Bảo Lạc nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai

Với phương châm chủ động '4 tại chỗ' trong công tác phòng tránh thiên tai, là giải pháp cụ thể của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Bảo Lạc, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra góp phần sớm ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân.

Các lực lượng và người dân xã Xuân Trường (Bảo Lạc) hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng thiên tai về ngày công.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, do ảnh hưởng của đợt hội tụ gió, mưa bão trong những ngày qua, trên địa bàn huyện xảy ra mưa to liên tục, mưa đá và gió lốc đã làm sập 5 nhà, tốc mái 1.316 nhà, hư hỏng 124 công trình khác, trong đó, 14 công trình trường học, 1 công trình y tế, 6 nhà văn hóa, 1 nhà máy gạch, 102 chuồng trại, thiệt hại khoảng 42 ha các loại cây trồng. Ước tính tổng thiệt hại trên 25 tỷ đồng.

Thiệt hại do những đợt thiên tai gây ra là hết sức nặng nề, cần rất nhiều nguồn lực, thời gian, công sức để khắc phục. Trước tình hình đó, cấp ủy và chính quyền các cấp khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng nhân dân trong huyện tập trung khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống. Với phương châm chủ động “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), trong công tác phòng tránh thiên tai, một số nhiệm vụ trọng tâm được huyện tập trung thực hiện khắc phục thiệt hại về người, hỗ trợ thuốc phòng, chữa bệnh cho người dân; đồng thời tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình có người bị chết hoặc mất tích và gia đình bị thiệt hại nặng do thiên tai.

Với mục tiêu không để người dân nào bị đói và thiếu chỗ ở, huyện chỉ đạo các địa phương chủ động, khẩn trương sử dụng nguồn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại chỗ để cứu trợ khẩn cấp cho các hộ bị thiệt hại nặng. Huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, bố trí chỗ ở tạm và có phương án tái định cư đối với những hộ gia đình bị sập đổ hoàn toàn.

Chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn, Đội xung kích Phòng, chống thiên tai cấp xã cùng các lực lượng khác tại cơ sở và nhân dân tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đồng thời, hỗ trợ các trường học, trạm y tế khắc phục, sửa chữa lại cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh, khám chữa bệnh cho người dân sau mưa, lũ.

Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bước đầu khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu (hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sạch, …) bị hư hỏng để sớm ổn định các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tiếp tục rà soát, chủ động cảnh báo, kịp thời có phương án sơ tán khẩn cấp trợ giúp người dân sống tại khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn tính mạng nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét,… để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát, đánh giá, thống kê tình hình thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác để đề xuất với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ nguồn lực khắc phục hậu quả. Tổ chức đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, phục hồi tái thiết sau các đợt thiên tai, rút kinh nghiệm cụ thể để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, trong thời gian tới.

Chuồng trại gia súc được khẩn trương được sửa chữa, tránh thiệt hại.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, thực hiện phương châm 4 tại chỗ, huyện và các lực lượng công an, quân sự, hội đoàn thể, đoàn viên thanh niên, người dân trên địa bàn hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng thiên tai. UBND huyện trích nguồn vốn dự phòng ngân sách hỗ trợ nhà bị đổ sập hoàn toàn, khắc phục hư hỏng các công trình xây dựng; MTTQ huyện trích từ Quỹ Ban cứu trợ huyện hỗ trợ 9 hộ dân bị thiệt hai nặng do mưa to gió lốc đêm ngày 20, rạng sáng ngày 21/4/2024 trên địa bàn các xã: Bảo Toàn, Cô Ba, Khánh Xuân, Thị trấn Bảo Lạc.

Đối với các hộ bị thiệt hại ít, tổ chức tuyên truyền nhân dân tự khắc phục, đối với những hộ bị thiệt hại nhiều, UBND xã trích kinh phí dự phòng ngân sách của xã hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các hộ dân. Ban chỉ huy Quân sự huyện gồm 40 chiến sỹ thường trực cùng 135 dân quân tự vệ hỗ trợ khắc phục sửa chữa 20 nhà trên địa bàn xã Xuân Trường và Thị trấn Bảo Lạc. Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 799 Quân khu 1, cử lực lượng tham gia hỗ trợ khắc phục sửa chữa nhà với 20 ngày công, động viên thăm hỏi tặng quà trị giá hơn 4 triệu đồng. UBND các xã, thị trấn tích cực chỉ đạo các lực lượng dọn vệ sinh, xử lý môi trường; động động viên, thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại nhằm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Hiện nay trên địa bàn huyện đã khắc phục sửa chữa 1.205/1.316 nhà, các hộ còn lại đang thực hiện khắc phục sửa chữa, dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2024.

Thượng tá Lương Văn Dương, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Lạc cho biết: Ngay sau khi thiên tai xảy ra cán bộ, chiến sĩ đơn vị xuống các địa phương bị thiệt hại phối hợp lực lượng dân quân xã hỗ trợ các hộ dân bị sập nhà, tốc mái di dời tài sản, nhanh chóng khảo sát chỗ ở để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Xã Hồng Trị là một trong những địa phương bị ảnh hưởng khá nặng nề của đợt mưa bão trên địa bàn xã, mưa to và gió lốc đã làm tốc mái 57 nhà, hư hỏng 1 công trình trường học, 8 chuồng trại, thiệt hại khoảng 15 ha cây trồng các loại. Giá trị thiệt hại ước tính trên 240 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tiệp cho biết: sau khi nhận được tin báo của các xóm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã chủ động phân công các thành viên có mặt tại hiện trường chỉ đạo nhân dân, khắc phục hậu quả, động viên tinh thần các gia đình, đồng thời lập biên bản xác minh mức độ thiệt hại của từng hộ. Chỉ đạo ban, ngành của xóm huy động lực lượng dân quân, các hội viên, đoàn viên và nhân dân trong xóm giúp nhau dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, cơ sở vật chất bị thiệt hại. Đến thời điểm hiện nay tất cả các hộ dân bị thiệt hại đã sửa xong nhà cửa và chuồng trại.

Những ngôi làng ở Xuân Trường (Bảo Lạc) dần bình yên trở lại.

Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành với quan điểm chủ động phòng ngừa là chính. Huyện duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc tình hình thiên tai trên từng địa bàn. Khi có thiên tai xảy ra phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, báo cáo kịp thời, tham mưu đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống. Thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương. Kiểm tra, rà soát các hộ dân sống trong vùng nguy cơ thiên tai, các công trình đang thi công để có cảnh báo kịp thời đến người dân. Bố trí ngân sách dự phòng để thực hiện khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với đặc điểm địa lý phức tạp, bị chia cắt bởi hệ thống núi cao kéo dài, độ dốc lớn, nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, sạt lở đất... là rất lớn. Huyện duy trì việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đồng hành với công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để sống hòa thuận với thiên nhiên, môi trường.

Vũ Tiệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-lac-no-luc-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-3169192.html