Bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa rét

Diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại có thể gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho cá nuôi, hạn chế thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.

Diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại có thể gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho cá nuôi, hạn chế thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra.

Người nuôi cá lồng xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho cá nuôi trong những ngày rét đậm.

Người nuôi cá lồng xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho cá nuôi trong những ngày rét đậm.

Những năm qua, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, với gần 5 nghìn lồng cá nuôi, tập trung nhiều nhất trên hồ thủy điện Hòa Bình. Từ tháng 12/2023 và đầu năm 2024 đã xảy ra một số đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi.

Hiền Lương (Đà Bắc) là một trong những xã phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Hiện nay, xã có trên 200 lồng cá với khoảng 70 hộ nuôi. Đồng chí Xa Văn Hòe, Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết: Năm 2023, nghề nuôi cá lồng trên địa bàn xã phát triển ổn định, đầu ra thuận lợi nên đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Do đã nuôi cá lồng nhiều năm nên người dân có kinh nghiệm để bảo vệ tốt cá nuôi trong những ngày thời tiết rét đậm. Như việc điều chỉnh thời gian cho ăn, tăng chất lượng thức ăn, bổ sung vitamin cho cá nuôi. Do đó đến nay, cá nuôi được đảm bảo an toàn, phát triển tốt.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong thời gian tới khả năng vẫn xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Đồng chí Đặng Thị Duyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Khi nhiệt độ môi trường nước xuống thấp sẽ có nguy cơ gây thiệt hại đối với thủy sản nuôi trồng. Do đó, các địa phương cần thường xuyên cập nhập thông tin diễn biến thời tiết, không khí lạnh để phổ biến, hướng dẫn các biện pháp chống rét cho cơ sở sản xuất giống thủy sản, lưu, ương dưỡng giống, nuôi thương phẩm.

Đồng chí Phó Chi cục trưởng khuyến cáo một số biện pháp phòng, chống rét cho thủy sản nuôi. Đối với ao nuôi cần duy trì mức nước ao nuôi từ 1,5 – 2 m, những vùng không thuận lợi về nước cấp thì ở phía Đông Bắc của ao nuôi đào một rãnh sâu 0,5 m so với đáy để làm nơi trú ngụ cho cá. Trên mặt ao thả bèo tây kín 1/2 – 2/3 diện tích ao về phía Đông Bắc hoặc có thể làm khung, che phủ bề mặt ao bằng nilon trắng, che cách mặt nước ao từ 0,4 - 0,5 m để ngăn gió, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi. Hàng ngày theo dõi chất lượng nước ao nuôi, không bón phân hữu cơ, phân vô cơ xuống ao, giữ cho nước sạch để phòng tránh dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần bổ sung lượng nước cần thiết đảm bảo độ sâu mực nước theo yêu cầu kỹ thuật. Quan sát phát hiện các hiện tượng bất thường để xử lý kịp thời. Ngoài ra, người chăn nuôi có thể sử dụng vôi bột rắc xung quanh ao và giữa ao, liều lượng từ 2 - 3 kg/100m2. Dọn sạch cỏ, rác, thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn, để diệt trùng và nấm gây bệnh cho cá. Khi nhiệt độ nước ao nuôi xuống dưới 15 độ C thì ngừng cho cá ăn; vào thời điểm nắng ấm trong ngày có thể cho ăn bằng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp.

Đối với cá lồng, cần di chuyển lồng nuôi vào các eo ngách, chọn nơi kín gió (tránh gió Đông Bắc) để đặt lồng, bè hoặc sử dụng nilon sáng màu để phủ kín mặt lồng nuôi. Bên cạnh đó, cần định kỳ vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để nước lưu thông; treo túi vôi trước dòng chảy hoặc khu vực cho cá ăn để khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá nuôi. Ngoài ra, cho thủy sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp và bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/186381/bao-ve-thuy-san-nuoi-tr111ng-mua-ret.htm