Bài học khi ký hợp đồng đại sứ thương hiệu từ vụ hoa hậu Lê Hoàng Phương

Theo TS Nguyễn Phương Thảo, để tránh rủi ro, thương hiệu và đại sứ nên có các biện pháp tự bảo vệ mình ngay từ giai đoạn soạn thảo, ký kết hợp đồng đại sứ thương hiệu.

Vừa qua (ngày 25-4), TAND quận Bình Thạnh, TP.HCM đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa hai công ty liên quan đến hoa hậu Lê Hoàng Phương (Miss Grand Vietnam 2023). Tuy nhiên, phiên tòa đã tạm ngừng để các đương sự tiếp cận chứng cứ...

Vụ án này xuất phát từ việc hai bên ký hết hợp đồng với nội dung Lê Hoàng Phương sau khi đăng quang hoa hậu sẽ trở thành đại sứ thương hiệu của bệnh viện thẩm mỹ N.

Đáng chú ý tại tòa, các bên không thống nhất được nội dung về đại sứ thương hiệu được làm gì và không được làm gì. Đây cũng là vụ kiện hiếm hoi liên quan đến đại sứ thương hiệu.

Lê Hoàng Phương đăng quang Miss Grand Vietnam 2023. Ảnh: BTC

Vậy pháp luật quy định sao về đại sứ thương hiệu, các bên cần làm gì để tránh các rủi ro khi ký hợp đồng đại sứ thương hiệu?

BLDS không quy định về hợp đồng đại sứ thương hiệu

TS Nguyễn Phương Thảo (Trưởng Bộ môn Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng BLDS hiện hành không có quy định về loại hợp đồng đại sứ thương hiệu. Trên thực tế, đại sứ thương hiệu được hiểu là gương mặt đại diện của một thương hiệu, đồng hành cùng thương hiệu trong một khoảng thời gian nhất định hoặc trong một chiến dịch quảng cáo, truyền thông của họ.

Thông thường, dựa trên những tiêu chí phù hợp với thương hiệu, doanh nghiệp sẽ chọn những người có tầm ảnh hưởng tới công chúng như hoa hậu, người mẫu, ca sĩ... để quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng, gia tăng độ nhận diện và giúp tăng trưởng doanh thu.

Theo TS Thảo, về bản chất hợp đồng đại sứ thương hiệu là một dạng của hợp đồng quảng cáo. Tuy nhiên, hợp đồng này rộng hơn so với hợp đồng quảng cáo thông thường. Bởi hợp đồng quảng cáo thông thường chỉ là thuê một đơn vị dịch vụ để quảng cáo giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Còn hợp đồng đại sứ thương hiệu rộng hơn ở chỗ, đại sứ thương hiệu sẽ đóng vai trò như một người đại diện cả về mặt hình ảnh, truyền thông, phát ngôn... không dừng lại ở quảng cáo nhãn hiệu đó mà còn tăng cường sự nhận diện thương hiệu của công chúng về thương hiệu của doanh nghiệp.

Cạnh đó, hợp đồng đại sứ thương hiệu hướng tới việc xây dựng những cái lớn như uy tín, danh tiếng, hình ảnh của sản phẩm, dịch vụ, mang tính chất lâu dài giữa hai bên cộng tác. Tương tự như “nhãn hiệu” với “thương hiệu”, nhãn hiệu chỉ là logo, còn thương hiệu là danh tiếng là uy tín, là tất tần tật sự nhận diện của người tiêu dùng về thương hiệu đó.

"Hợp đồng quảng cáo chính là hợp đồng dịch vụ. BLDS 2015 cũng đã quy định cụ thể về hợp đồng dịch vụ từ Điều 513 đến Điều 521. Theo đó, hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch, bên cung ứng dịch vụ đều đã được quy định", TS Thảo nói.

Những lưu ý khi ký hợp đồng đại sứ thương hiệu

Theo TS Thảo, trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp đại sứ thương hiệu vướng scandal, doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có vi phạm dẫn đến hình ảnh uy tín của người đại sứ cũng bị "vạ lây".

Vì vậy để tránh rủi ro, thương hiệu và đại sứ nên có các biện pháp tự bảo vệ mình ngay từ giai đoạn soạn thảo, ký kết hợp đồng hợp tác giữa thương hiệu và các đại sứ thương hiệu. Việc xem xét kỹ lưỡng, tiên lượng trước các tình huống và hậu quả xảy ra... là điều rất cần thiết cho cả hai bên.

Khi ký kết hợp đồng các bên nên lưu ý một số điều khoản như điều khoản thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp tác. Đây là vấn đề nòng cốt, là một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng, bởi các tranh chấp phát sinh thường bắt nguồn từ sự vi phạm quyền và nghĩa vụ. Vì vậy, việc thỏa thuận thương hiệu có quyền và nghĩa vụ gì và ngược lại đại sứ thương hiệu có quyền và trách nhiệm ra sao là vô cùng cần thiết, đây chính là căn cứ để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Tiếp đến, các bên nên thỏa thuận rõ điều khoản về các trường hợp chấm dứt hợp đồng, bao gồm cả trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ví dụ như nếu đại sứ có scandal gây ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng thì thương hiệu có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc thương hiệu vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì đại sứ được quyền đơn phương chấm dứt...

Cạnh đó, các bên có thể thỏa thuận điều khoản về bồi thường thiệt hại. Khi xảy ra tranh chấp, thiệt hại xảy ra là điều khó tránh khỏi, việc thỏa thuận về bồi thường thiệt hại sẽ giúp “đo lường” mức độ thiệt hại, giúp các bên dễ dàng hơn trong việc giải quyết các thiệt hại về sau và bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho mình.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/bai-hoc-khi-ky-hop-dong-dai-su-thuong-hieu-tu-vu-hoa-hau-le-hoang-phuong-post788220.html