Biết con phạm pháp, người thân không tố giác tội phạm, tội gì?

Người thân của người phạm tội sẽ phải chịu TNHS nếu không tố giác tội phạm khi người phạm tội phạm phải tội đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia.

Về việc không tố giác tội phạm, trên thực tế các vụ án đã xét xử có không ít trường hợp người thân trong gia đình biết con em mình phạm tội nhưng không tố giác cơ quan chức năng. Tuy nhiên có trường hợp thì bị xử lý TNHS, có trường hợp thì được miễn, từ đây bạn đọc thắc mắc theo quy định PL thì người thân không tố giác tội phạm có bị tội gì không?

Trao đổi với PV, LS Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn LS TP.HCM cho biết:

 Luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Luật sư Nguyễn Thị Kim Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM

Căn cứ khoản 1 Điều 19 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 của Bộ luật này.

Theo khoản 1 Điều 390 BLHS thì người nào biết rõ một trong các tội phạm đang được chuẩn bị (các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 BLHS; hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chuẩn bị phạm tội quy định tại Điều 123, Điều 168 của Bộ luật này) hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khoản 2 Điều 19 BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên, trong trường hợp không tố giác các tội liên quan xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong đó, tội đặc biệt nghiêm trọng là những tội có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, như: Tội giết người, Tội hiếp dâm, Tội cướp tài sản, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội tổ chức đua xe trái phép; Tội mua dâm người dưới 18 tuổi, Tội tham ô tài sản…

Cạnh đó, người không tố giác là người bào chữa thì cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này; trừ trường hợp không tố giác các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.

Để khuyến khích người dân phối hợp cùng cơ quan chức năng khuyên người phạm tội ra đầu thú thì tại khoản 2 Điều 390 BLHS quy định người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.

Bao che người phạm tội, bị xử lý sao?

Tương tự, với hành vi che giấu tội phạm, trách nhiệm hình sự cũng được loại trừ đối với người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng, trừ trường hợp che giấu các tội về xâm phạm an ninh quốc gia và các tội đặc biệt nghiêm trọng khác (khoản 2 Điều 18 BLHS năm 2015).

Theo Điều 389 BLHS về tội che giấu tội phạm thì:

1.Người nào không hứa hẹn trước mà che giấu một trong các tội phạm quy định tại các điều sau đây của Bộ luật này, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm:

a) Các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120 và 121;

b) Điều 123, các khoản 2, 3 và 4 Điều 141, Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146, các khoản 1, 2 và 3 Điều 150, các điều 151, 152, 153 và 154;

c) Điều 168, Điều 169, các khoản 2, 3 và 4 Điều 173, các khoản 2, 3 và 4 Điều 174, các khoản 2, 3 và 4 Điều 175, các khoản 2, 3 và 4 Điều 178;

d) Khoản 3 và khoản 4 Điều 188, khoản 3 Điều 189, khoản 2 và khoản 3 Điều 190, khoản 2 và khoản 3 Điều 191, khoản 2 và khoản 3 Điều 192, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 193, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 194, các khoản 2, 3 và 4 Điều 195, khoản 2 và khoản 3 Điều 196, khoản 3 Điều 205, các khoản 2, 3 và 4 Điều 206, Điều 207, Điều 208, khoản 2 và khoản 3 Điều 219, khoản 2 và khoản 3 Điều 220, khoản 2 và khoản 3 Điều 221, khoản 2 và khoản 3 Điều 222, khoản 2 và khoản 3 Điều 223, khoản 2 và khoản 3 Điều 224;

đ) Khoản 2 và khoản 3 Điều 243;

e) Các điều 248, 249, 250, 251, 252 và 253, khoản 2 Điều 254, các điều 255, 256, 257 và 258, khoản 2 Điều 259;

g) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 265, các điều 282, 299, 301, 302, 303 và 304, các khoản 2, 3 và 4 Điều 305, các khoản 2, 3 và 4 Điều 309, các khoản 2, 3 và 4 Điều 311, khoản 2 và khoản 3 Điều 329;

h) Các khoản 2, 3 và 4 Điều 353, các khoản 2, 3 và 4 Điều 354, các khoản 2, 3 và 4 Điều 355, khoản 2 và khoản 3 Điều 356, các khoản 2, 3 và 4 Điều 357, các khoản 2, 3 và 4 Điều 358, các khoản 2, 3 và 4 Điều 359, các khoản 2, 3 và 4 Điều 364, các khoản 2, 3 và 4 Điều 365;

i) Khoản 3 và khoản 4 Điều 373, khoản 3 và khoản 4 Điều 374, khoản 2 Điều 386;

k) Các điều 421, 422, 423, 424 và 425.

2. Phạm tội trong trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc phát hiện tội phạm hoặc có những hành vi khác bao che người phạm tội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm

TRẦN LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/biet-con-pham-phap-nguoi-than-khong-to-giac-toi-pham-toi-gi-post790309.html