Bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ xuống thấp

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại. Nhiệt độ giảm sâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tình trạng bệnh nhân vào viện thăm khám tăng cao, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra rét đậm, rét hại. Nhiệt độ giảm sâu đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, tình trạng bệnh nhân vào viện thăm khám tăng cao, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Cán bộ y tế Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra sức khỏe bệnh nhi.

Cán bộ y tế Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) kiểm tra sức khỏe bệnh nhi.

Khi nghe dự báo nhiệt độ trên địa bàn TP Hòa Bình xuống dưới 100C, chị Đinh Thị Loan, phường Hữu Nghị rất sốt ruột. Chị lo cho cậu con trai năm nay học lớp 1, đi học nhiệt độ giảm sâu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Chị Loan chia sẻ: Nhiệt độ xuống thấp, người lớn đi làm còn ngại huống hồ trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tôi vẫn tuân thủ quy định của nhà trường cho con đi học, ứng phó với rét đậm, rét hại bằng cách mặc đủ ấm, đội mũ len, đi găng tay, cho con ăn uống đầy đủ chất.

Những ngày này, tại các khu dân cư cũng không khó để bắt gặp từng nhóm người đốt củi sưởi ấm để chống chọi với cái lạnh như cắt da, cắt thịt.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ sáng sớm, khu vực đăng ký thủ tục khám bệnh tại Khoa Khám bệnh đã đông kín người. Bệnh nhân hầu hết là người cao tuổi, mắc các bệnh chủ yếu về đường hô hấp như: viêm phế quản, xoang, viêm đường hô hấp trên và bệnh liên quan đến tim mạch, xương khớp.

Không chỉ người già, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ bị tác động khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột. Ghi nhận thực tế tại Khoa Nhi, lượng trẻ đến thăm khám tăng cao. Chị Hà Thị Thúy, phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) là mẹ của bệnh nhân Trần Hải Băng, 7 tháng tuổi, chia sẻ: Khi thấy con có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, tôi đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bác sỹ chẩn đoán cháu bị viêm phổi. Sau thời gian điều trị cháu đã đỡ nhiều.

Bác sỹ CKI Quách Thị Lơ, Phó trưởng Khoa Nhi cho biết: Trong đợt rét đậm, rét hại đang diễn ra, số lượng bệnh nhi khám và điều trị tại khoa tăng đột biến. Ngày thường dao động từ 60 - 70 ca/ngày, thời điểm này tăng lên 100 ca/ngày. Chủ yếu là bệnh hô hấp ở trẻ dưới 3 tuổi. Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, tăng cường chế độ dinh dưỡng, vi chất để tăng sức đề kháng cho trẻ.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu cũng chật kín người bệnh. Đợt rét đậm kéo dài đã khiến người già nhập viện tăng mạnh. Do nhiệt độ chênh lệnh giữa ngày và đêm cao, bệnh nhân đến khám tăng gấp rưỡi so với ngày thường. Nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, phải thở máy. Người già nhập viện đa phần có tiền sử bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, tai biến. Có trường hợp nằm dài ngày, nguy cơ nhiễm bệnh nặng, đặc biệt là viêm phổi trong những ngày giá rét.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân, nhất là những người có nguy cơ cao hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, nhất là từ 21h - 6h. Khi ra ngoài nên trang bị đủ ấm, che chắn được gió lùa, luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi đi ngủ. Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không uống rượu, bia vì uống rượu càng làm co thắt mạch máu gây tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ, tử vong. Không nên tắm khuya sau 22h, tắm quá lâu hoặc nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm tới tính mạng. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng; ăn uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét.

Hương Lan

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/186080/bao-ve-suc-khoe-khi-nhiet-do-xuong-thap.htm