Bảo hiểm Tai nạn lao động – Bệnh nghề nghiệp: 'Điểm tựa' vững chắc cho người lao động lúc rủi ro

Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 1 trong 5 chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được quy định trong Luật BHXH nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của người lao động khi bị TNLĐ-BNN. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo 'điểm tựa' vững chắc, giúp nhiều người lao động vượt qua khó khăn.

Đại diện đoàn công tác của Sở LĐTB&XH trao quà cho anh Lương Đình Hưng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn bị tai nạn lao động nhân Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023

Đại diện đoàn công tác của Sở LĐTB&XH trao quà cho anh Lương Đình Hưng, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn bị tai nạn lao động nhân Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023

Trong những năm qua, cùng với công tác thu, chi trả chế độ BHXH, BHYT, thì chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN luôn được ngành chức năng tuyên truyền, vận động để các đơn vị sử dụng lao động, người lao động nắm bắt và tham gia. Theo thống kê, tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh có 66.389 lao động tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 20,1% lực lượng lao động trong độ tuổi trên địa bàn tỉnh.

Trên thực tế hiện nay, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều khó có thể lường trước và có khả năng đe dọa đến sức khỏe, cuộc sống của người lao động. Bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong những chính sách an sinh xã hội hữu ích giúp người lao động vượt qua những khó khăn khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc.

Theo quy định, người lao động được trợ cấp khi nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; được cấp phương tiện hỗ trợ sinh hoạt, chỉnh hình; được trợ cấp 1 lần với trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5%-30%; được trợ cấp hằng tháng khi bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên… Ngoài việc chi trả chế độ cho người lao động bị TNLĐ- BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ- BNN hằng năm còn chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ- BNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN.

Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Chế độ TNLĐ-BNN là 1 trong 5 chế độ BHXH bắt buộc được quy định trong Luật BHXH. Ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 đã thông qua và thống nhất chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN là một nội dung cụ thể tại Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Thời gian qua, số vụ TNLĐ-BNN xảy ra đối với người lao động trên địa bàn tỉnh không nhiều và những trường hợp không may gặp rủi ro đã được cơ quan BHXH hướng dẫn làm các thủ tục chi trả và hưởng chế độ TNLĐ-BNN kịp thời.

Theo thống kê, từ năm 2022 đến hết tháng 9/2023, BHXH tỉnh đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng và một lần cho 26 lao động với tổng số tiền trên 720 triệu đồng. Trong đó có trường hợp được chi trả trợ cấp một lần đến hơn 134 triệu đồng. Qua đó góp phần giải quyết được phần nào những khó khăn cho người lao động khi không may xảy ra TNLĐ-BNN.

Cùng với các chế độ trợ cấp của Nhà nước hỗ trợ cho người lao động khi không may xảy ra TNLĐ-BNN, hằng năm UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng liên quan tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên người lao động và thân nhân gia đình họ, nhất là những trường hợp TNLĐ dẫn đến tử vong.

Chị Nguyễn Thị Kiều Nga, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng chia sẻ: Năm 2022 chồng tôi bị TNLĐ dẫn tới tử vong. Gia đình đã được công ty, các cấp, ngành quan tâm hỏi thăm, động viên chia sẻ và làm các thủ tục trợ cấp, hỗ trợ. Đây là điểm tựa, nguồn động viên giúp tôi nuôi 2 con nhỏ khi lao động chính là chồng đã không còn nữa..

Có thể thấy rằng, khi tham gia các chế độ BHXH bắt buộc thì người lao động cũng không mong muốn gì để nhận các chế độ trợ cấp, nhất là dành cho đối tượng bị TNLĐ-BNN bởi có sức khỏe vẫn là mong muốn lớn nhất đối với mỗi người. Thế nhưng, khi không may gặp rủi ro, tai nạn thì chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước chính là “điểm tựa” để người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Xem tin liên quan

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/615201-bao-hiem-tai-nan-lao-dong-benh-nghe-nghiep-diem-tua-vung-chac-cho-nguoi-lao-dong-luc-rui-ro.html