Báu vật của làng cổ Phù Kinh

Dù bão táp, lụt lội hay biến cố lịch sử, dân làng Phù Kinh vẫn bằng mọi cách lưu giữ 18 sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng

Làng Phù Kinh, xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là ngôi làng cổ mang bao trầm tích với phong cảnh hữu tình nằm bên bờ sông Gianh - xưa gọi là Linh Giang. Cùng với lịch sử lập làng, người dân ở đây còn tự hào khi gìn giữ, lưu truyền 18 sắc phong do các vị vua triều Nguyễn ban tặng.

Giữ trọn đạo nhà

Xã Phù Hóa nằm trên vùng cồn nổi ven sông Gianh. Thuở sơ khai, làng Phù Kinh có tên là Phù Kêênh. Làng trải dọc ven sông với nhiều di tích lịch sử. Trong đó phải kể đến các ngôi điện, miếu thờ khá nổi tiếng như: miếu thờ Tướng quân Trần Phù, miếu thờ Đức vua Cao Các Mạc Sơn hay điện thờ thần Hoàng Đàn và Sỏ Sắt…

Đây là những bậc thần linh hoặc tiền nhân có công xây dựng quê hương, đất nước và phù hộ bình an cho xóm làng.

Những đạo sắc phong dưới thời các vua nhà Nguyễn ban tặng cho làng Phù Kinh

Những đạo sắc phong dưới thời các vua nhà Nguyễn ban tặng cho làng Phù Kinh

Tương truyền, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh lấy sông Gianh làm giới tuyến, một số dòng họ ở Đàng Ngoài như: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa… di dời vào định cư, sau đó sinh sống lâu dài tại vùng đất Phù Kinh. Có những họ lớn như họ Hoàng ở xóm Thượng Thọ là dòng dõi cụ Hoàng Vĩnh Tộ, họ Trần dòng dõi của cụ Trần Nguyên Hãn vào cư trú tại xóm Trường Cửu, họ Nguyễn từ Bắc vào ở tại xóm Trung Thọ...

Ông Trần Đình Quyết là bô lão am hiểu khá tường tận về làng cổ Phù Kinh. Ông nói chẳng biết các bậc tiền hiền khai canh lập làng từ thuở nào nhưng chí ít theo thông tin từ gia phả một số dòng họ còn lưu lại cũng có thể khẳng định Phù Kinh là ngôi làng cổ có lịch sử trên 500 năm tuổi. Đặc biệt, thời Trịnh - Nguyễn có nhiều dòng họ lớn đã vào đây sinh sống trên cồn nổi bên lưu vực sông Gianh.

Theo ông Quyết, đầu làng Phù Kinh có lèn Rồng án ngữ vững chãi, lung linh soi bóng nước. Khi mùa lũ đến, nước từ thượng nguồn đổ về bị lèn Mũi Hôn chắn lại làm nước dâng cao khiến cho làng Phù Kinh nói riêng và xã Phù Hóa nói chung ngập chìm trong nước. Dân làng luôn chịu cảnh chạy lụt vào mùa mưa lũ nên nghèo quanh năm. Tuy nghèo nhưng dân làng luôn cần mẫn, chí thú làm ăn, giữ trọn đạo nhà và xây dựng hồn quê làng Việt.

Nằm dưới tán cổ thụ, hướng mặt ra sông Gianh với vị trí sơn thủy hữu tình là ngôi đền Song Trung, thờ 2 vị công thần Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ - 2 cha con có công lớn trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, bảo vệ quê hương, phục hưng đất nước dưới thời Hậu Lê. Trước đền còn lưu giữ tấm bia đá dài hơn 2 trượng, rộng 1 thước 5 tấc, trên mặt khắc chữ "Song Trung miếu bi".

Năm 1995, GS Trần Quốc Vượng nhận định tấm văn bia ở đền Song Trung là loại bia có niên đại khá sớm ở Việt Nam. Bài ký trên bia ghi lại một cách rõ ràng lịch sử mảnh đất, thân thế của 2 vị công thần họ Hoàng - là tác phẩm văn học sử vô giá.

Dân làng Phù Kinh cũng luôn tự hào về những trầm tích văn hóa lịch sử của vùng đất ven tả ngạn sông Gianh này.

Không một phút lơ là

Dù chưa phải là ngôi làng cổ nhất tỉnh Quảng Bình nhưng dân Phù Kinh tự hào là một trong những làng sở hữu kho tàng lịch sử đồ sộ, khi có nhiều sắc phong nhất tỉnh này. Các đời vua triều Nguyễn, từ niên hiệu Đồng Khánh năm Đinh Hợi (1887) đến năm Khải Định thứ 9 (1924) đã ban cho làng 18 sắc phong. Đây là những sắc phong thờ 7 vị thần đã được dân làng suy tôn.

Các vị thần được phong cho làng bao gồm những vị cao quý nhất trong hệ thống phong thần của triều Nguyễn. Năm Đinh Hợi (1887), vua Đồng Khánh ban sắc phong 2 là Đại Càn Quốc gia Nam Hải và Đức vua Cao Các Mạc Sơn; năm Canh Dần (1892), vua Thành Thái ban sắc phong Minh Vương Tam Tòa; năm Kỷ Dậu (1909) và năm Quý Sửu (1913), vua Duy Tân ban 8 sắc phong, gồm: Chưởng lâm Đại Thần, Tả phủ Hiền quận Công, Phù Sơn Hầu, Đức Thầy…

Di tích miếu thờ Đức vua Cao Các Mạc Sơn - được vua Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong

Di tích miếu thờ Đức vua Cao Các Mạc Sơn - được vua Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong

Riêng năm Giáp Tý (1924), vua Khải Định ban liền 7 sắc phong cho các bậc tiền hiền làng Phù Kinh. Sắc phong của nhà vua chỉ rõ: "Sắc cho làng Phù Kinh, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình từ trước phụng thờ Thượng đẳng thần Cao Các Mạc Sơn nguyên tặng Hiệu linh Phu hựu Trạc dương Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, giữ nước giúp dân đã từng linh ứng, lần lượt được ban cấp sắc phong chuẩn cho phụng thờ…".

Nhưng để có thể bảo tồn nguyên vẹn 18 đạo sắc phong trước những biến động của lịch sử và bao trận càn quét của giặc, người dân Phù Kinh rất vất vả và tốn không ít công sức. Ông Nguyễn Bá Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Hóa, kể những sắc phong quý hiếm này xưa được cất giữ cẩn thận trong các ngôi đền, điện, miếu thờ hoặc nhà thờ họ.

Có dạo, dân làng đưa các sắc phong về giấu trong nhà dân. Sau đó, do địch càn quét ngày càng rát buộc dân làng phải cất nơi kín đáo để bí mật bảo vệ, thậm chí có khi chôn xuống đất. Khi hết giặc thì lại đến những trận lụt lớn, sợ nước lũ cuốn trôi "báu vật", người dân ôm các sắc phong lên núi làm lều lánh nạn, đợi nước rút mới dám đem về các ngôi đền cất giữ.

Theo ông Hoan, những sắc phong mà dân làng lưu giữ lại đến nay như là một hành trình gian khó dài tập. Ông Hoan nhớ như in trận lụt lớn vào năm 1980, các sắc phong cất trong chiếc hộp gỗ lớn tại miếu thờ Tướng quân Trần Phù bị trôi theo dòng nước. Người làng chèo thuyền đi tìm, may mắn phát hiện được nên đã vớt chiếc hộp mang về giao cho chính quyền xã lưu giữ, đề phòng thất lạc. Vì bị ngâm trong nước lũ nên sau đợt đó không ít sắc phong đã hư hại.

Nay thì toàn bộ 18 sắc phong ở làng Phù Kinh được cuộn kỹ càng, bảo quản trong ống nhựa lớn và đặt trang trọng trong Phòng Truyền thống của UBND xã Phù Hóa nhằm bảo tồn, lưu giữ để truyền lại cho con cháu ngày sau. Tuy nhiên, trải qua biến thiên của thời gian, được cất giữ, di chuyển qua nhiều nơi nên hiện các sắc phong đều bị hư hại ở mức độ khác nhau, có những sắc phong bị hư hỏng, xuống cấp đến 70%.

Tư liệu quý của làng xã

Ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa, giới thiệu những sắc phong quý hiếm với vẻ đầy tự hào.

Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, các thế hệ người dân trong làng luôn giữ gìn cẩn thận các sắc phong và xem đó như "báu vật" của cha ông để lại. Các sắc phong đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn toát lên sự uy nghiêm, linh khí của bậc vương quyền thuở trước.

Từng sắc phong lần lượt được ông Trung trải ra. Ông ngậm ngùi, tiếc nuối vì một số sắc phong không còn nguyên vẹn, bị rách nát hay mốc bẩn.

Miếu thờ Tướng quân Trần Phù - nơi từng lưu giữ nhiều đạo sắc phong ở làng Phù Kinh

Miếu thờ Tướng quân Trần Phù - nơi từng lưu giữ nhiều đạo sắc phong ở làng Phù Kinh

"Mong muốn của địa phương sắp tới là cơ quan chuyên môn sẽ phục hồi, tư vấn bảo quản hoặc tổ chức dịch thuật nhằm phục vụ công tác số hóa 18 sắc phong cho địa phương, nhằm bảo tồn và lan tỏa nguồn di sản quý hiếm mà cha ông để lại cho hậu thế" - ông Trung bộc bạch.

Bà Phạm Thị Anh Đào, Trưởng Phòng Di tích Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, cho biết sắc phong là loại hình văn bản hành chính cấp cao của các triều đại phong kiến, truyền đạt mệnh lệnh của các vị hoàng đế.

Sắc phong triều Nguyễn về cơ bản có 2 loại, gồm: thiên thần (thiên thần, thổ thần, sơn thần, thủy thần...) và nhân thần (được quy định theo hệ thống phẩm trật, đi kèm các mỹ tự và chia theo 3 cấp độ khác nhau, gồm thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần).

Riêng ở làng Phù Kinh, hệ thống sắc phong thần là do các vị hoàng đế phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong đình làng, miếu thờ. Đây là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của dân làng. Sắc phong có tính độc bản, được ban cấp vào một thời điểm cụ thể nhằm ghi lại tên tuổi, công lao của các vị thần được người dân tôn thờ, nên nội dung có tính chính xác gần như tuyệt đối.

Rời ngôi làng Phù Kinh, chúng tôi không khỏi nuối tiếc vì chưa khám phá hết văn hóa nơi đây. Bởi ngoài các sắc phong quý hiếm thì làng cổ này vẫn còn ẩn giấu những di sản văn hóa quý báu khác.

Nguồn tư liệu chuẩn xác

Bà Phạm Thị Anh Đào đánh giá 18 sắc phong ở làng Phù Kinh còn là nguồn tư liệu chuẩn xác giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự thay đổi các địa danh và đơn vị hành chính của các làng xã.

Sắc phong của mỗi triều đại cũng mang những giá trị về nghệ thuật thể hiện qua họa tiết, hoa văn trang trí, chất liệu giấy, chữ viết, ấn triện, cách hành văn và thể hiện vai trò tối thượng của các vị hoàng đế trong việc trị vì muôn dân. Cùng với đó là các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa của làng, xã.

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bau-vat-cua-lang-co-phu-kinh-196240518201158672.htm