Bản mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bản mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 6/5/1954 là mệnh lệnh tổng công kích đợt cuối quyết định thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Hình ảnh bức mệnh lệnh ngày 6/5/1954 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lưu giữ, trưng bày tại Nhà lưu niệm Đại tướng, trong di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.

Bản mệnh lệnh được viết tay trên tờ giấy bản cũ, dù qua nhiều năm, song vẫn được giữ gìn, với nét chữ rõ ràng, lệnh chỉ huy ngắn gọn của vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nội dung bức mệnh lệnh là:

“1. Thời gian quyết định đúng 8 giờ 30, không được chậm.

2. Đến 8 giờ rưỡi thì:

a/ Đồi A1 bộc phá.

b/ Pháo và H6 bắn tập kích lần thứ nhất.

c/ Bộ binh các hướng đều xung phong.

d/ Hàng Cung lập tức chế áp pháo địch.

3. Các nơi phải lấy giờ cho đúng.

8 giờ 15.

Ngọc.”

Tôi đã tìm hiểu nhiều tư liệu lịch sử để giải mã một số thông tin mật mã ghi trong bản mệnh lệnh này. Theo đó, H6 là mật danh của hỏa tiễn 6 nòng; Hàng Cung là chỉ tên địa danh Hồng Cúm; còn chữ ký Ngọc là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch.

Ngay chiều tối ngày 6/5/1954, lực lượng cơ yếu đã sử dụng kỹ thuật mật mã để mã hóa và truyền đi bức điện của Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo mệnh lệnh này, các lực lượng cho nổ khối bộc phá trên đồi A1 vào đúng 8 giờ 30 tối ngày 6/5/1954, làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận. Nhưng khi bộc phá nổ lại chỉ phát ra tiếng nổ trầm đục, không đủ lớn để làm hiệu lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, nên lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận đành chuyển sang ngày 7/5/1954. Và sức nổ mạnh của khối bộc phá đã phá hủy những lô cốt chiến hào xung quanh và một phần đại đội dù số 2 của Pháp bị hao tổn lực lượng, khiến chúng choáng váng.

Trong các tư liệu lịch sử chúng tôi tìm hiểu đều khẳng định, bức mệnh lệnh với những lời lẽ ngắn gọn, súc tích đã thể hiện quyết tâm kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy anh dũng và tự hào của quân và dân ta. Đồng thời, báo hiệu một trang sử mới đầy hào hùng của dân tộc. Bản mệnh lệnh cũng khẳng định một hướng đi đúng đắn và sự lớn mạnh của Đảng, lực lượng vũ trang và dân tộc Việt Nam sau gần mười năm giành độc lập. Để ngay ngày hôm sau, tại khu đồi A1, sau khi cho nổ 1 tấn bộc phá tiêu diệt hầm ngầm địch, bộ đội ta theo các đường hào, chia làm nhiều mũi đánh lên đỉnh đồi. Đến đúng 17 giờ 30 phút, ngày 7/5/1954, Tướng Đờ-Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống.

Theo tư liệu của Ban cơ yếu Chính phủ: Đúng 19 giờ, ngày 7/5/1954, trực tiếp đồng chí Nguyễn Hữu Thuận, Tổ trưởng tổ Cơ yếu, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mã hóa và chuyển bức điện của Tư lệnh Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung: "17 giờ 30 phút ngày 7-5, ta đã tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng”.

Trước đó, chiều ngày 7-5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho Ban Tuyên huấn thảo gấp một bản thông cáo đặc biệt của Bộ Tổng Tư lệnh, sau đó trực tiếp Đại tướng sửa chữa, duyệt nội dung và chuyển ngay về Đài tiếng nói Việt Nam phát đi ngay trong đêm để ngày hôm sau, tin chiến thắng Điện Biên Phủ bay nhanh tới mọi miền đất nước và toàn thế giới.

Các du khách tham quan, nghe thuyết minh về khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).

Có mặt tại khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chăm chú quan sát các hình ảnh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt là bản mệnh lệnh của Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 6/5/1954, ông Bùi Văn Ba, ở phường Phố Cò (TP. Sông Công) cho biết: Chúng tôi thấy rất tự hào về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một chiến thắng được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX. Chiến thắng này ghi tạc công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiên tài quân sự Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Thế Thường, ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sau khi tham quan tại khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp có chia sẻ với chúng tôi: Chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng quân sự kiệt xuất và giàu bản lĩnh. Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” là một “Quyết định lịch sử” của Đại tướng, giúp dân tộc Việt Nam đánh bại thực dân Pháp xâm lược. Và mệnh lệnh của Đại tướng về cuộc tổng công kích đợt cuối quyết định thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đã đi vào lịch sử dân tộc.

Sau này, trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, ngày 7/4/1975, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng đã ban hành mệnh lệnh đi vào lịch sử với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phúc xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”. Kèm theo mệnh lệnh là lời chúc quyết chiến và toàn thắng, yêu cầu mệnh lệnh cần phổ biến tức khắc đến cán bộ, đảng viên và chiến sĩ. Để rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau chiến thắng ấy, cả nước ta đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-moi/202404/ban-menh-lenh-cua-dai-tuong-vo-nguyen-giap-trong-chien-dich-dien-bien-phu-39826e0/