Biệt đội lấy máu của bệnh viện tuyến cuối phía Nam

Mỗi ngày, 30 con người đều đặn đi khắp các tỉnh, thành phía Nam để nhận về hàng trăm lít máu.

Mỗi ngày, 30 con người đều đặn đi khắp các tỉnh, thành phía Nam để nhận về khoảng 200 lít máu.

Âm thanh cọt kẹt vang lên nhịp nhàng theo từng vòng quay của bánh xe. Giường bệnh biến thành giường nằm, kho chứa dụng cụ được trưng dụng thành “phòng riêng”.

Vốn là xe lấy máu lưu động không còn được sử dụng, 15 năm nay, chiếc xe cũ kỹ ấy trở thành nơi che nắng, che mưa cho cả đội trong những ngày thực hiện công tác tiếp nhận máu ngoại tỉnh.

Những chuyến đi nhận máu lúc 4h sáng

“Nhẹ nhẹ tay chứ, cẩn thận kẻo hỏng dụng cụ”, anh Võ Thành Đông (điều dưỡng - đội trưởng đội tiếp nhận máu) nói với sang các đồng nghiệp đang tất bật chuẩn bị dụng cụ.

4h sáng, Trung tâm Truyền máu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy đã sáng đèn. Hơn 10 người đàn ông khệ nệ truyền tay nhau vali đựng dụng cụ lấy máu, túi máu và khay đựng để mang lên xe dụng cụ. Trước mỗi chuyến đi, việc kiểm tra và bổ sung dụng cụ là quy trình không thể thiếu.

Trung tâm có tổng cộng 30 điều dưỡng, được chia thành 2 đội thực hiện công tác lấy máu ở khu vực 5 tỉnh Đông Nam Bộ mỗi ngày.

Dù là bất cứ đâu, họ đều bắt đầu ngày làm việc lúc bình minh chưa ló dạng. Có hôm xe lăn bánh lúc 4h15, khi lại khởi hành lúc 5h30, những chuyến đi lúc tờ mờ sáng khiến sức khỏe các nam điều dưỡng bị bào mòn theo năm tháng.

“Chắc phải đề nghị thay đệm ghế mới, ngồi đau lưng quá”, một thành viên trong đội thở dài sau nỗ lực ngả ghế ra sau nhưng bất thành.

Tính chất công việc ngồi nhiều cộng với phương tiện di chuyển sơ sài, hầu hết thành viên trong đội phải đối mặt với tình trạng đau cột sống kinh niên. Nhiệt độ trên xe giảm mạnh, những tiếng ho húng hắng vang lên xen giữa các cuộc trò chuyện.

- Này, mang cá đi đâu đấy?

- Mang cho anh Triều.

- Cá đẹp thế! Bao nhiêu đấy? Hôm trước anh vừa mua 3 con, tốn hết 300.000 đồng.

Thời gian trên xe bao giờ cũng đáng quý, đó là khoảnh khắc thư thái hiếm hoi trước khi lao vào công việc. Họ nói về gia đình, con cái, về những thú vui giúp giảm áp lực từ cái nghề đi sớm về khuya này.

Các nam điều dưỡng ít khi nói về công việc, trừ khi thật sự cần thiết. Đối với cả đội, công việc này quen thuộc tựa như việc hít thở.

- Đến quốc lộ 13 thì ghé rước anh Đại nhé.

Người cuối cùng lên xe là bác sĩ Ngô Lê Đại. Mỗi đoàn lấy máu đều cần một bác sĩ để làm nhiệm vụ đánh giá thể trạng người hiến máu. Tham gia đội truyền máu 5 năm, anh xem những chuyến đi thế này là một phần không thể thiếu của công việc.

Đủ người, chiếc xe cũng tăng tốc. Một bác sĩ, một chuyên viên công nghệ thông tin, 14 điều dưỡng, tất cả đang trên chuyến xe đến thị xã Bình Long (tỉnh Bình Phước). Quãng đường hôm nay dài tầm 100 km.

Xếp hàng đi "cho máu"

7h sáng, xe dừng bánh tại Nhà thiếu nhi thị xã Bình Long. Hàng trăm người đã có mặt từ sớm, xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục. Chiếc loa phát thanh điều phối người dân đến khu vực hiến máu vang lên khuấy động cả một góc trời.

Tranh thủ khi người dân còn làm thủ tục, cả đội tiến hành trải giường, kê bàn ghế. Các dụng cụ như cân máu, ống lấy mẫu sàng lọc, miễn dịch, gòn tẩm cồn... cũng được sắp xếp đâu vào đó.

Một điều dưỡng đảm nhận 2 giường. Các công đoạn chuẩn bị hoàn tất cũng là lúc đội tiến hành lấy 350 đơn vị máu theo chỉ tiêu được giao.

- Huyết áp thấp quá, con về đi, nay không hiến máu được đâu.

- Cô quá 60 tuổi rồi, không đủ điều kiện hiến máu nữa đâu ạ!

Chỉ cần liếc ngang phiếu đăng ký của từng người, các điều dưỡng có thể đọc vanh vách những trường hợp không thể tham gia hiến máu.

Theo quy định, người hiến máu phải đáp ứng đủ các điều kiện như tuổi từ 18-60, có cân nặng từ 45 kg trở lên. Về tiêu chuẩn sức khỏe, người hiến máu phải có mạch từ 60-90 lần/ phút, huyết áp tối đa từ 100-160 mmHg.

Miệng lẩm nhẩm kiểm tra các thông số của người cho máu, tay không ngừng đóng dấu, bác sĩ Ngô Lê Đại lặp lại công việc như thoi đưa. Sau công đoạn xét nghiệm nhanh huyết sắc tố và HBsAg (viêm gan B), mỗi đoàn lấy máu đều cần một bác sĩ để làm nhiệm vụ khám tuyển chọn người hiến máu.

Máu là chế phẩm cực kỳ đặc biệt, lưu thông trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể. Máu được tim bơm đến các mô và cơ quan của cơ thể, sau đó được đưa trở lại tim để lặp lại quá trình tuần hoàn này.

Với người đang ở bờ vực sinh tử, nguồn máu trở thành liều thuốc đặc biệt lớn lao. Một giọt máu hiến thời điểm đó cũng trở thành "dòng vàng" quý giá để cứu lấy một sinh mạng. Thế nhưng, máu hiến cũng có thể đẩy người nhận máu vào nguy cơ nếu được chọn lọc, được truyền không an toàn.

Chính vì thế, các bác sĩ luôn trong tình trạng tập trung cao độ để đánh giá người hiến máu một cách sát sao trước khi đặt bút ký duyệt.

- Chú ơi, lấy máu nhẹ nhẹ thôi nhé, không là con xỉu đấy!

- Phía trước có sẵn xe của bệnh viện, nếu xỉu sẽ có người chở đi cấp cứu ngay.

Lời trêu của điều dưỡng Phan Trường Giang khiến một cô gái phần nào bình tâm hơn trong lần đầu hiến máu.

Bằng đôi mắt nhà nghề, anh Giang nhanh chóng xác định được ven máu và cắm kim vào. Dòng máu đỏ theo ống dẫn chảy thẳng đến túi máu đang được đặt trên cân.

Hiện tại, Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ lấy máu mức 350 ml. Cộng với khối lượng túi máu, khi nhìn thấy kim của chiếc cân dần nhích về con số 600 gram, nam điều dưỡng biết lượt lấy máu này sắp về đến đích. Quy trình chưa đầy 10 phút này, anh Giang đã thực hiện hàng triệu lần suốt 8 năm nay.

“Không hiếm gặp những trường hợp người cho máu choáng, ngất xỉu. Trong quá trình lấy máu, điều dưỡng cần theo dõi tình trạng sức khỏe của họ thận trọng để có phương án xử lý kịp thời”, anh Giang cho biết.

Đội hiến máu lưu động thuộc Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập vào tháng 6/2003, thực hiện công tác tiếp nhận máu tình nguyện ở khu vực 5 tỉnh Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trong một số trường hợp khẩn cấp, đội cũng đến hỗ trợ y tế tại các tỉnh ngoài khu vực như Long An, Tiền Giang... Tính riêng năm 2023, trung tâm tiếp nhận khoảng 156.000 đơn vị máu toàn phần 350 ml. Trong đó, 95% đến từ các đội tiếp nhận máu lưu động.

Những dòng máu quý hơn vàng

Nghe tin Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu nhóm máu O Rh-, chị Lê Thị Nga tức tốc vượt quãng đường hơn 40 km từ huyện Lộc Ninh đến Bù Đốp để tham gia hiến máu.

Trong một lần đi hiến máu vào năm 2009, chị được thông báo bản thân thuộc nhóm máu O Rh-, chỉ chiếm tỷ lệ 0,01% trong tổng dân số Việt Nam.

Từ ngày ấy, chị lui tới những điểm hiến máu nhân đạo đều đặn 3 lần/ năm với niềm tin rằng dòng máu quý hơn vàng chảy trong cơ thể có thể giúp những người bị tai nạn, những bà mẹ đang trên bàn sinh... trở về từ cửa tử.

Chị Nga nhớ như in một buổi trưa 2018, sau khi đọc được thông tin một bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở TP.HCM đang cần nhóm máu O Rh-, chị bắt ngay chuyến xe trong chiều, ruột gan nóng như lửa đốt.

Cuộc phẫu thuật diễn ra suôn sẻ, người nhà có nhã ý gửi chị chút tiền thay lời cảm ơn nhưng chị gạt đi vì cho rằng như thế là “bán máu”.

“Kể từ khi biết bản thân mình có máu hiếm, tôi không giữ cho riêng mình mà luôn cố gắng sinh hoạt lành mạnh, giữ bản thân khỏe mạnh để sẵn sàng cho những trường hợp bệnh nhân cấp cứu cần máu khẩn cấp”, chị nói.

- Bà con ơi, hiện tại đã đủ máu. Hẹn bà con lần sau.

- Sao kỳ vậy, tôi đến đây gần 2 tiếng rồi.

- Hiện tại đã đủ chỉ tiêu. Trừ khi có người bỏ lượt, nhập máy thấy không đủ chỉ tiêu thì chúng tôi mới nhận thêm.

- Em xin nghỉ việc để đi lấy máu, như thế thì em biết nói chuyện với sếp thế nào đây?

Bất cứ khi nào nhận nhiệm vụ thông báo, điều dưỡng Trần Tấn Triều cũng luôn trong tâm thế sẵn sàng cho những cuộc tranh luận như thế. Nhẹ thì vài câu phàn nàn, nặng thì những lời chỉ trích.

Thỉnh thoảng, trong đám đông hơn 20 người lại buông ra vài lời gắt gỏng: “Có vài bịch máu cũng làm khó nhau vậy!”. Anh ví von công việc này chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”.

Dần về trưa, nắng bắt đầu len lỏi, kéo thành những vệt dài trên trần, sàn nhà của nhà thiếu nhi. Hơn 10 chiếc quạt hoạt động hết công sức không thể ngăn được cái nóng 37 độ C.

Ba giờ làm việc, 40 ca lấy máu, vài giây hớp vội ngụm nước là chút thời gian ít ỏi anh Giang được ngơi tay. Anh nói không mệt, nhưng chiếc áo xanh in dòng chữ “Trung tâm truyền máu Chợ Rẫy” ướt đẫm mồ hôi dường như phản ánh điều ngược lại.

“Còn ai chưa lấy máu thì di chuyển qua đây nhé”, anh Giang nói lớn.

Lúc này, các giường đã bắt đầu trống. Tiếng người cười nói, tiếng loa điều phối dần dần bị thế chỗ bởi âm thanh quét dọn.

“Chà! Ngày mai đi 2 đoàn, cực đây! Nghe nói tuần sau đi cả tuần, mình là đàn ông còn chịu không nổi”, một điều dưỡng với lấy chiếc điện thoại, vội vàng kiểm tra lịch trình sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Thường xuyên di chuyển xa, tần suất làm việc liên tục, nhiều điều dưỡng nữ của đội quyết định chuyển sang các bộ phận khác chỉ sau vài chuyến đi. Cứ thế, cả đội còn lại 30 điều dưỡng nam mải mê tiếp tục hành trình.

Chiếc túi neo giữ nguồn sống

Các đơn vị máu sau khi thu nhận sẽ được chuyển về Ngân hàng lưu trữ để tiến hành sàng lọc, sản xuất, bảo quản và phân phối. Máu của người hiến trước tiên sẽ được sàng lọc một lần nữa bằng nhiều xét nghiệm để phân loại.

Sau khi sàng lọc đạt yêu cầu, máu được sản xuất thành các chế phẩm khác nhau và được đưa vào bảo quản theo tiêu chuẩn nhiệt độ riêng để chờ đến khi sử dụng.

ThS Phạm Lê Nhật Minh, Phó giám đốc Trung tâm Truyền máu - Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định đội công tác tiếp nhận máu lưu động là một mắt xích rất quan trọng, hỗ trợ Trung tâm Truyền máu thực hiện tốt vai trò tiếp nhận và cung cấp nguồn máu chất lượng, an toàn cho 2 bệnh viện thuộc tuyến Trung ương: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất và tất cả bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 5 tỉnh Đông Nam Bộ.

“Sắp tới, Trung tâm có kế hoạch tăng cường các điểm hiến máu cố định tại TP.HCM và 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đầu tư thêm thiết bị vận chuyển máu, chuyên chở cũng như cơ sở hạ tầng”, thạc sĩ Nhật Minh chia sẻ

Máu là một chế phẩm đặc biệt mà cho đến nay, y học dù hiện đại đến mấy cũng chưa phát minh ra chất thay thế.

Chính vì vậy, khi một người đang cần máu và được truyền máu kịp thời, đó là điều kỳ diệu. Và nguồn máu này không phải lúc nào cũng sẵn có từ bạn bè, người thân của họ.

Những túi máu từ hàng triệu tấm lòng của người Việt chính là nguồn neo giữ sự sống, hồi sinh cuộc đời cho những người cần máu.

Duy Hiệu - Kỳ Duyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/biet-doi-lay-mau-cua-benh-vien-tuyen-cuoi-phia-nam-post1426243.html