Bản chất tín dụng của thư tín dụng

Việc Tổng cục Thuế yêu cầu truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phí giao dịch L/C từ ngày 1-1-2011 đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều của các tổ chức tín dụng và theo các ngân hàng sẽ có rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kê khai và nộp thuế GTGT nếu bị truy thu thuế này.

Hiện có hai quan điểm trái chiều giữa các cơ quan quản lý. Trong đó, phía ngân hàng cho rằng hoạt động L/C có tính chất “lưỡng tính”, vừa là dịch vụ thanh toán, vừa là hoạt động cấp tín dụng, do đó, đề nghị chỉ áp dụng tính thuế GTGT đối với khoản phí dịch vụ L/C có tính chất dịch vụ thanh toán; ngược lại, Bộ Tài chính cho rằng L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán nên sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Khái quát về thư tín dụng

Điều 1, Bản sửa đổi Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ – Uniform Custom and Pratice for Documentary Credits có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 của Phòng Thương mại quốc tế (UCP 600) quy định “Các quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ là các quy tắc áp dụng cho bất kỳ tín dụng chứng từ nào. Lưu ý, UCP 600 là tập quán thương mại quốc tế đã được pháp luật Việt Nam công nhận và được tất cả các ngân hàng tại Việt Nam tham chiếu và áp dụng.

Tuy UCP 600 chỉ định nghĩa về “tín dụng” mà không định nghĩa về L/C, song căn cứ vào điều 1, UCP 600 có thể khái quát về L/C như sau: “Thư tín dụng là cam kết của ngân hàng phát hành (ngân hàng phục vụ bên mua) về việc thanh toán một khoản tiền nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định cho bên thụ hưởng (bên bán) với điều kiện bên thụ hưởng xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ đúng theo quy định trong thư tín dụng”.

Quy định của pháp luật Việt Nam về L/C

Trước khi có Luật các tổ chức tín dụng 2024 (TCTD 2024) cơ quan chức năng của Việt Nam chưa ban hành văn bản nào định nghĩa hay quy định chi tiết về hoạt động cấp tín dụng của L/C. Việc định nghĩa L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng chỉ được đề cập chính thức tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 22-11-2019 của NHNN. Cần lưu ý rằng Thông tư 22 là văn bản pháp luật quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, tại khoản 11 điều 3 Thông tư 22 định nghĩa “Cấp tín dụng” có bao gồm “Cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng chứng từ (L/C)”, theo đó “cam kết phát hành” nghĩa là một trong những nghiệp vụ liên quan đến L/C theo UCP 600.

Luật các TCTD 2024 định nghĩa và quy định L/C là hoạt động cấp tín dụng bên cạnh là một trong những dịch vụ thanh toán. Theo đó, tại khoản 36 điều 4 Luật các TCTD 2024 quy định “thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng”. Ngoài ra, L/C được quy định là một trong những dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Như vậy, L/C vừa là hoạt động cấp tín dụng và vừa là dịch vụ thanh toán đã được luật hóa bởi Luật các TCTD 2024 có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2024.

Bản chất tín dụng của L/C

Vậy L/C là dịch vụ thanh toán; hay hoạt động cấp tín dụng; hay vừa là hoạt động cấp tín dụng và vừa là dịch vụ thanh toán?

Theo điều 1 UCP 600 “Thư tín dụng là cam kết của ngân hàng phát hành (ngân hàng phục vụ bên mua) về việc thanh toán một khoản tiền nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định cho bên thụ hưởng (bên bán) với điều kiện bên thụ hưởng xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ đúng theo quy định trong thư tín dụng”.

Như vậy, thay vì bên mua cam kết sẽ thanh toán cho bên bán “một khoản tiền nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định” – một dạng “tín dụng thương mại” – sau khi mua hàng hóa thì ngân hàng phát hành sẽ cam kết thanh toán cho bên bán sau khi có đề nghị cung cấp nghiệp vụ phát hành L/C của bên mua.

Theo cách hiểu này, bằng việc ngân hàng phát hành L/C cho bên bán đã phát sinh tín dụng ngân hàng chỉ giữa ngân hàng phát hành và bên bán thay cho tín dụng thương mại giữa bên mua và bên bán (mặc dù đây không phải cách hiểu chuẩn về L/C). Tuy nhiên, xét ở góc độ này thì có thể thấy L/C chưa có thuộc tính tín dụng của ngân hàng phát hành cấp cho bên mua.

Ở góc nhìn khác, có một số ý kiến cho rằng L/C là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế. Nhận định như vậy, theo người viết, chưa sát với bản chất của L/C nói chung, ngoại trừ L/C dự phòng (Standby L/C), tuy cũng mang tên gọi L/C song vốn có bản chất là bảo lãnh ngân hàng.

Theo khoản 18 điều 4 Luật các TCTD 2010 “Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng, theo đó tổ chức tín dụng cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc tổ chức tín dụng sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho khách hàng khi khách hàng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết;…”. Cũng theo Luật các TCTD 2010, đối với bảo lãnh thanh toán, ngân hàng sẽ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho khách hàng khi khách hàng không thanh toán hoặc không thanh toán đầy đủ như cam kết đã được thỏa thuận giữa khách hàng và bên nhận bảo lãnh. Trong khi đó, đối với L/C, theo quy định của UCP 600, L/C riêng biệt và độc lập với hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa bên bán và bên mua, và ngân hàng thanh toán thay cho khách hàng chỉ căn cứ vào bộ chứng từ hợp lệ có phù hợp với L/C hay không. Đây là hai trong các lý do cho thấy bảo lãnh thanh toán quốc tế và L/C là hai nghiệp vụ khác nhau.

Do đó, ý kiến cho rằng L/C là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế có thể là chưa phù hợp với bản chất vốn có của L/C.

Theo UCP, L/C chính là cam kết của ngân hàng phát hành sẽ thanh toán cho bên mua khi bên bán xuất trình bộ chứng từ đầy đủ và phù hợp với quy định của L/C. Nếu xét theo nghĩa rộng của khái niệm này cùng với quy trình và các nghiệp vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng trước khi phát hành L/C thì có thể thấy L/C là hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng tương tự như bảo lãnh ngân hàng. Theo UCP, các nghiệp vụ liên quan đến L/C do các ngân hàng cung cấp cho khách hàng bao gồm nhiều loại nghiệp vụ khác nhau và được phân loại thành hai nhóm: (i) Nhóm nghiệp vụ có tính chất tín dụng bao gồm nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán và hoàn trả L/C; (ii) Nhóm nghiệp vụ không có tín chất tín dụng bao gồm các dịch vụ khác ngoài các nghiệp vụ nêu trên như thông báo L/C và một số hoạt động khác (không cam kết thanh toán).

Trong nghiệp vụ L/C hiện được các ngân hàng đã và đang thực hiện, ngân hàng phát hành L/C cho bên thụ hưởng theo nguyên tắc có hoàn trả, cụ thể là khách hàng (bên mua) có đề nghị phát hành L/C phải thanh toán cho ngân hàng theo đúng thỏa thuận phát hành L/C giữa khách hàng và ngân hàng. Trên thực tế, theo quy trình phát hành L/C của các ngân hàng, để được ngân hàng phát hành L/C, khách hàng phải có đề nghị phát hành L/C kèm theo tài liệu, hồ sơ liên quan như hợp đồng mua bán hàng hóa… để ngân hàng thẩm định bao gồm cả nguồn thanh toán L/C. Hiện có nhiều loại L/C như L/C trả ngay (Sight payment L/C), L/C cam kết trả chậm (Deferred payment L/C), L/C chấp nhận (Acceptance L/C), L/C không hủy ngang (Irrevocable L/C), L/C hủy ngang (Revocable L/C)…

Về nghĩa vụ thanh toán của khách hàng đối với ngân hàng sau khi thanh toán L/C, trường hợp giữa khách hàng và ngân hàng không có thỏa thuận cho phép ngân hàng trích nợ tự động trên tài khoản thanh toán của khách hàng để thanh toán L/C hoặc có thỏa thuận này nhưng số dư trên tài khoản thanh toán của khách hàng không đủ để thanh toán L/C, ngân hàng sẽ thực hiện nghiệp vụ cho vay bắt buộc đối với khách hàng theo thỏa thuận vay đã ký trước khi phát hành L/C. Vì phát hành L/C có chứa rủi ro cho hoạt động của ngân hàng, đặc biệt khi phải cho vay bắt buộc nên hoạt động L/C được liệt kê vào một trong những hoạt động phải quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn như tại Thông tư 22.

Theo khoản 4 điều 4 Luật các TCTD 2024 “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả…”. Do đó, việc quy định L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán (tùy theo nghiệp vụ L/C) không chỉ phù hợp với bản chất của L/C mà còn phù hợp với các nghiệp vụ liên quan đến L/C mà các ngân hàng đã, đang cung cấp cho khách hàng vốn đã định hình từ rất lâu theo UCP (hiện là UCP 600) – tập quán thương mại quốc tế đã được pháp luật Việt Nam công nhận và được tất cả các ngân hàng tại Việt Nam tham chiếu và áp dụng.

(*) Luật sư thành viên của Công ty Luật Bross & Partners

LS. Nguyễn Huy Hoàng(*)

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ban-chat-tin-dung-cua-thu-tin-dung/