Ban Chỉ đạo CCHC, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024

Chiều 30/1, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác CCHC năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; đánh giá tình hình, kết quả 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 và tổng kết công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh dự và chủ trì hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo CCHC tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Sở Xây dựng; các thành viên 2 Ban chỉ đạo tỉnh; thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; lãnh đạo một số đơn vị, doanh nghiệp...

Năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành CCHC được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo CCHC tỉnh chú trọng, tập trung, chỉ đạo thực hiện, phát huy trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai toàn diện, hiệu quả 6 nội dung CCHC đã có tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm 2023, các Sở, ban, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh cắt giảm được 2 bước thực hiện trên 1.859 quy trình nội bộ giải quyết TTHC và 464 giờ tương ứng với 58 ngày làm việc; tổng số thủ tục hành chính (TTHC) đang thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.859 TTHC, trong đó 100% TTHC do Trung ương quy định. Từ ngày 1/1/2023 đến 31/12/2023, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 514.329 hồ sơ; trong đó 361.242 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, đạt 70,23%; tổng số hồ sơ giải quyết của dịch vụ công trực tuyến toán trình: 305.497 hồ sơ, trong đó số hồ sơ giải quyết trực tuyến: 266.693 hồ sơ, đạt 87,3%...

Năm 2023, việc triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2030 được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết, tổ chức hội nghị triển khai công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch thực hiện và Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành báo cáo Bộ Nội vụ về phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025, đăng ký thời gian trình hồ sơ Đề án trước ngày 30/6/2024.

Sơ kết 2 năm triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành 9/10 nhiệm vụ được giao; đã thực hiện 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Toàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán học phí không dùng tiền mặt, 98,7% cơ sở giáo dục công lập thực hiện thanh toán các khoản dịch vụ giáo dục không dùng tiền mặt; hoàn thành cấp 100% thẻ CCCD gắn chíp cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh, cấp gần 700 nghìn tài khoản định danh điện tử cho người dân, vượt 17,4% chỉ tiêu do Bộ Công an giao. Ninh Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kết nối Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Theo Báo cáo công tác phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024: Hạ tầng mạng viễn thông và kỹ thuật công nghệ thông tin, hệ thống nền tảng của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số và chuyển đổi số. Các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh; sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn được triển khai, ứng dụng hiệu quả; định danh và xác thực điện tử (VN-eID) được Công an tỉnh triển khai, hiện đã cấp khoảng 181.567 tài khoản cho công dân. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã cấp được gần 12.000 tài khoản cho người dân, doanh nghiệp để sử dụng, khai thác Kho dữ liệu; đã kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết TTHC từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC quốc gia. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành hiện có 11.063 tài khoản người dùng, trên hệ thống ghi nhận có trên 11 triệu lượt văn bản luân chuyển; tỷ lệ văn bản thực hiện ký số, luân chuyển trên Hệ thống: Cấp tỉnh 96,34%; Cấp huyện: 94.86%; Cấp xã: 95,8%. Hệ thống thông tin báo cáo được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước ở cả 3 cấp với 750 tài khoản người dùng và liên thông với hệ thống thông tin báo cáo của Văn phòng Chính phủ. Hệ thống Hội nghị trực tuyến duy trì hoạt động ổn định với 164 điểm cầu tại 3 cấp. Hệ thống họp không giấy tờ (Ecabinet) đã triển khai đến các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp 1.305 tài khoản người dùng và tổ chức tập huấn cho 1.164 cán bộ, công chức, viên chức. Hệ thống thư điện tử công vụ với 10.874 tài khoản, đạt tỷ lệ 96% sử dụng thường xuyên. 100% cơ quan nhà nước được cấp chữ số chuyên dùng với 5.208 chứng thư… Ninh Bình là một trong các địa phương sớm triển khai thực hiện đảm bảo an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp và hoàn thành kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Đảm bảo an toàn thông tin phục vụ kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư theo chuẩn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Chuyển đổi số, CCHC và thực hiện Đề án 06 là những chủ trương quan trọng được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian vừa qua, cùng sự quyết tâm của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của từng sở, ngành, địa phương, nhất là của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó công tác CCHC, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của tỉnh trong năm 2023 đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH, nâng cao sự hài lòng, tin tưởng của người dân và doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, mang lại hiệu quả, hiệu ứng tốt, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý một số vấn đề cần quan tâm, trong đó từng huyện, thành phố, từng ngành phải xác định được công việc cụ thể, làm việc nào tập trung dứt điểm việc ấy, trong quá trình thực hiện phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả; Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường hướng dẫn về trình tự thủ tục, định mức, đảm bảo đồng bộ hóa các sản phẩm để nâng cao hiệu quả.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, ngoài các nội dung đã nêu trong các dự thảo báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế để xác định các giải pháp trên từng lĩnh vực. Trong đó, đối với công tác chuyển đổi số phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đào tạo bồi dưỡng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ trong cơ quan, đơn vị để mỗi cán bộ phải là những người thực hiện nhiệm vụ này và thực hiện tốt theo tinh thần là người ứng dụng chứ không phải người lập trình, thiết kế.

Trong CCHC, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất để cùng quyết tâm, cùng trao đổi, chia sẻ tìm ra cách làm hiệu quả, khả thi và tham mưu có trách nhiệm với nội dung ngành, lĩnh vực phụ trách, tiếp tục triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, các nội dung có liên quan, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đối với thực hiện Đề án 06, đồng chí đề nghị tiếp tục đầu tư nâng cấp đảm bảo hạ tầng công nghệ, nguồn lực; các đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu, chủ trì phối hợp tổ chức nghiên cứu cách thức thực hiện đảm bảo đồng bộ, đồng loạt và tương thích, trong đó lựa chọn một việc phù hợp để đầu tư toàn tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử để phục vụ cho phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là một số ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, mang lại hiệu quả ngay như ngân hàng, viễn thông, y tế, giáo dục… Qua đó thúc đẩy việc thực hiện Đề án 06 và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại hội nghị, 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2023; 3 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án 06, phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an ninh mạng.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Quang Thìn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bùi Diệu-Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ban-chi-dao-cchc-ban-chi-dao-chuyen-doi-so-tinh-trien-khai/d2024013016393996.htm