Bảo vệ các chợ khỏi 'bà hỏa'

Đồng Nai đang trong cao điểm nắng nóng gay gắt. Nhiều tháng liền không có mưa trái mùa nên nguy cơ cháy trên địa bàn rất cao, nhất là ở các chợ truyền thống đã cũ, xuống cấp hoặc có hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không đảm bảo theo quy định. Trong khi hàng hóa ở các khu chợ này rất lớn, là tài sản, nguồn sống của nhiều tiểu thương.

Hậu quả của các vụ cháy chợ sẽ rất nặng nề. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, đã xảy ra một số vụ cháy chợ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Cụ thể như cháy lớn ở chợ Hàng Trạm thuộc thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) vào ngày 13-2-2024; cháy chợ Đước, thuộc xã Hưng Chính, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) vào ngày 11-1-2024; cháy chợ Châu Long thuộc phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) vào ngày 31-12-2023; cháy chợ Thống Nhất thuộc xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) vào ngày 10-12-2023…

Các vụ cháy chợ nêu trên tuy không gây thiệt hại về người nhưng nhiều ki-ốt và tài sản, hàng hóa của tiểu thương bị thiêu rụi, gây thiệt hại lớn về tài sản. Điều đáng chú ý, thời gian xảy ra cháy chợ thường vào sáng sớm hoặc ban đêm nên tiểu thương không kịp thời phát hiện, xử lý dập tắt đám cháy; trong khi chợ có nhiều gian hàng, ki-ốt bán vải, quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng… nên lửa nhanh chóng bùng phát lớn.

Tại Đồng Nai, thời gian gần đây không xảy ra các vụ cháy chợ nào. Một trong những nguyên nhân là cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đảm bảo an toàn PCCC chợ, thậm chí cơ quan chức năng còn ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với một số chợ không đảm bảo công tác PCCC. Đây là động thái mạnh mẽ để ngăn ngừa từ sớm nguy cơ cháy ở các chợ có công tác PCCC còn nhiều bất cập, hạn chế.

Thời gian tới, ngoài quan tâm công tác PCCC ở các chợ truyền thống, lực lượng chức năng cũng cần quan tâm đảm bảo an toàn PCCC tại các cửa hàng, ki-ốt buôn bán xung quanh chợ; kiểm soát, ngăn ngừa cháy tại các chợ tự phát… Bởi các điểm này thường xảy ra tình trạng câu móc điện bừa bãi, thiếu các thiết bị PCCC, tiềm ẩn nguy cơ cháy gây ảnh hưởng đến chợ truyền thống hoặc khu dân cư lân cận.

Điều quan trọng trong công tác phòng, chống cháy chợ chính là ý thức về an toàn PCCC của ban quản lý chợ cũng như mỗi tiểu thương. Do đó, thời gian tới, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về phòng cháy chợ, nhất là tránh câu mắc điện, không sử dụng nguồn nhiệt thiếu an toàn; không sắp xếp hàng hóa gần ổ điện, lối thoát hiểm; quan tâm đầu tư trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ; thường xuyên tổ chức tập huấn phương án PCCC cho các tiểu thương; chú trọng xây dựng tổ PCCC ở các chợ…

Có như vậy mới ngăn nguy cơ cháy chợ ngay từ cơ sở, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng và tài sản của các tiểu thương; đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202404/bao-ve-cac-cho-khoi-ba-hoa-96c553a/