Bật mí 4 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp cho học sinh cuối cấp

Theo các chuyên gia, định hướng nghề nghiệp là bước đầu rất quan trọng với học sinh lớp 12. Chính vì vậy, ngay trong giai đoạn này, các em học sinh cuối cấp cần xác định rõ sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn cho bản thân ngành nghề theo học phù hợp.

Định hướng ngành nghề sớm cho học sinh có vai trò rất quan trọng giúp các em hiểu được năng lực, sở thích và đam mê để từ đó theo đuổi ước mơ để lập thân, lập nghiệp.

Thực tế, không ít học sinh dù có tư duy và quan điểm rõ ràng về ngành nghề nhưng vẫn chấp nhận đăng ký vào ngành học theo đám đông hoặc cố chấp chạy theo ngành "hot", thời thượng.

Theo TS. Lê Danh Quang - Trưởng khoa công nghệ ôtô (Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội), để chọn ngành nghề, đầu tiên phải chọn nghề mình yêu thích nhưng phải đúng xu thế của thị trường để ra trường không bị thất nghiệp. Ngoài ra, các em cần xem điều kiện kinh tế của gia đình để học phí không trở thành gánh nặng với cha mẹ.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban quản lý đào tạo, Học viện Tài chính cho rằng, khi chọn ngành, thí sinh phải cân nhắc tới nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai. Tức là sau 4-5 năm ra trường thì nhu cầu về ngành đó như thế nào, xu hướng ra sao.

Cô Nguyễn Thanh Ngọc - giáo viên dạy Văn tại một trường THPT ở Hà Nội khuyên: "Thời gian trôi rất nhanh, vì vậy, ngay từ lúc này, các em cần phải xác định rõ sở trường, năng lực để chọn nghề".

Định hướng nghề nghiệp là bước đầu quan trọng đối với học sinh lớp 12. Ảnh minh họa

Định hướng nghề nghiệp là bước đầu quan trọng đối với học sinh lớp 12. Ảnh minh họa

Theo cô Ngọc, trước ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời, đa phần học sinh lớp 12 đã biết quan tâm chọn ngành nghề để không bị thất nghiệp, chọn trường uy tín, học phí phù hợp với kinh tế gia đình… Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết để chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân là học sinh cần phải phân tích, dựa vào các yếu tố như đam mê, sở thích, năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.

Ngay từ bây giờ, học sinh cần xác định rõ sở trường, năng lực và điều kiện kinh tế gia đình để chọn cho bản thân ngành nghề theo học phù hợp. Cùng với đó, sự định hướng ngành nghề từ phía nhà trường và gia đình cũng rất cần thiết cho học sinh hiện nay.

Để giúp học sinh cuối cấp có những lựa chọn đúng đắn hơn về việc lựa chọn nghề nghiệp, PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Khoa Quản lý Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra 4 bước quan trọng để lựa chọn ngành nghề:

Bước 1: Tôi thích nghề gì?: Học sinh liệt kê những nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn của tôi về nghề nghiệp có thể đáp ứng: Cơ hội thăng tiến; Môi trường làm việc; Thu nhập; Giờ giấc; Tính chất công việc hấp dẫn; Uy tín xã hội. Sau đó, bạn lập danh sách thứ tự ưu tiên của các nghề.

Bước 2: Tôi phù hợp nghề gì?: Học sinh tìm hiểu yêu cầu của từng nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khảo ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí. Trên cơ sở đó, bạn tìm ra các điểm chung giữa yêu cầu của nghề và khả năng đáp ứng của bản thân.

Bước 3: Tôi chọn nghề gì?: Nghề bản thân thích; Nội dung công việc; Điều kiện lao động; Giá trị ý nghĩa đối với bản thân; Các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng; Sức khỏe; Năng lực học tập; Điều kiện gia đình.

Bước 4: Tôi nên học tập ở đâu?: Nghề đó thuộc lĩnh vực nào - Trường nào có đào tạo lĩnh vực đó; Lập danh sách ưu tiên các trường công lập - dân lập; Điểm chuẩn - chỉ tiêu tuyển sinh; Danh tiếng – uy tín (thời gian thành lập - thành tích); Thời gian đào tạo (đại học - cao đẳng - trung cấp); Địa điểm đào tạo (gần nhà - xa nhà).

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ngành nào cũng vô cùng cần thiết với sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Do đó, thí sinh không nên nặng nề việc phải chọn ngành hot mà quên việc nhìn vào thực lực bên trong bản thân. Các em cần phải trả lời câu hỏi: "Sẽ làm gì trong tương lai với nghề nghiệp đã lựa chọn?".

"Thực tế, có những lĩnh vực rất khó tuyển dụng nhưng đất nước lại vô cùng cần. Nếu có năng lực thực sự, các em vừa có sự thành công cá nhân, vừa có thể tạo ra sự thay đổi cho đất nước", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bat-mi-4-buoc-lua-chon-nganh-nghe-phu-hop-cho-hoc-sinh-cuoi-cap-169231013074248538.htm