Bán lẻ xăng dầu lo quay lại thời kỳ chiết khấu 0 đồng, càng bán càng lỗ

Theo nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, chiết khấu đang giảm một nửa so với thời kỳ 'hoàng kim' là hơn 1.000 đồng/lít. Các doanh nghiệp lo lắng, nếu đà giảm tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sẽ trở lại chiết khấu 0 đồng như nhiều tháng trong năm 2022.

Phủ nhận thông tin nguồn cung xăng khan hiếm trong những ngày gần đây, song ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội) cho biết, chiết khấu ở mức thấp. Cụ thể, chiết khấu tại các kho ở Hải Phòng dao động ở mức 600 đồng/lít, Hà Nội là 400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí vận chuyển).

Chiết khấu giảm mạnh

“Với mức chiết khấu trên, sau khi trừ đi chi phí vận chuyển, bán mỗi lít xăng dầu, doanh nghiệp chỉ còn khoảng 300 đồng/lít, chưa đủ bù đắp chi phí hoạt động, bởi mức hòa vốn là 700 đồng”, ông Tiu cho biết.

Doanh nghiệp bán lẻ lại than chiết khấu xăng dầu giảm mạnh, nguy cơ thua lỗ kéo dài.

Doanh nghiệp bán lẻ lại than chiết khấu xăng dầu giảm mạnh, nguy cơ thua lỗ kéo dài.

Về nguyên nhân khiến chiết khấu xăng dầu giảm mạnh trong những ngày qua, ông Tiu cho biết có lẽ do ảnh hưởng của giá thế giới, xung đột chính trị, ngoại tệ biến động mạnh… “Nói chung kinh doanh xăng dầu khó vô cùng, giá thế giới tụt xuống thì chiết khấu tăng, nhưng nếu giá tăng thì chiết khấu sẽ xuống thấp”, vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ tới VnBusiness.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ ở khu vực miền Bắc, từ sau kỳ điều hành giá ngày 2/10, mức chiết khấu các mặt hàng xăng dầu đã có sự biến động mạnh. Đến sau ngày 11/10, mức chiết khấu “lao dốc” không phanh và nhanh chóng chỉ còn quanh mức 300 – 500 đồng/lít, khiến doanh nghiệp bị lỗ nặng nếu tính cả chi phí vận chuyển, vận hành cây xăng.

Theo thông tin ngày 24/10, tại kho Nhà Bè, một đầu mối xăng dầu đưa ra mức chiết khấu với dầu DO là 1.350 đồng/lít, trong khi xăng A95 chỉ ở mức 300 đồng/lít. Với mức giá trên, doanh nghiệp bán lẻ cho hay càng bán càng lỗ.

Thực tế, vấn đề chiết khấu đã là chủ đề gây tranh cãi, bàn luận trong suốt thời gian qua, nhưng các doanh nghiệp cho rằng đến nay chưa có giải pháp căn cơ.

Theo phản ánh của một số đại lý xăng dầu, có một số thời điểm thiếu hụt nguồn cung, giá xăng dầu trên thị trường biến động khó lường, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối giao hàng cho các đại lý với mức thù lao chiết khấu không đủ trang trải các chi phí kinh doanh, thậm chí còn bị thua lỗ khi các chi phí này biến động tăng. Nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu kiến nghị cần quy định rõ mức chiết khấu trong công thức giá xăng dầu cơ sở.

Tuy nhiên, về vấn đề này, Bộ Công Thương dẫn quy định tại Thông tư 104/2021/TT-BTC: "Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là khoản chi phí tổng hợp tối đa chỉ có giá trị để tính giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Khoản chi phí kinh doanh xăng dầu định mức là chi phí lưu thông xăng dầu trong nước (chi phí bán buôn, chi phí bán lẻ ở nhiệt độ thực tế) của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (đã bao gồm chi phí dành cho thương nhân phân phối, thương nhân nhượng quyền bán lẻ, tổng đại lý, đại lý xăng dầu)".

"Như vậy, mức chiết khấu cho đầy đủ các đối tượng có liên quan khi tham gia vào chuỗi cung ứng xăng dầu đã được tính trong chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Mức chiết khấu do các doanh nghiệp tự thỏa thuận. Chiết khấu cũng là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các thương nhân để mở rộng thị phần của mình", Bộ Công Thương cho biết.

Do đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh, sẽ không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể tại công thức tính giá cơ sở xăng dầu. “Nếu Nghị định cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được mua nhiều nguồn; điều chỉnh thời gian rà soát, công bố các chi phí giảm từ 6 tháng xuống 3 tháng; rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày thì vấn đề chiết khấu cơ bản sẽ được giải quyết”, Bộ Công Thương cho biết.

Vẫn khó quy định “cứng” mức chiết khấu

Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, Nghị định mới cần công khai tỷ lệ các khâu được nhận trong chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức mà Thông tư 104 của Bộ Tài chính quy định. Việc dự thảo Nghị định vẫn để cho các khâu tự thỏa thuận dẫn đến chính sách xăng dầu chỉ có lợi cho một phía là các doanh nghiệp đầu mối.

Cụ thể, Thông tư 104/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính cần có hướng dẫn chi tiết các cấu kiện cấu thành giá cơ sở nhưng căn bản không công khai rõ ràng tỷ lệ, do đó mới có tình trạng doanh nghiệp bán lẻ bị cắt chiết khấu, áp chiết khấu 0 đồng kéo dài trong năm 2022.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Tiu cho rằng, dù rất mong muốn quy định rõ tỷ lệ nhưng thực tế là khó khả thi, khi mà giá bán lẻ xăng dầu vẫn do Nhà nước quản lý. Nhà nước vẫn chưa trao quyền định giá cho doanh nghiệp, bởi vậy tính gì thì tính vẫn không vượt qua được quy định của Nhà nước, trừ khi theo cơ chế thị trường giá lên thì bán lẻ lên, giá xuống thì giá bán lẻ xuống.

“Một khi Nhà nước còn khống chế giá bán lẻ, giá vốn ngang bằng giá bán lẻ thì lấy đâu “chia” theo tỷ lệ”, ông Tiu nói.

Thời gian qua, nhiều ý kiến cũng tranh cãi về việc Nhà nước có nên định giá xăng dầu bằng công thức tính phức tạp như hiện nay hay để thị trường quyết định cũng được đặt ra. Song Bộ Công Thương mới đây đã đề nghị chọn phương án 1 là giữ nguyên công thức giá cơ sở như quy định hiện hành thay vì phương án 2 là sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s Singapore), các loại thuế, mức trích lập, chi sử dụng quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Khi đề xuất 2 phương án trên, Bộ Công Thương cho biết, đã 2 lần xin ý kiến các Bộ, ngành về phương án giá (tháng 1/2023, 7/2023). Sau 2 lần lấy ý kiến, đến nay đã có 6 Bộ lựa chọn phương án 1 bao gồm: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ TT&TTT, Bộ Công Thương. 4 Bộ lựa chọn phương án 2: Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, Bộ TN&MT, Bộ VH-TT&DL; 10 bộ, ngành không có ý kiến vụ thể về lựa chọn phương án.

Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án giữ nguyên công thức giá cơ sở như hiện nay là nguồn lực thực hiện phương án này không thay đổi, tiếp tục kế thừa những điểm tích cực của cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay, đảm bảo tính khả thi khi triển khai. Nhà nước vẫn tiếp tục quản lý giá xăng dầu thông qua công cụ công bố giá trần để đảm bảo kiểm soát mặt bằng giá các mặt hàng xăng dầu; góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng thời kỳ…

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/ban-le-xang-dau-lo-quay-lai-thoi-ky-chiet-khau-0-dong-cang-ban-cang-lo-1096140.html