Bản tình ca bên bờ vĩ tuyến 17

Đằng đẵng 18 năm, ông đứng bên bờ Bắc ngóng về bờ Nam, vời vợi thương nhớ vợ con. Nỗi lòng của người lính gác đèn biển bên dòng Bến Hải năm nào từng được nhạc sĩ Hoàng Hiệp chuyển tải thành bài ca 'Câu hò bên bờ Hiền Lương'. Bóng dáng cố người lính trong bài ca bất hủ ấy là Phan Văn Đồng (xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị)...

Bà Hoa, con ông Đồng bên gia đình hiện tại.

Bà Hoa, con ông Đồng bên gia đình hiện tại.

Nhận mặt con sau 18 năm

Vĩ tuyến 17 sau Hiệp định Geneve trở thành ranh giới ngăn cách hai miền Nam - Bắc. Nỗi đau chia cắt “bên ni, bên nớ” tại dòng Bến Hải như lát cứa lòng bao người con đôi bờ giới tuyến. Năm 1954, ông Phan Văn Đồng nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ tại Trạm hải đăng Cửa Tùng, canh giữ tín hiệu đèn biển, sợi dây liên lạc của quân ta từ đảo Cồn Cỏ. Ngày đi, vợ ông là bà Khổng Thị Nậy đang mang bầu đứa con thứ ba. Sáu tháng sau, cô bé Phan Thị Hoa cất tiếng khóc chào đời trong một căn hầm bí mật. Dù chỉ cách một con sông, nhưng vì nhiệm vụ mà suốt 18 năm, ông Đồng không thể trở về Gio Hải để gặp vợ con.

Bên này sông, bà Nậy một nách vừa nuôi 3 đứa con, vừa tham gia hoạt động cách mạng bí mật. Gánh cá trên vai, bà đi khắp cồn cát các thôn trong vùng để dò la tình hình địch, quan sát tàu chiến Mỹ ra vào Cửa Việt… Là Bí thư Đảng ủy xã Gio Hải, nhiều lần bà Nậy bị địch bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng bà nhất quyết không khai một tiếng. Lớn lên, người con gái Phan Thị Hoa cũng sớm được bà hướng dẫn làm liên lạc để đưa tin cho cách mạng. “Tui với đứa bạn được mẹ tui luồn giấy ghi thông tin vô tà áo hoặc lấy chiếc kẹp dắt găm vào mái tóc dày. Hai đứa cứ vờ cầm rổ đi hái rau dọc bờ ruộng, rồi đi tới các thôn hoặc qua tận xã khác để đưa tin cho kháng chiến”, bà Hoa kể lại. Những lúc nhớ chồng, đợi đêm xuống, bà Nậy lại lần dò ra bãi phi lao bên bờ Nam sông Bến Hải nhìn về phía ngọn đèn biển, nơi chồng đang làm nhiệm vụ. Ở bên kia, ông Đồng cũng cứ mỗi sớm mai đứng lặng nhìn về bãi biển bờ Nam, mường tượng ra hình bóng người vợ tất tả gánh cá bước đi trên dải cát nóng.

Năm 1970, bà Nậy hy sinh trong một trận dội bom ác liệt của địch. Rồi người con trai cả Phan Đình An làm Xã đội trưởng cũng anh dũng ngã xuống. Cô bé Hoa trở thành thiếu nữ, một mực xin vào du kích xã. Cuối năm 1972, trong một lần vượt sông Bến Hải sang xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Linh) ở bờ Bắc làm nhiệm vụ, Hoa bất ngờ gặp lại cha. “Lúc đó, tui đang đứng cùng các đồng đội thì một người đàn ông từ xa tiến lại nhìn tui rất lâu rồi hỏi “Con có phải tên Hoa không?”. Chân tóc tui như dựng đứng, ngạc nhiên vì tự nhiên có người lạ gọi đúng tên mình. Tui gật đầu, thì người đàn ông lao tới ôm chầm lấy tui, thổn thức “Cha đây con!” Tui vừa tủi, vừa thương, vừa mừng! Đó là lần đầu tiên trong suốt 18 năm đằng đẵng tui được nhìn mặt cha mình”’, vừa kể, bà Hoa vừa đưa tay gạt nước mắt.

Hải đăng cửa Tùng, nơi ông Phan Văn Đồng từng làm nhiệm vụ.

Hải đăng cửa Tùng, nơi ông Phan Văn Đồng từng làm nhiệm vụ.

Nguyên mẫu một bài ca bất hủ

Hòa bình lập lại, ông Phan Văn Đồng ở lại với Cửa Tùng. Con ông, bà Hoa lập gia đình, dựng căn nhà nhỏ ở khóm Hòa Lý (thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh) đón cha về ở chung. Cuộc sống êm đềm, hạnh phúc của hai cha con phần nào bù đắp lại những năm tháng cách xa. Năm 2007, người lính gác đèn biển Phan Văn Đồng về với miền thiên cổ.

Tháng 4-2023 bên bờ sông Bến Hải, nắng vàng như rót mật. Hôm gặp chúng tôi, bà Hoa tay cầm theo chiếc nón trắng tản bộ ra ngọn hải đăng bên bờ biển Cửa Tùng. Tiếng sóng biển vỗ xen lẫn tiếng gió lùa rặng phi lao rì rào. Đứng trên đỉnh ngọn đèn biển, đôi mắt bà đăm chiêu hướng về phía đảo Cồn Cỏ rồi quay một vòng nhìn về Nam bờ sông, quê gốc bà sinh ra.

Cũng những ngày tháng 4 lịch sử này, cả vùng đất Vĩnh Linh, Gio Linh dọc theo bờ sông Bến Hải không khí luôn đặc biệt. Nhà nhà, người người háo hức chuẩn bị cho cái Tết Độc lập. Nhiều lắm người con xa xứ đều cố gắng về quê dịp này để sum họp, cùng nhau ôn lại những tháng năm chia cắt. Và bài ca “Câu hò bên bờ Hiền Lương” lại ngân vang trong mỗi xóm làng. Bà Hoa bảo “khi còn sống, mỗi lúc nhớ mẹ thì cha tôi thường hay mở bài hát ấy, nghe đi nghe lại nhiều lần”.

Bà Hoa kể, ngày được giao làm nhân viên Trạm hải đăng Cửa Tùng, năm 1956, ông Đồng gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong một lần nhạc sĩ đi thực tế về vĩ tuyến 17. Câu chuyện về nỗi nhớ vợ con của người lính mà ông Đồng nén trong lòng mấy mươi năm đã trở thành niềm cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nên ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã có lần trở lại Cửa Tùng tìm gặp ông Đồng và gia đình. Nhạc sĩ nói, bài ca ấy phát trên loa truyền thanh được nhiều người yêu thích và ủng hộ. Bài hát nói lên bao nỗi lòng “bên ni, bên nớ” cũng được Bác Hồ khen ngợi. “Khi ấy, cha Đồng của tôi mới nhận ra, chính cuộc trò chuyện của mình năm xưa đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác nên bài ca, dù trước đó, mỗi lần cha tui nghe bài hát, ông vẫn hình dung các ca từ ấy nói hộ nỗi lòng mình”, bà Hoa nói.

Dù cha mẹ đã đi xa, bà Hoa vẫn sống cùng gia đình ở Cửa Tùng. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, bà Hoa đều dành trọn ngày nghỉ để trở về Gio Hải, thắp nén nhang tưởng nhớ cha mẹ và anh trai rồi lặng lẽ tản bộ lên ngọn hải đăng bên bờ biển Cửa Tùng. “Chiến tranh mang lại nhiều nỗi đau chia cắt quá, nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì đã được gặp lại cha mình. Tôi luôn tin, ở nơi xa nào đó, cha mẹ và anh trai tui vẫn luôn hướng về ngọn đèn biển bằng tình yêu thương ruột rà”, giọng bà Hoa nghèn nghẹn.

QUỲNH CHI

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/ban-tinh-ca-ben-bo-vi-tuyen-17-post279963.html