Bảo vệ và phát huy giá trị bộ sưu tập cổ vật trống đồng tỉnh Sơn La

Trong số hơn hơn 24.600 hiện vật, tư liệu về lịch sử, văn hóa đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh thì bộ sưu tập trống đồng là một trong những bộ hiện vật khảo cổ có giá trị vô cùng lớn về mặt lịch sử, văn hóa.

Một số chiếc trống đồng trong bộ sưu tập cổ vật trống đồng tại Bảo tàng tỉnh Sơn La
Ảnh: Thanh Đào

Với hơn 30 chiếc trống đồng có niên đại trên 2.000 năm, trong đó có những chiếc trống được xếp vào loại I thuộc dạng quý hiếm hiện đang được bảo quản, lưu giữ an toàn, trở thành niềm tự hào của nền văn hóa cổ xưa ở Sơn La, một minh chứng tiêu biểu cho văn hóa ngàn đời đã được tìm thấy trên mảnh đất vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

Sơn La, nơi có con sông Đà và sông Mã chảy qua cùng rất nhiều con suối lớn với những thềm sông, thềm suối trải rộng, từ xa xưa đã trở thành nơi ngụ cư của cư dân cổ xưa. Rất nhiều hiện vật khảo cổ cùng các di chỉ về mái đá, hang mộ,… của thời tiền – sơ sử đã được khai quật, nghiên cứu. Tiêu biểu nhất kể đến những hiện vật chứng minh cho sự tồn tại của nền văn hóa cư dân cổ thời kỳ kim khí đã được tìm thấy ở Sơn La, trong đó, đặc biệt là bộ sưu tập trống đồng.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết: Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ, bảo quản 34 chiếc trống đồng còn khá nguyên vẹn và 1 mặt trống, được chia nhóm thành 4 nhóm theo cách phân loại của học giả người nước Áo – Hêgơ. Bộ trống đồng có kích thước khác nhau, đã được các nhà khảo cổ đánh giá, xác định về niên đại. Bảo tàng tỉnh đã cho trưng bày 2 chiếc trống đồng loại I có giá trị nhất và cơ bản còn nguyên vẹn về hình dáng, hoa văn tại Phòng trưng bày giới thiệu về thời kỳ Tiền - Sơ sử phục vụ du khách đến tham quan và nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ học ở Sơn La.

Hoa văn đặc sắc trên chiếc trống đồng loại I
Ảnh: Thanh Đào

Trong số bộ sưu tập trống đồng, có 6 chiếc đồng loại I được phát hiện tại bản Khoọc, xã Tạ Khoa, huyện Bắc Yên; bản Thôm, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu và xã Đá Đỏ, huyện Phù Yên. Đây là những trống có niên đại cổ nhất, còn được gọi là trống Đông Sơn vì ra đời trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn và tiếp nối truyền thống của nền văn hóa này. Điểm chung là có kích thước tương đối lớn với chiều cao trên 30cm, đường kính mặt trống trên 50cm, tang trống phình, thân trống hình trụ chân choãi, mặt trống không chờm khỏi tang.

Trống đồng loại I được đúc với kỹ thuật rất cao, tỷ lệ hợp kim đồng, chì, thiếc tối ưu tạo cho trống vừa có độ dẻo, vừa cứng và chắc chắn, bền vững với thời gian nên trải qua hơn 2.000 năm, những chiếc trống này vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Điểm nổi bật của trống đồng loại I chính là ở hoa văn trang trí trên mặt trống rất phong phú và tinh tế, sắc nét, phản ánh đời sống, văn hóa của người đương thời với hình mặt trời ở giữa mặt trống, xung quanh có thêm các hình ngôi nhà mái vòm, hình người đội mũ lông công, người mang vũ khí kim loại, hình chim bay, hoa văn nhũ đinh….

Trống đồng loại II chiếm số lượng nhiều nhất với 25 chiếc được phát hiện ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Loại trống này có kích thước nhỏ hơn trống loại I, được xác định là ra đời từ những năm sau công nguyên đến thời kỳ phong kiến nên hoa văn trên mặt trống có sự biểu hiện rõ nét của của văn hóa thời kỳ này. Trong đó, nổi bật với những hoa văn lớn hình tượng cóc, hình mặt trời đúc nổi, hình lá bồ đề, hình hoa sen, hoa cúc, động vật…. Trống đồng loại III gồm duy nhất 1 chiếc, còn trống loại IV có 2 chiếc. Trống này có kích thước nhỏ, mặt trống được trang trí nhiều hình hoa văn khá phong phú và đẹp mắt.

Bà Ngô Thị Hải Yến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, thông tin thêm: Trống đồng được phát hiện tại bản Thôm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh được các chuyên gia đánh giá là 1 trong 7 chiếc trống có giá trị hàng đầu tại Việt Nam. Cùng với bộ sưu tập cổ vật trống đồng thì đây là di vật đặc sắc nhất của cư dân thời kỳ kim khí. Vậy nên, bộ sưu tập trống đồng chính là di sản đặc biệt có giá trị tại Bảo tàng tỉnh Sơn La đã được nhiều đoàn chuyên gia đến khảo sát và bước đầu nghiên cứu. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo tả chi tiết, xây dựng bản vẽ để phục vụ công tác số hóa di sản cho bộ sưu tập quý giá này trong thời gian tới.

Trống đồng phát hiện tại bản Thôm, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu đang được trừng bày tại Bảo tàng tỉnh
Ảnh: Thanh Đào

Đến tham quan không gian trưng bày tư liệu, hiện vật cổ của Bảo tàng tỉnh, ông Lê Văn Đức, du khách đến từ tỉnh Vĩnh Phúc, nói: Tôi rất ấn tượng với những hiện vật cổ đang được trưng bày tại Bảo tàng Sơn La, đặc biệt là những chiếc trống đồng kích cỡ lớn gần như còn nguyên vẹn. Đây thực sự là những tài sản vô giá cần được giữ gìn để các thế hệ mai sau hiểu về nguồn cội dân tộc cũng như bồi đắp tình yêu với quê hương, đất nước nơi mình sinh ra.

Xác định rõ giá trị vô giá của bộ sưu tập trống đồng, Bảo tàng tỉnh đã tham mưu cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 101/KH-UBND ngày 8/4/2023 về bảo vệ và phát huy giá trị bộ sưu tập cổ vật trống đồng tỉnh Sơn La, giai đoạn 2024-2026. Mục đích nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị đặc biệt của bộ sưu tập cổ vật trống đồng đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Đồng thời, lấy đó làm căn cứ khoa học để trình Hội đồng di sản quốc gia, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia cho một số chiếc trống đồng có đủ điều kiện. Đây cũng là kế hoạch nhằm thực hiện chương trình số hóa di sản của tỉnh trong thời gian sắp tới.

Du khách tham quan gian trưng bày bộ sưu tập cổ vật trống đồng tại Bảo tàng tỉnh
Ảnh: Thanh Đào

Bộ sưu tập cổ vật trống đồng cùng các di tích, di vật văn hóa văn hóa thời cổ không chỉ là minh chứng rõ nét về sự tồn tại của cư dân cổ xưa mà còn tạo nên những sắc thái văn hóa địa phương vô cùng đặc sắc trên mảnh đất Sơn La. Thực hiện tốt công tác giữ gìn, bảo vệ di vật, di tích cổ là rất cần thiết để phát huy giá trị di sản, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong lòng mỗi người dân Sơn La.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-bo-suu-tap-co-vat-trong-dong-tinh-son-la-radzB1l4R.html