Bí quyết xây dựng thương hiệu cá nhân thời đại số: Sáng tạo, khác biệt nhưng đừng 'sống ảo'

Chiều 10/5, tọa đàm 'Thiết kế truyền thông trong xây dựng thương hiệu' do báo Tiền Phong, Học viện Hành chính Quốc gia và Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia phối hợp tổ chức đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Học viện Hành chính Quốc gia. Chương trình thu hút hơn 500 giảng viên và sinh viên tham dự.

Diễn giả chính tại tọa đàm là những gương mặt quen thuộc với sinh viên các trường đại học, học viện: Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong và Th.S Vũ Anh Đức - Giám đốc Đào tạo Hệ thống Arena Multimedia.

TS. Đặng Thị Minh, Phó trưởng khoa Quản lý Xã hội đại diện Học viện Hành chính Quốc gia tặng hoa các diễn giả và đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức.

TS. Đặng Thị Minh, Phó trưởng khoa Quản lý Xã hội đại diện Học viện Hành chính Quốc gia tặng hoa các diễn giả và đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức.

Chương trình còn có sự tham gia của TS. Tạ Thị Hương - Phó trưởng khoa Quản lý Xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia; TS. Đặng Thị Minh - Phó trưởng khoa Quản lý Xã hội; TS. Phạm Văn Đại - Trưởng bộ môn Quản trị Du lịch và Truyền thông; ông Lê Hồng Hải – Hiệu trưởng Hệ thống Arena Multimedia; ông Trần Nguyễn Lâm Thành – Giám đốc Marketing Hệ thống Arena Multimedia cùng đông đảo các thầy cô và sinh viên có mặt tại buổi tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: “Không có công thức chuẩn nào cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân vì nếu ai cũng làm giống nhau thì yếu tố “cá nhân” không còn nữa.”

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: “Không có công thức chuẩn nào cho việc xây dựng thương hiệu cá nhân vì nếu ai cũng làm giống nhau thì yếu tố “cá nhân” không còn nữa.”

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và ông Lê Hồng Hải trao tặng 100 cuốn sách “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất” cho Bí thư Đoàn và Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh và ông Lê Hồng Hải trao tặng 100 cuốn sách “Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất” cho Bí thư Đoàn và Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia.

Xuyên suốt chương trình, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, Th.S Vũ Anh Đức đã đưa ra các khái niệm và phân tích bản chất của việc xây dựng thương hiệu cá nhân; chỉ ra vai trò và phân tích lợi thế của sinh viên khi đã có thương hiệu cá nhân đối với các nhà tuyển dụng đồng thời giải đáp các thắc mắc của các giảng viên, sinh viên về việc tìm hiểu, khám phá bản thân, chọn kênh truyền thông phù hợp. Hai diễn giả cũng giải đáp các trường hợp cụ thể qua các xu hướng, hiện tượng để phân tích, cắt nghĩa giúp khán giả hiểu đúng về xây dựng thương hiệu cá nhân và biết cách lên kế hoạch xây dựng thương hiệu riêng của mỗi người.

USP - Chìa khóa xây dựng thương hiệu cá nhân

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh, chìa khóa thành công trong xây dựng thương hiệu cá nhân chính là thấu hiểu bản thân, nhận diện rõ điểm mạnh và điểm yếu. Ông cho rằng, việc tập trung phát triển điểm mạnh nhất, hay còn gọi là USP (Unique Selling Point), sẽ mang lại hiệu quả vượt trội. Ngược lại, nếu chưa hiểu rõ bản thân mà đầu tư vào những khía cạnh chưa phải là thế mạnh thì sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

Th.S Vũ Anh Đức cho rằng việc tạo ra một nét riêng biệt, một dấu ấn cá nhân thông qua thiết kế sáng tạo là yếu tố then chốt để tạo dựng uy tín.

Th.S Vũ Anh Đức cho rằng việc tạo ra một nét riêng biệt, một dấu ấn cá nhân thông qua thiết kế sáng tạo là yếu tố then chốt để tạo dựng uy tín.

Chia sẻ về vai trò của yếu tố sáng tạo trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân, Th.S Vũ Anh Đức ví von rằng, nếu tất cả các quán cà phê đều giống nhau, khách hàng sẽ không thể phân biệt và gắn bó với thương hiệu nào. Chính vì vậy, việc tạo ra một nét riêng biệt, một dấu ấn cá nhân thông qua thiết kế sáng tạo là yếu tố then chốt để tạo dựng uy tín. Vị diễn giả khẳng định, mỗi cá nhân cần phải tìm ra những điểm độc đáo của riêng mình, từ hình ảnh bản thân đến những câu chuyện đặc biệt, để tạo nên sự khác biệt và thu hút sự chú ý. “Chỉ khi có sự khác biệt, sáng tạo, chúng ta mới có thể xây dựng được uy tín và tạo dấu ấn trong lòng khán giả”.

Trước thực trạng nhiều bạn trẻ chưa khám phá được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để xây dựng cho mình thương hiệu cá nhân, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh gợi ý một "mẹo" thiết thực: hãy chủ động trải nghiệm và thử sức. Diễn giả cho rằng, những công cụ như MBTI, DISC, Thần số học, Sinh trắc học vân tay... chỉ mang tính tham khảo, còn việc hiểu rõ bản thân đòi hỏi sự trải nghiệm thực tế. Các câu lạc bộ sinh viên là môi trường lý tưởng để các bạn trẻ thử sức với nhiều vai trò khác nhau, từ đó khám phá sở thích và năng lực của mình. Bên cạnh đó, việc thực tập tại các doanh nghiệp, tổ chức đúng chuyên ngành sẽ giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc hơn về công việc mình mong muốn, hiểu rõ hơn về bản thân và định hướng phát triển sự nghiệp. “Chỉ có hành động, chỉ có làm việc thật sự thì các bạn mới có thể khám phá được bản thân của mình”, nhà báo chốt lại.

Thương hiệu cá nhân giữa làn sóng AI

Trong bối cảnh "thời đại Internet", chủ đề về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) lên các ngành nghề, đặc biệt là thiết kế, đã thu hút sự quan tâm lớn của các bạn sinh viên. Trước những lo ngại về nguy cơ thất nghiệp của sinh viên thiết kế, Th.S Vũ Anh Đức khẳng định rằng AI chỉ là một công cụ hỗ trợ, và chìa khóa nằm ở cách chúng ta sử dụng công cụ này. Diễn giả nhấn mạnh, việc tận dụng AI để nâng cao hiệu quả công việc là xu hướng tất yếu, nhưng việc sao chép nguyên xi kết quả của AI sẽ khiến bản thân mất đi giá trị. Do đó, việc trau dồi kiến thức và kỹ năng để sử dụng AI một cách sáng tạo là điều cần thiết để thích ứng và phát triển trong thời đại công nghệ số.

Nhà tuyển dụng cần gì ở sinh viên?

Dựa trên kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với nhiều nhà tuyển dụng, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh chỉ ra rằng, yếu tố quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng tìm kiếm ở sinh viên chính là khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn của công việc và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân chính là hành trình không ngừng tạo ra và chia sẻ giá trị, từ đó khẳng định năng lực chuyên môn của bản thân. Để làm được điều này, sinh viên cần hiểu rõ điểm mạnh nổi bật của mình (USP) và không ngừng trau dồi, phát triển để đạt đến trình độ cao nhất.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh giao lưu cùng các bạn sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh giao lưu cùng các bạn sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia.

“Bên cạnh chuyên môn vững vàng, sự ưu việt trong thái độ cũng đóng vai trò then chốt để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng học hỏi và sẵn sàng dấn thân là những phẩm chất đáng quý mà doanh nghiệp luôn tìm kiếm từ ứng viên”, nhà báo cho biết thêm.

Không “làm màu”, “sống ảo”

Trong chương trình, một sinh viên đã đặt câu hỏi hóc búa: "Liệu lãnh đạo các cơ quan nhà nước có thích nhân viên có thương hiệu cá nhân mạnh không?". Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đã giải đáp rằng, các lãnh đạo không phản đối việc xây dựng thương hiệu cá nhân của nhân viên, mà chỉ không ủng hộ những hành vi "làm màu", "sống ảo" trên mạng.

Buổi tọa đàm nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia.

Buổi tọa đàm nhận được nhiều câu hỏi từ các bạn sinh viên của Học viện Hành chính Quốc gia.

Ông nhấn mạnh, nếu xây dựng thương hiệu cá nhân dựa trên việc tạo ra và chia sẻ giá trị thực sự, những nhân viên này sẽ luôn được coi là “linh hồn” của công ty, được lãnh đạo đánh giá cao và trân trọng. “Quan trọng là cá tính, cái “tôi” của mình phải phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp”, Th.S Vũ Anh Đức bổ sung thêm.

TS. Tạ Thị Hương đặt câu hỏi về vấn đề xây dựng thương hiệu địa phương tại Việt Nam.

TS. Tạ Thị Hương đặt câu hỏi về vấn đề xây dựng thương hiệu địa phương tại Việt Nam.

Tại chương trình, TS. Tạ Thị Hương đã có những chia sẻ đầy tâm huyết về vấn đề xây dựng thương hiệu địa phương tại Việt Nam với các vị diễn giả. Theo giải đáp từ Th.S Vũ Anh Đức, việc giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương là nền tảng quan trọng để từ đó xây dựng những câu chuyện thương hiệu độc đáo, thu hút du khách bằng nội dung, hình ảnh, công nghệ và thiết kế sáng tạo. Ông cũng đưa ra những ví dụ thực tiễn từ Trung Quốc, Nhật Bản để Việt Nam học hỏi.

Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh bổ sung, công thức xây dựng thương hiệu địa phương có nhiều điểm tương đồng với xây dựng thương hiệu cá nhân. Bước đầu tiên là dựa trên dữ liệu thực tế để hiểu rõ điểm mạnh nổi bật nhất của địa phương, từ đó tập trung đầu tư cho thế mạnh đó, tiếp đến là truyền thông để tạo dựng thương hiệu mạnh.

Ảnh: Lê Trung

Nữ sinh 'phá kén' để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình

09/05/2024

Nam sinh Bách khoa bứt phá lớp kén ‘rụt rè’, trở thành Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tranh biện

08/05/2024

Nữ sinh UTH năng nổ trong hoạt động Đoàn-Hội, say mê NCKH và tham gia nhiều chương trình giao lưu sinh viên quốc tế

09/05/2024

Nữ sinh Hải Dương và hành trình trở thành thủ lĩnh trẻ của tổ chức thanh niên vì cộng đồng

08/05/2024

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bi-quyet-xay-dung-thuong-hieu-ca-nhan-thoi-dai-so-sang-tao-khac-biet-nhung-dung-song-ao-post1636173.tpo