Bảo tồn, phát huy di sản Nghệ thuật Bài chòi

Tại hội nghị tổng kết đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Bài chòi (NTBC) Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023, đại diện các cơ quan, đơn vị và nghệ nhân bài chòi đã nêu lên thực trạng và đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy di sản này trong thời gian tới.

Phóng viên Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến này.

* ÔNG NGUYỄN NGỌC THÁI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT&DL: Khai thác hiu qu di sn Ngh thut Bài chòi

Trong giai đoạn 2021-2023, Sở VH-TT&DL đã tập trung thực hiện các nội dung của đề án như: Tổ chức kiểm kê, tư liệu hóa di sản NTBC; truyền dạy và thực hành di sản; mở trại sáng tác, bồi dưỡng nghiệp vụ hát bài chòi; hỗ trợ trang thiết bị cho các câu lạc bộ (CLB) bài chòi trên địa bàn tỉnh; đưa di sản NTBC vào trường học…

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhất là thời gian dịch COVID-19 bùng phát, nhưng việc thực hiện đề án luôn nhận được sự quan tâm phối hợp của các địa phương, sự nhiệt huyết, yêu nghề của các nghệ nhân - những “di sản sống” trên địa bàn tỉnh.

Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, từng bước huy động các nguồn lực cho việc bảo tồn, phát huy, khai thác có hiệu quả di sản NTBC Phú Yên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 CLB bài chòi duy trì sinh hoạt đều đặn, với gần 250 nghệ nhân đang thực hành NTBC và lưu giữ được hơn 300 bài bản, trong đó có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú.

Thời gian tới, Sở VH-TT&DL tham mưu UBND tỉnh quan tâm, tiếp tục triển khai thực hiện đề án và bố trí kinh phí để thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị NTBC trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Đồng thời, sở tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia thực hành, đào tạo, truyền dạy cho thế hệ trẻ về kỹ năng thực hành di sản NTBC; tổ chức các cuộc thi, tham gia liên hoan bài chòi trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường, giao lưu học hỏi...

* BÀ LÊ THỊ MINH LỘC, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG VH-TT HUYỆN TÂY HÒA: Duy trì và thành lp mi các câu lc b bài chòi

Phòng VH-TT huyện Tây Hòa đã tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023.

Theo đó, huyện duy trì hoạt động CLB Dân ca bài chòi huyện Tây Hòa và CLB Dân ca bài chòi Hội LHPN xã Hòa Tân Tây (thành lập năm 2018); thành lập mới CLB Dân ca bài chòi - Đàn hát cải lương thôn Mỹ Thạnh Trung 1 (xã Hòa Phong), CLB Dân ca bài chòi thôn Xuân Thạnh 1 (xã Hòa Tân Tây), CLB Dân ca bài chòi thôn Nông Nghiệp (xã Hòa Bình 1) và CLB Dân ca bài chòi thôn Vinh Ba (xã Hòa Đồng).

Một số địa phương như: Hội Cư, Xuân Thạnh 1, Xuân Thạnh 2 (xã Hòa Tân Tây), khu phố Phú Thứ (thị trấn Phú Thứ) luôn duy trì và tổ chức thường xuyên hội bài chòi vào các dịp lễ tết, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Bên cạnh đó, Phòng VH-TT và Hội Văn học Nghệ thuật huyện cũng đã phối hợp cử thành viên các CLB dân ca, bài chòi tham gia các lớp tập huấn, truyền dạy nghệ thuật dân ca, bài chòi do Sở VH-TT&DL và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức; phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh huyện tham gia liên hoan NTBC do Sở VH-TT&DL tổ chức...

* ÔNG LÊ TẤN THÍCH, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC THƯỜNG XUYÊN (SỞ GD-ĐT): Đưa di sn Ngh thut Bài chòi vào trường hc

Thực hiện đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC Trung Bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2023, Sở GD-ĐT đã chủ trì, xây dựng kế hoạch đưa nội dung di sản NTBC vào chương trình giáo dục trung học trên địa bàn tỉnh; đồng thời phối hợp với Sở VH-TT&DL xây dựng bộ tài liệu giảng dạy tích hợp di sản NTBC trong nhà trường từ năm 2021-2023.

Nhờ chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, thành lập ban biên soạn, tổ chức hội thảo... nên Sở GD-ĐT gặp nhiều thuận lợi khi triển khai đề án. Kết quả, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Yên lớp 6 có 7 chủ đề (trong đó có chủ đề 5 - Sơ lược ca nhạc cổ truyền Phú Yên) được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản thành sách, cung cấp đến tất cả các trường để tổ chức giảng dạy cho học sinh lớp này.

Bên cạnh đó, video clip bài hát Đến với Phú Yên do tác giả - nghệ nhân Bình Thảng (Chi hội Sân khấu tỉnh) trình bày, xây dựng với các hình ảnh đẹp, tiêu biểu, có ý nghĩa đặc trưng của Phú Yên, không chỉ góp phần gìn giữ giá trị di sản NTBC mà còn quảng bá, thúc đẩy phát triển du lịch cho Phú Yên...

Tuy nhiên, tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh được bố trí giảng dạy 35 tiết/năm học, chia đều cho 7 chủ đề nên thời lượng giảng dạy chủ đề 5 không nhiều (5 tiết). Do vậy, thời gian để hướng dẫn học sinh thực hành hát dân ca, bài chòi còn một số khó khăn nhất định...

* NGHỆ NHÂN ƯU TÚ HUỲNH VĂN MINH (TUẤN MINH), CHỦ NHIỆM CLB BÀI CHÒI XÃ AN CHẤN (HUYỆN TUY AN): Có cơ chế, chính sách h tr các câu lc b, ngh nhân

Tôi nhận thấy, để nghệ thuật truyền thống nói chung, NTBC Trung Bộ Việt Nam, trong đó có Phú Yên nói riêng được bảo tồn, phát huy và có sức lan tỏa hơn nữa trong cộng đồng là câu chuyện dài, cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành, chính quyền cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ.

Trước hết, các địa phương cần hỗ trợ địa điểm, nhân rộng mô hình tổ chức trình diễn NTBC phục vụ người dân và khách du lịch tại các điểm du lịch; phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố; chú trọng hỗ trợ đối với các nghệ nhân trực tiếp phổ biến, truyền lửa, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể NTBC.

Đặc biệt, hiện lực lượng sáng tác bài chòi, kịch bản... chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy, tỉnh cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các CLB, nghệ nhân đang làm nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị NTBC...

* NGHỆ NHÂN NGUYỄN ĐÌNH THOẢNG (BÌNH THẢNG), CHI HỘI PHÓ CHI HỘI SÂN KHẤU (HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT TỈNH): Gieo tình yêu bài chòi cho thế h tr

Cũng như những môn nghệ thuật truyền thống khác, khi NTBC trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, thì trách nhiệm của ngành Văn hóa và mỗi người đang giữ nghề này rất lớn, mà điều đầu tiên là trách nhiệm với lớp trẻ. Tôi nghĩ, phải thổi vào các em tình yêu bài chòi, mới có thể trao dạy cho các em về NTBC. Thiết nghĩ, Sở VH-TT&DL và các địa phương cần tổ chức nhiều lớp tập huấn, đưa NTBC vào trường học...

Đây là phương pháp cấp tốc và quyết liệt nhất để truyền ngọn lửa đam mê NTBC cho thế hệ tiếp theo. Hoạt động này là cách để lớp trẻ yêu thích, say mê nghệ thuật dân tộc, tránh tình trạng bị thất truyền, mai một, đồng thời tạo lớp người kế cận cho tương lai.

Thời gian qua, tôi và nhiều người giữ gìn NTBC đã và đang dốc tâm huyết lan tỏa ngọn lửa đam mê bài chòi đến với lớp trẻ và mọi người qua các lớp tập huấn. Tại đây, chúng tôi đã nỗ lực truyền đạt kiến thức về lịch sử, nguồn gốc, giá trị bài chòi với các làn điệu đặc trưng, như xàng xê, xuân nữ, cổ bản, hò quảng và những cách hát khác nhau trong mỗi làn điệu. Trong từng buổi học, tôi nhìn thấy được sự cố gắng của các học viên để hát cho đúng điệu, không bị lệch giọng, sai âm… Sự say mê của các học viên trong từng câu hát bài chòi, đó là niềm vui của những người trao truyền như tôi.

THIÊN LÝ (ghi)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/311942/bao-ton-phat-huy-di-san-nghe-thuat-bai-choi.html