Bia rượu và karaoke

Lượng người 'đã uống rượu bia mà vẫn lái xe' chiếm trên 40% số vi phạm luật giao thông...

Thống kê từ Cục Cảnh sát Giao thông cho biết, trong dịp Tết vừa qua, lực lượng chức năng đã xử lý trên 71 nghìn trường hợp vi phạm luật giao thông, trong đó có 29 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, xử phạt trên 182 tỷ đồng.

Số liệu trên cho thấy, lượng người “đã uống rượu bia mà vẫn lái xe” chiếm trên 40% số vi phạm luật giao thông. Bất chấp những cảnh báo từ cơ quan chức năng rằng, ngay trong những ngày Tết, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn đo nồng độ cồn như thường, thế nhưng nhiều người uống rượu bia mà vẫn lái xe!

Cũng trong dịp Tết vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều clip ghi lại cảnh cảnh sát giao thông đo nồng độ cồn với những người đi xe máy, ngay trong ngày mùng Một Tết.

Không thiếu những lời thóa mạ, những cử chỉ kém văn hóa của những người bị phạt do uống rượu bia mà vẫn lái xe đối với lực lượng chức năng khi bị đo nồng độ cồn.

Họ nói rằng, ngày thường thì họ chấp nhận phạt chứ đây là ngày Tết, đi thăm bạn bè, chúc Tết bà con, họ hàng thì cũng phải làm vài ly rượu gọi là “mừng Xuân”, sao lại cấm, sao lại phạt họ...?

Suốt từ Tết đến nay, trên khắp các thôn cùng xóm vắng ở miền quê đến nhiều khu dân cư ở thành phố, đi đâu cũng gặp những âm thanh chát chúa phát ra từ những chiếc loa kẹo kéo mở hết công suất.

Không phải ai cũng chịu đựng được thứ âm thanh nhừa nhựa rượu bia, sai tông lỗi nhịp được phát ra từ những chiếc loa ấy, trừ những người tham gia hát.

Nếu người uống bia rượu bị thổi nồng độ cồn và bị xử phạt thì trách mắng cảnh sát giao thông tại sao lại cấm họ uống bia rượu trong ngày Tết thì những người hát karaoke lại có cách “bảo vệ mình” bằng những lý sự rất chối tai.

Ví dụ như họ bảo rằng họ hát tại nhà của họ, ai không muốn nghe thì đóng cửa nhà mình lại; rằng hát chưa đến 22 giờ đêm thì có ảnh hưởng giấc ngủ của ai đâu… Thế thì tại sao lại cấm họ hát?

Xin được hiểu cho rằng, chẳng ai cấm uống rượu bia và hát karaoke cả. Nhưng đã uống rượu thì không được lái xe vì rất dễ gây tai nạn cho người khác, kể cả cho bản thân người uống rượu bia.

Mọi người cứ uống vô tư nhưng phải có người đưa đón hoặc đi taxi hay Grab thì chẳng ai thổi nồng độ cồn mình cả. Cũng như luật không cấm hát karaoke nhưng hát thì phải xây phòng riêng có cách âm chứ không thể hát như tra tấn hàng xóm như lâu nay được, dù là hát trong nhà của mình.

Mặc dù số người uống rượu bia khi lái xe vẫn còn, song sự kiên quyết của lực lượng cảnh sát giao thông khi đo nồng độ cồn và xử phạt rất nặng trong thời gian qua khiến cho số vụ tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu đã giảm đáng kể.

Điều đáng tiếc là, dù đã có luật xử phạt khi gây tiếng ồn làm ảnh hưởng người khác nhưng tình trạng hát karoke “khủng bố” hàng xóm hầu như chẳng được ai nhắc nhở cả. Không khó để xử phạt việc này nhưng tại sao cơ quan chức năng lại không làm kiên quyết như đã làm với người uống rượu mà vẫn lái xe thì quả là điều khó hiểu!

Nên trả lại sự trong lành cho xã hội bằng việc dẹp nạn hát karaoke tra tấn hàng xóm như lâu nay. Cuộc sống sẽ bình yên, tai nạn giao thông do bia rượu sẽ chấm dứt nếu như cơ quan chức năng tiếp tục duy trì thổi nồng độ cồn và xử phạt như lâu nay.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bia-ruou-va-karaoke-post673662.html