Bí thơm Thượng Giáp

Cách thành phố Tuyên Quang hơn 200 km, xã Thượng Giáp (Na Hang) được mệnh danh là nơi sơn cùng thủy tận, một xã đặc biệt khó khăn của huyện, của tỉnh. Khác với sự mường tượng của nhiều người, hôm nay Thượng Giáp thật khác, xã đã có nhiều mô hình kinh tế mới, nhưng nổi bật hơn cả là mô hình trồng bí thơm đã đem lại thu nhập khá cho người dân.

Bén duyên nơi đất khó

Anh Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn xã Thượng Giáp (Na Hang) tự hào lắm, bởi anh là người đầu tiên mang cây bí thơm Bắc Kạn về trồng và lan tỏa đến nhiều hộ dân như hôm nay. Anh kể, cuối năm 2020, anh được sang huyện Ba Bể (Bắc Kạn) học tập kinh nghiệm, trong các món ăn được thưởng thức món bí xanh thơm, anh ấn tượng ngay ở mùi vị, màu sắc bắt mắt. Lân la hỏi chuyện anh kết nối được với chủ một vườn ươm tại xã Địa Linh và mua thử 600 cây bí giống với số tiền 4,8 triệu đồng về để trồng.

Anh Hiệp kể, lúc đầu anh cũng nghĩ đơn giản, với vai trò là Bí thư Đoàn xã, đầu tư cho các chi đoàn cho thêm cây trồng mới để khi có thu sẽ có thêm kinh phí cho hoạt động đoàn. Ngày đó, toàn xã có 6 chi đoàn, nhưng chỉ có 4 chi đoàn nhận bí về trồng thử, để xóa tan nỗi lo cho các đoàn viên, anh Hiệp cũng cam kết, khi có thu hoạch sẽ thu mua bí với giá 10.000 đ/kg.

Để “chung lưng đấu cật” với đoàn viên, chính Bí thư cũng tự cải tạo đất trồng 200 cây bí giống bị “ế” do 2 chi đoàn còn lại không nhận. Anh Hiệp bảo, sự nghiệp trồng bí thật gian nan, cây bí ưa ẩm nhưng đất phải thoáng, chỉ sau 1 tháng trồng 1/3 diện tích bị bọ cánh vàng và bọ xít tấn công, lúc này nhiều cá nhân tham gia bắt đầu “nản” về giống cây mới.

Toàn bộ cây bí thơm đều được áp dụng quy trình sạch trong chăm sóc.

Toàn bộ cây bí thơm đều được áp dụng quy trình sạch trong chăm sóc.

Tham khảo qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, anh Hiệp tự học và sáng tạo cách dùng màn tuyn che cho cây non, vải màn cắt thành hình vuông kích thước 30 x 30 cm, bọc ngọn bí để bảo vệ khỏi côn trùng, dù bị hao hụt nhiều, nhưng giữa năm 2020, 4 chi đoàn cũng thu được gần 2 tấn bí, doanh thu khoảng 18 triệu đồng, số tiền tuy ít nhưng cũng bổ sung phần nào cho các hoạt động đoàn.

Đầu năm 2022, chính quyền xã Thượng Giáp cũng chủ động xây dựng kế hoạch, hỗ trợ 20 hộ nghèo trồng bí thơm, tuy nhiên mô hình bị thất bại do giống, do thời tiết và cũng một phần do người dân chưa thực sự mặn mà với cây bí. Rồi đến đầu năm 2023, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng “trồng cây bí xanh” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 được triển khai tại xã Thượng Giáp, với mức hỗ trợ 210 triệu đồng, dự án đã trực tiếp cung cấp giống cho 18 hộ dân tham gia, tuy nhiên mô hình vẫn không đem lại hiệu quả. Lúc này, người dân thực sự tỏ ra chán nản với loại cây này.

Để tìm câu trả lời, anh Hiệp mang cây bí giống sang tận huyện Ba Bể (Bắc Kạn) để tìm hiểu và biết được nguyên nhân do giống được ươm tại Na Hang nếu chưa đúng kỹ thuật cây con sẽ yếu, không chịu được khí hậu lạnh và các loại bệnh phổ biến. Như cởi bỏ được nút thắt, anh Hiệp chủ động mua thêm 1.000 cây giống về chia cho vài hộ dân để trồng xen canh trên diện tích cũ để xem hiệu quả. Đúng như dự đoán, năm đó cây bí thơm lấy giống bên Ba Bể cho năng suất vượt trội, trên diện tích 700 m2 đất của gia đình, anh Hiệp thu được gần 2 tấn bí, bán được gần 20 triệu đồng.

Nâng tầm thương hiệu

Năm nay, toàn xã Thượng Giáp đã có hơn 3,5 ha đất trồng bí thơm, dự kiến cuối tháng 6 sẽ cho thu hoạch đồng loạt, nếu thuận lợi sẽ có năng suất khoảng 50 tấn, doanh thu khoảng 500 triệu đồng.

Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Hiệp tự hào chỉ tay về vườn bí gần 2.000 m2 ngay Quốc lộ 280 của gia đình. Anh bảo, để thúc đẩy phong trào trồng bí, năm nay anh cải tạo toàn bộ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng bí theo mô hình sạch, toàn bộ khâu chăm sóc được làm hoàn toàn thủ công, không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật.

Chúng tôi thắc mắc, tại sao anh và các hộ dân không chọn trồng bí xanh thơm có năng suất cao hơn mà lại chọn bí phấn thơm. Anh Hiệp cười, quả bí phấn tuy năng suất thấp hơn 15%, nhưng thời gian bảo quản được gấp đôi so với bí xanh và cũng được thị trường ưa chuộng hơn bởi mẫu mã đẹp mắt. Chỉ có công đoạn thu hái và bảo quản cần có kỹ thuật, cắt bí và xếp đều phải tránh cho tiếp xúc với nước và mặt đất ẩm để phòng bị thối.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn xã Thượng Giáp (Na Hang) hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo quản quả bí non.

Anh Nguyễn Văn Hiệp, Bí thư Đoàn xã Thượng Giáp (Na Hang) hướng dẫn người dân cách chăm sóc và bảo quản quả bí non.

Bí thư Chi đoàn thôn Bản Cưởm Hoàng Văn Nghinh là 1 trong 18 hộ dân tham gia dự án. Sau sự thành công của năm 2023 với giống bí Bắc Kạn, năm nay, anh cũng đầu tư 30 triệu đồng cải tạo đất sườn dốc, mua giống và trồng khoảng 2.500 m2. Anh Nghinh chia sẻ, năm nay vườn bí được nhiều người dân quan tâm, nhất là lớp thanh niên trẻ, nếu giá cả ổn định khoảng 10.000 đồng/kg chắc chắn phải thu lãi được 70 triệu đồng.

Đồng chí Nguyễn Văn Hằng, Chủ tịch UBND xã Thượng Giáp (Na Hang) cho biết, cây bí thơm “thật sự” đang bén duyên dần với địa phương, cảm quan ban đầu khi áp dụng đúng kỹ thuật, cây phát triển tốt, năng suất đạt theo kỳ vọng. Đặc biệt trong 18 hộ dân nhận làm theo dự án, thì có 15 hộ là đoàn viên, thanh niên, chính sức trẻ, sự nhanh nhạy đó là điều kiện để giúp người dân có thêm nhiều kinh nghiệm trong áp dụng kỹ thuật mang lại hiệu quả cao.

Trên kênh Youtube “Nông sản Thượng Giáp” được anh Hiệp xây dựng mới được khoảng 1 tháng, nhưng đã có nhiều thương lái ở Hà Giang, Cao Bằng và thành phố Tuyên Quang quan tâm, liên hệ để thu mua sản phẩm. Anh Hiệp bảo, mình làm thật, lại làm sạch nên ai cũng hào hứng và hứa sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân trong xã.

Trong căn chòi gỗ giữa vườn bí xanh lúc lỉu những quả bí non, Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Hiệp cho chúng tôi xem qua một số hình ảnh về chiếc máy sấy khô bí thương phẩm làm trà, có giá 120 triệu đồng. Anh Hiệp phấn khởi, nếu thành công thì cuối năm nay anh sẽ đầu tư chiếc máy này để bao tiêu thêm sản phẩm cho người dân và cũng tạo thêm 1 thương hiệu nông sản mới cho địa phương.

Ghi chép: Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bi-thom-thuong-giap-192043.html