nam. "ASEAN rõ ràng là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và trong khu vực đó, Việt Nam là số 1", ông Bernd Lange nói.

Thế giới rất chú ý đến quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, cả hai đều là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với nước ta. Với Hoa Kỳ, quan hệ đó mở ra hợp tác, đầu tư những ngành công nghiệp tỷ USD như bán dẫn, sản xuất chíp... Với Trung Quốc là những ngành công nghiệp cao, một thị trường rộng mở hơn 1,4 tỷ dân. Tận dụng tốt những quan hệ đặc biệt này, cũng như quan hệ ngày càng chặt chẽ với EU, Trung Đông, Nhật, Hàn Quốc, Úc... nền kinh tế Việt Nam có khoảng mở phát triển rất nhanh và chất lượng.

Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 (World Economic League Table) của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 434 tỷ USD. Vị trí này dự kiến có thể tăng nhanh, đạt thứ 24 vào năm 2033 và sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038 với GDP lên đến 1.559 tỷ USD.

Những thành tựu đó, những triển vọng lạc quan đó, có đóng góp rất lớn của những hoạt động đối ngoại về kinh tế khi Việt Nam ngày càng tăng cường quan hệ với nhiều đối tác có tiềm lực kinh tế lớn...

Ông Thomas Friedman (trái) trong phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại WEF Davos 2024

Ông Thomas Friedman (trái) trong phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại WEF Davos 2024

"Gác lại quá khứ, hướng đến tương lai"

Khi được nhà bình luận kinh tế - người điều phối chương trình Thomas Friedman hỏi về gợi ý của Việt Nam cho các nước đang phát triển muốn đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ:

Thứ nhất, xác định nguồn lực bắt đầu từ tư duy, động lực bắt đầu từ sự đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Đề cao vai trò của đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thứ hai, lấy người dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển. Đặc biệt là phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều thiệt hại nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Tuy vậy, Việt Nam đã "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai" để biến thù thành bạn.

Thủ tướng nêu bật quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã thể hiện lòng tin chính trị vững vàng giữa Việt Nam và hai đối tác, thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hợp tác, phát triển và thịnh vượng, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

VĨNH HY - DUY LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/bai-3-viet-nam-la-hinh-mau-ve-phat-trien-kinh-te-nhanh-va-ben-vung_158269.html