Bão Goni tiến nhanh vào Biển Ðông

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hồi 19 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão Goni ở khoảng 13,7 độ vĩ bắc; 120,5 độ kinh đông, trên khu vực phía nam đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, hồi 19 giờ ngày 1-11, vị trí tâm bão Goni ở khoảng 13,7 độ vĩ bắc; 120,5 độ kinh đông, trên khu vực phía nam đảo Lu-dông (Phi-li-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135 km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được từ 15-20 km và đi vào Biển Ðông. Ðến 19 giờ ngày hôm nay (2-11), vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ vĩ bắc; 116,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (từ 90-100 km/giờ), giật cấp 13. Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Ðông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 115,0 đến 120,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Ðến 19 giờ ngày 3-11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ vĩ bắc; 113,2 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 210 km về phía nam đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (từ 75-100 km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được từ 10-15 km. Ðến 19 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,8 độ vĩ bắc; 110,2 độ kinh đông, trên vùng biển từ Ðà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (từ 75-100 km/giờ), giật cấp 12. Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km.

Ðể tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với bão Goni, ngày 1-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm các hộ dân bị thiệt hại, nhất là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị; đồng thời phối hợp thực hiện việc rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao. Các địa phương tập trung triển khai việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền…

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công điện gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố... về việc triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão Goni. Theo đó, nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn. Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, sáng nay (2-11), mực nước sông Cả tại Nam Ðàn ở mức 5,6 m, hơn báo động 1 khoảng 0,2m; sông La tại Linh Cảm xuống dưới mức báo động 1. Cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, nhất là tại các huyện: Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Thanh Chương, Ðô Lương, Nghi Lộc (Nghệ An); Hương Khê, Vũ Quang, Ðức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà (Hà Tĩnh); Lệ Thủy (Quảng Bình); Quảng Ðiền, Phong Ðiền (Thừa Thiên Huế). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, sạt lở đất: cấp 1.

Tại Nghệ An, mặc dù trời đã tạnh mưa nhưng nhiều huyện như Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành… vẫn bị ngập nặng. Quốc lộ 46 đoạn qua núi Nguộc huyện Thanh Chương bị cấm lưu thông do đất, đá trên ngọn núi này tiếp tục sạt lở xuống đường. Toàn bộ các xã nằm ngoài đê sông Lam tại huyện Hưng Nguyên còn bị cô lập. Tính đến sáng 1-11, huyện Hưng Nguyên có khoảng 5.000 hộ dân bị cô lập với khoảng 20.000 người. Lực lượng chức năng của huyện Hưng Nguyên đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, ứng cứu người dân bị mắc kẹt.

Tại Hà Tĩnh, tính đến chiều 1-11, còn khoảng 3.454 hộ dân bị ngập. Trong đó, Ðức Thọ 2.050 hộ, Nghi Xuân 621 hộ, thị xã Hồng Lĩnh 259 hộ, Can Lộc 520 hộ, huyện Hương Sơn bốn hộ.

Tính đến sáng 1-11, do ảnh hưởng của mưa lũ tại tỉnh Nghệ An có tám điểm trên các tuyến quốc lộ 48E, quốc lộ 7B và quốc lộ 7 còn ngập, chưa thông xe. Tỉnh Hà Tĩnh có 14 điểm trên các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 15, quốc lộ 8C, quốc lộ 281 còn ngập, chưa thông xe.

Tính đến 17 giờ ngày 1-11, bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm 30 người chết (Quảng Nam 23 người, Gia Lai 1, Ðắk Lắk 1, Nghệ An 5); 50 người mất tích (Nghệ An 2, Quảng Nam 24 , Bình Ðịnh 23, Kon Tum 1); 134 người bị thương (Nghệ An 3, Quảng Trị 3, Thừa Thiên Huế 14, Ðà Nẵng 6, Quảng Nam 81, Quảng Ngãi 13, Bình Ðịnh 12, Kon Tum 1, Gia Lai 1). Bên cạnh đó, có 93,6 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 745.566 m3 khối lượng đất đá sạt lở, bồi lấp; 85 cầu bị hư hỏng.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, hiện nay bộ phận không khí lạnh ở phía bắc đang di chuyển xuống phía nam. Dự báo, hôm nay (2-11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác. Các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 18-210C, vùng núi có nơi dưới 180C. Trời tiếp tục lạnh về đêm và sáng.

Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Hòa Bình, từ ngày 28 đến 30-10 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to trên diện rộng. Tại khu vực tái định cư xóm Vòng, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn xuất hiện vết nứt tại chân đồi cao khoảng 30 m, rộng khoảng 25 m với khối lượng đất nguy cơ sạt lở khoảng 45.000 m3, ảnh hưởng đến 24 hộ dân. Ngay sau khi nhận được thông tin, huyện đã phối hợp Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh kiểm tra hiện trường và thực hiện gấp phương án triển khai di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện 106 nhân khẩu của 24 hộ dân được sơ tán đến nơi ở an toàn.

PV và CTV

Nỗ lực tìm kiếm người mất tích, chuyển hàng cứu trợ cho các xã bị cô lập

Sáng 1-11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã điều động đội tìm kiếm cứu nạn và ca-nô khẩn trương lên đường tham gia tìm kiếm người mất tích trong vụ sạt lở núi tại xã Trà Leng, Nam Trà My. Trong ngày 31-10, dù lực lượng chức năng và đội chó nghiệp vụ đã tích cực tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy thêm nạn nhân. Hiện vẫn còn 14 người mất tích trong vụ sạt lở núi ở thôn 1, xã Trà Leng.

Ngày 1-11, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức vận chuyển lương thực, thực phẩm lên hai xã Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Theo đó, cơ quan chức năng đã huy động khoảng 500 cán bộ, chiến sĩ là bộ đội thường trực, lực lượng dân quân cơ động, lực lượng biên phòng và thanh niên các xã vùng cao khẩn trương vận chuyển bằng đường bộ khoảng bốn tấn lương thực, thực phẩm gồm: gạo, mì ăn liền, nước uống, mắm, muối, mì chính lên hỗ trợ cứu đói cho các hộ dân tại hai xã Phước Thành và Phước Lộc. Cũng trong sáng 1-11, máy bay Mi 171, Trung đoàn 930, Sư đoàn Không quân 372 thực hiện chuyến bay cứu trợ người dân đang bị cô lập tại huyện Phước Sơn. Hai tấn hàng gồm gạo, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và cơ số thuốc men được thả xuống cho bà con.

Nhiều hoạt động hỗ trợ người dân vùng thiên tai

Sáng 1-11, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ xuất quân đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh khắc phục hậu quả bão, lũ tại hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Theo đó, từ ngày 1 đến 5-11, gần 80 đoàn viên, thanh niên gồm các chuyên gia, y sĩ, bác sĩ, kỹ sư… sẽ tham gia đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh để khắc phục hậu quả bão, lũ.

Sáng 1-11, Câu lạc bộ Nhà báo nữ Bắc Giang (thuộc Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang) và các nhà hảo tâm đã trao cho Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị 300 suất nhu yếu phẩm thiết yếu, trị giá hơn 60 triệu đồng hỗ trợ người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng lũ lụt.

Ngày 1-11, Ðoàn công tác T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao cho UBND tỉnh Thừa Thiên Huế số tiền 2,1 tỷ đồng hỗ trợ khắc phục ảnh hưởng của bão lụt. Ngoài ra, đoàn còn trao 30 phần quà cho cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh gặp khó khăn do thiệt hại của mưa bão; tặng 100 suất quà cho các hộ dân nghèo tại xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, mỗi phần quà một triệu đồng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/bao-goni-tien-nhanh-vao-bien-ong-622860/