Bài học từ nấm nhầy

Nấm nhầy là loài sinh vật sử dụng phương thức thử nghiệm mọi phương sai để tìm ra con đường, lối mòn mình muốn đi.

 Các tế bào nấm nhầy đang tự tìm đường. Ảnh: FLScience.

Các tế bào nấm nhầy đang tự tìm đường. Ảnh: FLScience.

Trong nhiều thế kỷ, không ai giải mã được bí ẩn vì sao lũ kiến tổ chức bầy đàn khéo léo và nhanh nhẹn thế. Vài người cho rằng mỗi con kiến sở hữu một bộ óc bé xíu đặc biệt thông minh, cho phép chúng suy nghĩ logic, có ngôn ngữ và khả năng học tập, như nhà tự nhiên học Jean Pierre Huber suy luận vào năm 1810. Nói một cách đơn giản, quan điểm này cho rằng lũ kiến tìm đường đến chỗ có thức ăn nhờ trí thông minh, rồi “loan tin” về phát hiện của mình khắp tổ kiến.

Người phản đối giả thuyết trên, nghe theo lời giảng của Descartes tin rằng loài kiến chẳng có chút trí tuệ nào cả - hay theo cách nói thời đó là không có “linh hồn” - chúng chỉ là những bộ máy bị điều khiển bởi một vị thần đầy quyền năng, vị này thao túng bầy kiến như với những con rối, hoặc chế tạo ra chúng như những món đồ chơi vặn dây cót.

Nhà tự nhiên học Jean-Henri Fabre, một người ủng hộ lý thuyết này muộn màng đến lỗi thời, đã viết vào năm 1879, “Có thể nào loài côn trùng này đã dần luyện nên kỹ năng của chú, từ thế hệ này sang thế hệ khác, thông qua một chuỗi dài dằng dặc những thử nghiệm ngẫu nhiên, mò mẫm trong bóng tối? Có thể nào trật tự được sinh ra từ cảnh hỗn loạn, tiên kiến từ những nguy cơ, trí khôn từ sự ngu muội”. Fabre kết luận là không thể nào như thế. “Tôi càng xem xét, càng quan sát kỹ, ánh sáng của Trí tuệ [thiêng liêng] lại càng tỏa rạng đằng sau mọi bí ẩn trên đời”.

Trong cuộc tranh cãi đó, một bên là lũ côn trùng có trí thông minh cá thể, một bên là bầy côn trùng chịu lời nguyền ngu muội hoàn toàn, nhưng được lèo lái bởi bàn tay toàn tri toàn năng nào đó. Mãi đến rất gần đây, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu ra rằng câu trả lời nằm ở đâu đó giữa hai phe đối lập: hành vi phức tạp của lũ kiến không xuất phát từ những cá thể thông minh, mà từ một hệ thống thông minh - một dạng trí khôn hiện hữu giữa muôn loài, cũng như bên trong từng sinh vật.

Mọi loài vật trên đời đều rơi vào đâu đó trên cái phổ rộng giữa trí tuệ chủ thể và khách thể. Ở một thái cực là vị ẩn sĩ trên ngọn núi, bao nhiêu ý nghĩ quay cuồng trong bộ óc cô độc của ông như lũ bướm vỗ cánh trong quả chuông. Ở thái cực còn lại là nấm nhầy (slime mold).

Nấm nhầy là những sinh vật đơn bào mà cơ thể như một mạng lưới tỏa ra hình thù không xác định. Loại nấm này thuộc loại vô thức nhất trong tất cả các loài: chưa có cả những bộ phận thô sơ nhất của hệ thần kinh.

Tuy nhiên, chúng cũng đã phát triển một kỹ thuật săn mồi rất hiệu quả: Chúng vươn dài những cái giả túc tựa xúc tu, mò mẫm xung quanh, rồi thu nó lại mỗi khi không vớ được gì cả. Khi rụt lại, giả túc để lại một lối mòn bằng chất nhầy để chỉ ra chỗ nào không tìm được thức ăn - không được sa vào lối mòn đó nữa. Rồi tiếp tục dò dẫm trong bóng tối, chúng lên đường đi về phía khác, nơi chưa có chất nhầy.

Sử dụng phương pháp thử sai thô sơ này, nấm nhầy có thể giải quyết các vấn đề phức tạp đến đáng ngạc nhiên.

Robert Moor/NXB Phụ Nữ Việt Nam & Huy Hoàng Bookstore

Nguồn Znews: https://znews.vn/bai-hoc-tu-loi-mon-cua-cac-loai-sinh-vat-post1471023.html