Báo động tai nạn lao động trong ngành xây dựng

Với ngành xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng, tình trạng tai nạn lao động (TNLĐ) trong quá trình sản xuất, thi công vẫn còn ở mức cao. Vì vậy, ngoài đầu tư các trang thiết bị, hướng dẫn an toàn thì ý thức người lao động là hết sức cần thiết.

Công nhân ngành xây dựng tại một dự án trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Tai nạn lao động vẫn lớn

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, giảm 324 vụ, tương ứng với 4,2% so với năm 2022. Số vụ TNLĐ này làm 7.553 người bị nạn, giảm 370 người, tương ứng với 4,7% so với năm 2022. Con số này bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

Trong số các vụ TNLĐ trên, có 662 vụ TNLĐ chết người, giảm 58 vụ tương ứng 8,06% so với năm 2022. Số người chết vì TNLĐ là 699 người, giảm 55 người tương ứng 7,29% so với năm 2022. Số người bị thương nặng do TNLĐ là 1.720 người, tăng 73 người tương ứng với 4,43% so với năm 2022.

Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, về tình hình TNLĐ năm 2023, khu vực có quan hệ lao động giảm về số người chết và số vụ TNLĐ chết người. Tuy nhiên, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tăng về số người chết và số vụ TNLĐ chết người so với năm 2022, thiệt hại về vật chất và tài sản do TNLĐ lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, tăng hơn so với năm 2022. Trong đó, thiệt hại về vật chất là hơn 16.357 tỷ đồng và thiệt hại về tài sản là hơn 722 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu năm 2024, những sự cố với người lao động vẫn thường xuyên xảy ra và gây ra những hậu quả đau lòng. Mới đây nhất là vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai xảy ra ngày 1/5 khiến 6 người tử vong.

Xa hơn nữa, ngày 15/4, tại số nhà 22 ngõ Tức Mạc (phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) chủ căn nhà thuê thợ sửa chữa mái kính tại khu vực giếng trời có diện tích 18m2. Trong quá trình sửa chữa, do phần kính bị vỡ khiến nhóm công nhân này rơi xuống làm 2 công nhân tử vong, 2 người bị thương.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại diện Bộ LĐTB&XH là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chủ ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.

Công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Cần nâng cao nhận thức

Nhận định về số liệu TNLĐ, thạc sĩ về vật liệu kết cấu Phạm Ngọc Trung cho biết, mất an toàn lao động có nguy cơ lớn đối với nhà thầu, đơn vị sản xuất vừa và nhỏ, khi các đơn vị chiếm đa số trong ngành xây dựng và vật liệu.

Họ không thể duy trì đội ngũ công nhân chuyên nghiệp số lượng lớn (do lương và bảo hiểm…) nên khi có việc sẽ thuê nhân công thời vụ - những đối tượng này rất khó quản lý và đào tạo nên trong quá trình thi công họ không tuân thủ an toàn hoặc coi thường, tắc trách, mất an toàn với cả chính họ và người khác.

Trong khi đó, với máy móc tại các DN sản xuất vật liệu xây dựng, mỗi nhà máy đều xây dựng quy trình vận hành để giữ máy móc, thiết bị vận hành ở trong trạng thái tốt và hoạt động trơn tru.

Khi có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thường có thể chứa các nguy cơ gây mất an toàn cho người vận hành cũng như cho tất cả người đang hoạt động trong khu vực có máy móc, thiết bị đang cần bảo dưỡng, sữa chữa.

Các nguồn năng lượng gây mất an toàn, nguy hiểm ảnh hưởng đến người lao động có thể kể đến như hệ thống điện, hệ thống thủy lực, hệ thống cơ khí, hệ thống nhiệt.

"Điều quan trọng nhất ngay sau khi thành lập phương án bảo trì khi máy móc có dấu hiệu hư hỏng hay sửa chữa định kỳ là yêu cầu tắt nguồn cô lập các thiết bị hoặc máy móc có liên quan nhằm xác định các mối nguy về năng lượng, "xả" hết các nguồn điện tích trữ, hóa chất tồn dư, khí gas..." - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho biết.

Còn với Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, về bảo vệ người lao động cũng như bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, hệ thống pháp luật Việt Nam cơ bản với các quy chuẩn, nghị định, thông tư qua Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, bộ luật Lao động 2019... gần như đã đầy đủ.

Tuy nhiên, yếu tố nhân lực, con người cần phải được xem xét, trau dồi thường xuyên về bảo đảm an toàn khi đang sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các chủ DN vẫn còn tình trạng không quan tâm, xuề xòa với an toàn của người lao động như ít kiểm tra, yêu cầu về trang phục bảo hộ, không thường xuyên tập huấn quy trình khi xảy ra sự cố...

"TNLĐ không chỉ gây hậu quả về người mà còn để lại nỗi đau không nguôi cho người thân. Do đó, nhận thức từ chủ DN và người lao động cần được nâng cao, tạo một môi trường an toàn. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhân lực chất lượng cao để vận hành máy móc, thiết bị chuyên dụng" - Luật sư Bùi Quang Thu nhìn nhận.

Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2023 gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.

Thành Luân - Hồng Minh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bao-dong-tai-nan-lao-dong-trong-nganh-xay-dung.html