Báo Sài Gòn Giải Phóng trao giải cuộc thi viết 'Tết nay - Tết xưa'

Từ hơn 700 tác phẩm tham dự cuộc thi viết 'Tết nay - Tết xưa', qua các vòng sơ khảo và chung khảo, Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử đã chọn được 9 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải

Sáng 20-4, Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết "Tết nay - Tết xưa".

Các tác giả đoạt giải được Báo Sài Gòn Giải Phóng vinh danh

Cuộc thi viết "Tết nay - Tết xưa" do Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử tổ chức.

Trong lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã nhận được gần 1.000 bài tham dự. Trong đó, hơn 700 bài dự thi hợp lệ, hơn 200 bài viết chất lượng vượt qua vòng sơ khảo và 21 tác phẩm được vào vòng chung khảo. Từ đó, Ban Giám khảo đã chọn được 9 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải.

Giải nhất chung cuộc thuộc về tác giả Thanh Loan với bài viết "Cái Tết của người già". Giải nhì thuộc về tác phẩm "Hoa đào năm ấy còn vương" của tác giả Đặng Ngọc Lan. Giải ba được trao cho 2 tác phẩm "Bài chòi Tết rộn rang" (tác giả Ny An) và "Bảo bối của nội" (tác giả Ngô Ly Kha).

5 giải khuyến khích thuộc về các tác phẩm: "Tết về trong tâm tưởng" (Trần Thủy); "Tết quê xưa, dây dưa niềm nhớ..." (Ngô Thế Lâm); "Nhớ thương vách đất quê nhà" (Nguyễn Văn Hòa); "Tết đong đầy vị yêu thương từ chái bếp của mẹ" (Phan Thanh Cẩm Giang) và "Đôi dòng biền ngẫu về Tết xưa" (Nguyễn Văn Bé).

Theo nhận định của Ban Giám khảo, cuộc thi viết "Tết nay - Tết xưa" đã nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của các tác giả chuyên lẫn không chuyên ở trong và ngoài nước.

Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM Nguyễn Tấn Phong và Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong trao giải nhất cho tác giả Thanh Loan với tác phẩm "Cái Tết của người già". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn trao giải nhì cho tác giả Đặng Ngọc Lan, với tác phẩm tác phẩm "Hoa đào năm ấy còn vương". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG.

Nhà báo Nguyễn Khắc Văn - Phó Tổng Biên tập, Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, Phó Ban tổ chức cuộc thi - đánh giá chất lượng các tác phẩm dự thi khá cao, đồng đều. Ban giám khảo cân nhắc rất kỹ để lựa chọn từ hơn 700 tác phẩm hợp lệ, chọn ra 9 tác phẩm hay, ấn tượng nhất để trao giải.

"Giá trị của cuộc thi không chỉ là chọn ra những tác phẩm để trao giải mà mong muốn lan tỏa những giá trị truyền thống thiêng liêng của người Việt dù ở đâu, bất cứ lứa tuổi nào... Cuộc thi như một sợi dây kết nối, giữ gìn những giá trị đó" - nhà báo Nguyễn Khắc Văn nhấn mạnh.

Theo hội đồng giám khảo, hầu hết tác phẩm dự thi được viết với những cảm xúc chân thực và nhân vật cũng chính là tác giả, cùng những kỷ niệm bên người thân, bạn bè... Tham gia cuộc thi, mỗi người được ngồi lại với người thân, lắng lòng, hồi tưởng chuyện xưa – chuyện nay. Những ký ức vui buồn, những tiếc nhớ, day dứt… được gói trọn trong từng con chữ.

Giao Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bao-sai-gon-giai-phong-trao-giai-cuoc-thi-viet-tet-nay-tet-xua-196240420111725534.htm