'Bắt bệnh' thị trường vàng

Thị trường vàng 'nhảy múa' liên tục, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng

Ngày 13-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 33 - diễn ra trong 3 ngày, từ 13 đến 15-5 - cho ý kiến về 14 nội dung.

Tìm giải pháp điều chỉnh giá vàng

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề giá vàng "nhảy múa" như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào? "Không lẽ cứ để giá vàng "nhảy múa" như thế? Tôi chưa bao giờ thấy thị trường vàng tăng giảm đột biến như vậy. Tôi đề nghị công tác quản lý nhà nước phải làm rõ" - ông Phương nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá thế giới lớn như thế. "Chúng tôi thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có những chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường vàng nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra đấu thầu vàng được vài phiên nhưng giá vàng vẫn cao. Đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường và cần có bàn tay của nhà nước can thiệp" - bà Nga nói.

Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, việc giá vàng "nhảy múa" như vừa qua làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, tác động đến lạm phát trong nước. "Tình trạng biến động của thị trường vàng trong nước là vấn đề chúng ta quan tâm. Đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng" - ông Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến.

Thanh tra các đầu mối lớn

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đánh giá từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ những hạn chế, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và quốc tế thường xuyên ở mức cao. Nguyên nhân là do giá vàng thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế.

Về giải pháp, ông Hà cho rằng trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị các bộ Công an, Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ… phối hợp kiểm tra giám sát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, đẩy giá. Về giải pháp lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để có thể đề xuất thêm những giải pháp cho phù hợp tình hình mới, để sửa Nghị định 24 trong thời gian tới…

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13-5Ảnh: TTXVN

Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 13-5Ảnh: TTXVN

Giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng "hết sức đau đầu" về vấn đề này. "Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thị trường vàng là đúng, người dân cũng rất quan tâm nhưng phải đánh giá kỹ, bình tĩnh, tìm được giải pháp. Có nghĩa là tìm đúng bệnh mới bốc thuốc tốt được" - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ngày 14-5, lãnh đạo Chính phủ sẽ có thêm cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề quản lý thị trường vàng để làm rõ nguyên nhân và giải pháp. Sau khi đánh giá tình hình sẽ cho thanh tra các đầu mối lớn, kể cả các biên giới, cửa khẩu, nếu vi phạm sẽ chuyển Bộ Công an xử lý ngay.

Giá vé máy bay có còn tăng?

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt câu hỏi về giá vé máy bay tăng cao trong thời gian qua. Theo ông, người dân muốn đi từ TP HCM ra Hà Nội thì phải mua vé qua Thái Lan rồi mua vé từ Thái Lan về Hà Nội. "Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Bộ Tài chính phải trả lời dứt khoát việc giá vé còn tăng kịch trần nữa hay không và đến bao giờ thì giá vé không còn tăng. Việc giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng đến kinh tế, du lịch thế nào?" - ông nói thêm.

Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như giá nhiên liệu tăng và chênh lệch tỉ giá. Toàn bộ cấu thành chi phí giá hàng không thì 65% - 70% là từ nhiên liệu. Mặt khác, hãng Pratt and Whitney đã thu hồi động cơ trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam có đến 33 máy bay bị ảnh hưởng, bắt buộc các hãng hàng không phải thuê máy bay, phi công và cả tổ bay, chi phí đều tăng cao trong lúc thị trường khan hiếm. Ngoài ra, dịp lễ 30-4, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân rất cao…

Theo ông Huy, việc giá vé tăng cao còn ảnh hưởng đến du lịch. Bộ GTVT đã tăng cường mở các loại tàu hỏa khu đoạn và đưa vào khai thác những chuyến tàu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hiện Bộ GTVT đang đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời đầu tư các tuyến đường sắt mới để về lâu dài tái cơ cấu thị phần vận tải hành khách một cách hợp lý, bền vững.

Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2024 cũng còn nhiều thách thức; thị trường bất động sản còn khó khăn dù có tín hiệu phục hồi. Khó khăn lớn nhất là quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.

Theo ông Thanh, đối với nhà ở xã hội, hiện nay đang diễn ra thực trạng người có nhu cầu không thể mua do thủ tục phức tạp và tình trạng đầu cơ, chênh lệch rất lớn giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký với nhà nước và giá bán thực tế. Hiện nay xuất hiện tình trạng lách luật để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

BẠCH HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bat-benh-thi-truong-vang-196240513210623525.htm